Mèo quả nhiên mạng tiện, con mèo kia chỉ mới qua một đêm đã tươi tỉnh lại. Hai mắt nó long lanh ánh nước, cũng không nằm bò dở sống dở chết mà ngồi xổm một bên liếm ướt chân thong thả chải chuốt lông, nó liếm cực kỳ cẩn thận, không bỏ qua chỗ dơ nào, liếm đến khi bộ lông mượt mà.
"Vậy mà sống được thật." Phong Ký Nương lấy ra một miếng bánh từ nông gia xé thành những miếng nhỏ đút cho nó ăn.
Con mèo ngửi ngửi, không thích loại thức ăn này lắm, nhưng nó không kén chọn, im lặng ăn hết nửa cái bánh. Nó kêu vài tiếng, hình như có ý muốn rời đi.
Phong Ký Nương xốc màn xe lên thả nó đi, lại nói: "Ta ở chùa Quy Diệp, nếu ngươi không có chỗ để đi có thể tới tìm ta."
Con mèo kêu vài tiếng, nhảy xuống xe ngựa, đứng nép một bên, không chớp mắt nhìn theo Phong Ký Nương rời đi, chờ xe ngựa rẽ qua khúc cua biến mất nó mới quay người lại chạy nhanh về hướng cửa thành.
*
Phong Ký Nương cùng lão thúc phong trần mệt mỏi trở lại chùa Quy Diệp. Ngôi chùa cũ trải qua một đêm mưa gió, tựa như tân trang một lớp áo mới, trông có chút mới mẻ.
Ngọn núi sau chùa có một suối nước nóng, chỉ có vài thước vuông, quanh năm cuồn cuộn, nước màu trắng sữa có mùi lưu huỳnh, ngâm mình có thể giảm đi mệt mỏi. Lấy trúc già dựng một cái lều đơn giản, xung quanh treo màn trúc che lại, đó là nơi để tắm trong suối nước nóng. Phong Ký Nương về chùa liền xõa tóc tắm gội thay quần áo, khoác đồ ngủ, tóc dài vẫn ướt dựa vào cửa sổ ngắm phong cảnh trong viện.
Lò đất nấu một ấm trà lạnh, tỏa ra mùi thơm ngát hơi đắng, vài tiếng nước nhỏ từ mái hiên, một con hoàng tước từ nóc nhà nhảy vào trong viện nhặt hạt cây, sâu bọ. Phong Ký Nương ngáp một cái, duỗi eo lười, đẩy bàn nhỏ sang một bên, nằm trên ghế mơ màng sắp ngủ.
Qua một lúc lâu, lão thúc rời đi đã quay lại, đem một phong thư giao cho Phong Ký Nương: "Hôm qua chủ trì sai tiểu sa di gửi một phong thư về." Hắn thấy Phong Ký Nương y phục không chỉnh tề, vội quay người đi.
Phong Ký Nương nhận thư xem xong, nói: "Chủ trì tiến cử ta đến Bất Lương Nhân giúp đỡ công vụ."
Lão thúc hỏi: "Nương tử cần gì phải đồng ý? Bất Lương Nhân đó giờ luôn mời chào những kẻ mang tội, đều là hạng người chẳng lương thiện gì."
Phong Ký Nương cười nói: "Có lẽ ta và Bất Lương Nhân có duyên."
Nàng đã có chủ ý, lão thúc xem nàng như Thiên Lôi sai đâu đánh đó, không hề nhiều lời, dự định ngày mai trời sáng liền cầm thư tiến cử vào thành.
*
Lôi Sát và mấy Bất Lương Nhân khác tụ họp ở trong nghị sự đường, trong đó một thiếu niên mặt hung dữ tên là A Khí, A Khí là một cô nhi, có tên không họ, từ nhỏ được Bất Lương soái Từ Tri Mệnh nuôi lớn.
Từ Tri Mệnh văn thao võ lược, cầm kỳ thi họa đều tinh thông, vậy mà nghĩa tử A Khí lại là tên đầu gỗ, dốt đặc cán mai, mù tịt không biết gì, học chữ đọc sách miễn cưỡng được trăm từ, ngủ một giấc liền đưa cho Chu Công lão nhân gia, cũng chỉ trên phương diện võ học có chút thiên phú. Chờ khi lớn một chút, cũng coi như có chút năng lực, A Khí nóng lòng muốn vì nghĩa phụ phân ưu, Từ Tri Mệnh ngại hắn ngày ngày đi theo ồn ào đến đau tai, dứt khoát ném hắn vào Bất Lương Nhân đi theo Lôi Sát làm việc.
Một ngọc diện lang quân dáng người cao ráo khác tên là Diệp Hình Tư, hắn xuất thân bất phàm, chính là đích tử của Đại Lý Tự Khanh Diệp Đạo Lẫm, từ nhỏ giỏi giương đao múa kiếm, lại bái được danh sư học nghệ, vốn dĩ với tư chất, xuất thân như thế hắn sẽ bướng bỉnh, cao ngạo.
Nhưng Diệp Hình Tư trời sinh chính trực, lòng đầy nghĩa hiệp luôn bênh vực kẻ yếu, khi hắn đi du ngoạn nhất thời xúc động làm hại tính mạng người khác. Sau đó hắn mới biết, người bị mình giết chết tuy không phải người vô tội nhưng tội vốn không đáng chết. Trong lòng hắn rối loạn, tự đi đầu thú. Sau khi được đặc xá vẫn thấy thẹn trong lòng khó có thể tiêu tan nên nản lòng thoái chí ở nhà uống rượu tiêu sầu cả ngày.
Diệp Đạo Lẫm yêu thương đứa con nhỏ tuổi này hết mực, cả ngày than ngắn thở dài. Có một ngày hắn cùng Từ Tri Mệnh uống rượu giải sầu liền như phụ nhân nội trạch ngồi kể khổ. Từ Tri Mệnh vuốt râu cười nói: "Chuyện này có khó gì, chỉ cần phó thác lệnh lang cho ta."
Diệp Đạo Lẫm lau mắt, tuy không tin Từ Tri Mệnh lắm, chỉ là chuyện cứ thế này thì vẫn nên coi ngựa chết như ngựa sống mà chạy chữa, nhấc tay lên: "Việc đã đến nước này, ngu huynh liền đem tiểu nhi không nên thân kia ủy thác cho hiền đệ." Hắn có sở trường viết chữ, một nét chữ thảo thiên kim khó cầu. Chẳng qua người này coi trọng thanh danh không dễ dàng động bút, tính tình lại ngang ngạnh, ngay cả thánh nhân cũng phải pha trò đưa đẩy. Vậy mà hiện giờ vì ấu tử, nói: "Nếu từ đệ không chê, ngu huynh nguyện vì từ đệ viết một bức tự bình."
Hai mắt Từ Tri Mệnh sáng ngời, vui vẻ rạo rực đồng ý. Bức tự bình kia ngoảnh lại đã bị Từ Tri Mệnh hiến cho Thừa Bình Đế. Thừa Bình Đế cũng là kẻ nhiều chuyện, chẳng bao lâu đã giả mù sa mưa mời Diệp Đạo Lẫm đến xem chữ, làm Diệp Đạo Lẫm tức giận đến mức sau khi về nhà liền xách theo kiếm lao ra khỏi phủ muốn đi sống mái với Từ Tri Mệnh một phen, bị mọi người xung quanh ngăn lại.
Cũng không biết Từ Tri Mệnh nói gì với Diệp Hình Tư, mấy ngày sau, Diệp Hình Tư chỉnh mặt vấn tóc, chào cha mẹ, một mình đến Bất Lương Nhân làm thủ hạ cho Từ Tri Mệnh, Diệp phu nhân đau lòng đến đánh Diệp Đạo Lẫm một đêm.
Diệp Hình Tư tự biết bản thân trời sinh tính tình xúc động, dễ chịu thiệt thòi, bởi vậy mỗi tiếng nói, mỗi bước đều châm chước, nói một câu cũng phải cân nhắc trước ba lần mới nói ra, việc gì cũng phải ghi chép lại từ đầu đến cuối, sắp xếp kỹ càng mới kết luận. Hắn lại học vẫn uyên thâm, tinh thông thư họa, khi tra án rất sợ bản thân sai sót nên có thể nhớ liền nhớ, có thể vẽ liền vẽ.
*
Lại một đại hán khác tên là Đơn Cái, thân cao chín thước, cánh tay dài rộng, sức mạnh to lớn. Hắn vốn là một tên đồ tể, cắt tiết lấy máu bất quá chỉ trong nháy mắt, lóc xương xẻ thịt, da không dính thịt, thịt không dính xương, xương không lưu gân, nhắm mắt cũng làm được. Mọi người đều kinh ngạc, xem trọng kỹ năng của hắn nên thường mời hắn mổ heo.
Bằng tuyệt kỹ mổ heo này, Đơn Cái cũng để dành được chút gia sản, cưới được kiều thê. Có tên du côn vô lại đỏ mắt ghen tỵ, dụ dỗ thê tử hắn nội ứng ngoại hợp lừa hắn mổ trâu, lại báo cho quan phủ. Hắn bị bắt được, ở tù một năm rưỡi.
Du côn lại cùng thê tử hắn mua chuộc cai ngục, muốn hại tính mạng hắn. Ai ngờ cai ngục này lại là người nghĩa khí, ngoài mặt nhận tiền nhưng lại lén báo cho Đơn Cái.
Sau khi Đơn Cái biết thì tức muốn nứt khóe mắt, hắn là kẻ thô lỗ bẩm sinh, thừa dịp đi xếp đá sửa tường thì đánh ngất cai ngục trông coi, lén quay về nhà, dùng dao chặt xương giết thê tử và gian phu như giết heo, cắt yết hầu lấy máu mổ bụng, chặt trên thớt rồi treo thịt lên. Sau khi tắm máu thì ra cửa ngửa mặt lên trời cười to mấy tiếng, đeo dao bên hông rời đi, tách hàng xóm đang hoảng sợ vây xem ra hai bên quay lại phòng giam đầu thú.
Kinh Triệu Doãn luyến tiếc sự dũng mãnh của hắn, giận mắng: "Thê tử ngươi tư thông với người khác sao ngươi không tới báo quan, tại sao lại tự mình động thủ?"
Đơn Cái nói: "Không ra chuyện tài nhẫn cỡ này, không phải là làm phụ lòng hai lạng dưới háng? Một mạng đổi hai mạng, tuy không lời nhiều nhưng dù sao cũng không lỗ."
Kinh Triệu Doãn tức giận đến đá hắn một cái, rốt cuộc trong lòng cũng yêu quý nên tiến cử hắn với Từ Tri Mệnh.
Bất Lương Nhân là một nồi tôm nhừ cá thối, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã, như cá gặp nước, dứt khoát tụ tập lại thành gia đình, suốt ngày trộn lẫn với một đám huynh đệ vào sinh ra tử, ăn uống đến say chuếnh choáng cười to: "Sắc là dao cứng róc xương, lão chỉ có một bộ da thịt này, luyến tiếc lóc đi, không bằng trần truồng một mình cho sảng khoái."
*
"Tặc con mẹ nó chứ tặc, đến cả cái lông của tặc cũng không có, lão Đơn ta canh chừng một ngày một đêm, suýt chút nữa mọc cây xanh mà cái bóng tặc còn không nhìn thấy." Đơn Cái hùng hùng hổ hổ cởi ủng ướt trên chân ra, ôm bàn chân trắng bệch mà cạo da chân. "Phó soái, theo cách nhìn của lão vụ này có quỷ, có lẽ cũng không phải Lý phủ lừa bịp mọi người, lại nói, dù có tặc tử cũng sớm chuồn rồi."
Lôi Sát ngồi trên ghế, đao đặt trên đầu gối, trên gương mặt tái nhợt không một tia huyết sắc có hơi trầm mặc, hắn nói: "Lý Thị lang không phải kẻ ngu dốt, không sai lầm đến mức bịa đặt một kẻ tặc vô căn cứ."
A Khí bĩu môi nói: "Lý Thị lang vừa mới mất mẹ, còn lòng dạ đâu mà để tâm tới tỳ nữ thiếp thất đã chết, không chừng là hắn già còn không đứng đắn, phụ nhân trong hậu trạch tranh giành tình cảm hại tới mạng người, không biết sao lại truyền thành lệ quỷ lấy mạng, Thị lang sợ ảnh hưởng thanh danh liền thêu dệt ra một tên tặc tử. Tặc tử giả làm gã sai vặt lẻn vào trong phủ giết một Như phu nhân, hai tỳ nữ, khi trốn chạy bị bọn họ đánh mất nửa cái mạng nhưng vẫn có thể chạy mất? Thật là vô cùng hoang đường, nói sao ta cũng không tin hắn."
Lôi Sát vẫn lắc đầu: "Tuy chuyện này kỳ quặc, nhưng trên dưới Lý phủ và hàng xóm xung quanh đều thấy tung tích kẻ tặc." Lại hỏi Diệp Hình Tư ở bên cạnh: "Có tra được vì sao có tin đồn Lý phủ có quỷ không?"
Diệp Hình Tư thấy hỏi tới liền móc trong lòng ra một chồng sách, A Khí ngó sang thì thấy chữ trên sách nguệch ngoạc như vẽ bùa quỷ thần khó phân biệt, choáng váng mà rụt lại.
"Lý phủ bị đồn quỷ ám là chuyện sau khi lão phu nhân qua đời, người hầu trong phủ và những nhà gần đó đều nói ban đêm thường nghe Lý phủ truyền đến tiếng khóc giống như mèo kêu làm người ta sởn tóc gáy, có nô bộc trong nhà cũng từng thấy bóng quỷ di chuyển vào chỗ ở của lão phu nhân."
"Lúc khâm liệm nhập quan lão phu nhân, khi làm lễ để đóng đinh quan tài người thân phải kìm nén tiếng bi thương, không thể khóc để tránh người chết bất an. Cố tình khi đóng đinh quan tài lão phu nhân chợt có tiếng ai đó khóc, đinh gõ sao cũng không vào, quan thượng thử sao cũng không làm được, quan thượng do Lý phủ thỉnh về trong lòng sợ hãi, quỳ xuống đất đòi đi. Lý phủ vốn kiêng kị lời đồn đãi nên ra lệnh cho nô bộc giữ kín chuyện này, nhưng lúc đó có nhiều thân hữu đang ngồi gần đó, làm sao giấu diếm nổi? Có điều e ngại Lý Thị lang nên chỉ lén bàn tán với nhau có lẽ lão phu nhân chết không cam lòng bởi vậy mới tác quái."
Diệp Hình Tư lại cúi đầu nhìn sách ghi chép nói: "Cho đến ngày hôm trước, một tiểu tỳ nữ của Lý phủ tên là A Ngũ đang yên lành lại tự sát, lúc này tin đồ quỷ ám mới bị bàn luận sôi nổi, cho đến khi Như phu nhân cùng một thị tỳ khác cùng lúc bị giết ly kỳ, chuyện quỷ ám càng lúc càng huyên náo khắp nơi, đừng nói trong phường, ngay cả hai phường khác trong thành cũng đều có lời đồn đãi, Lý thị lang không thể chịu đựng liền nằm trên giường không dậy nổi."
A Khí đưa tay vuốt cằm, nói: "Trạng thái chết của Như phu nhân kinh khủng, đúng là không bình thường."
Diệp Hình Tư tán đồng gật đầu, nói với Lôi Sát: "Phó soái, chuyện gì cũng có nguyên nhân, hung phạm vào phủ không ngoài ba điều tài, sắc, thù. Vì tài, Lý phủ không hề mất đi tài vật; nếu nói vì sắc, on gái của Như phu nhân cũng đã xuất giá, tuổi đã không còn trẻ; nếu nói vì thù, Lý phủ trên dưới đều nói Như phu nhân vẫn luôn ở trong nội trạch, tính tình ôn nhu, xưa nay đại môn không ra nhị môn không tới, ngẫu nhiên có ra cửa cũng chỉ là lên núi lễ Phật, bên người có gia phó nha hoàn vây quanh, chưa từng cùng người khác tranh chấp."
"Diệp Thập Nhất, nữ nhân kia trông như thế nào?" Đơn Cái ồm ồm hỏi, nhìn sang Lôi Sát, lại nhìn Diệp Hình Tư đầy quái đản: "Đám con nít miệng còn hôi sữa như các người thì biết cái gì? Không còn trẻ sao còn chảy nước? Lúc Từ Nương bán đứng lão vẫn còn thướt tha lắm. Theo cách nhìn của Lão Như phu nhân tư thông với người khác mới dẫn đến hoạ sát thân, bằng không sao mặt nàng ta lại bị cắt nát bét như thế?"
Diệp Hình Tư chán ghét hắn ta thô tục, mày nhíu chặt, chần chừ một lát mới nói với Lôi Sát: "Như phu nhân sinh thời đúng là có tư sắc, có cùng người khác tư thông hay không thì không biết."
Lôi Sát suy nghĩ: "Án này có nhiều chỗ kỳ lạ, trên dưới Lý phủ nói không tỉ mỉ, lại giấu giếm nhiều, có quỷ ám hay không thì trong lòng cũng có quỷ. Quỷ ám cũng được, án mạng cũng được, đều sau khi lão phu nhân qua đời mới khơi lên. Hiếu danh của Lý Thị lang đến Thánh Thượng cũng khen ngợi, Lý phu nhân cũng có một giai thoại hiền danh, con trai Lý thị lang nghe nói thông minh hiếu học, hiện giờ đi theo danh sư đọc sách. Huyệt trống không gió chắc hẳn có nguyên nhân, dạng người này lại liên quan đến quỷ ám cũng thật là châm chọc."
Diệp Hình Tư cùng Đơn Cái có chút suy nghĩ, A Khí thì lại gật đầu liên tục, nói: "Nghĩa phụ từng nói: Người thanh danh càng tốt, càng giấu nhiều dơ bẩn bất kham. Mọi người nói Lý thị lang chăm sóc mẹ vô cùng hiếu thảo, hận không thể địch thân niệu khí, ngọa băng cầu lí <1>, kết quả mẹ già vừa mới chết liền xảy ra chuyện ầm ĩ, hỏi thì hắn ấp úng, một hồi nói tặc tử giả làm gã sai vặt lẻn vào trong hậu trạch hại tính mạng tì thiếp của hắn, một hồi lại nói gã sai vặt giả từng nhiễu loạn linh đường mẹ hắn, hộ vệ nhà hắn nuôi đến khỏe mạnh, cường tráng như vậy đều là người chết à?"
Lôi Sát nói: "Lý lão phu nhân là mẹ kế, cũng không phải là mẹ đẻ của Lý thị lang."
A Khí giật mình: "Không phải nói Lý thị lang hầu mẫu cực hiếu, hận không thể địch thân niệu khí, ngọa băng cầu lí, thánh nhân cũng khen ngợi. Vậy mà hai người họ lại không chung huyết mạch ư?"
Lôi Sát lạnh nhạt nói: "Đến tột cùng như thế nào, trong lòng hắn mới biết."
Mấy người đang nói chuyện, một tiểu lại tiến vào, sắc mặt cổ quái, thi lễ nói: "Phó soái, có một nữ nương tự xưng là ngỗ tác cầm thư Từ soái tiến cử tới."
Lôi Sát trầm tĩnh cũng giật mình: "Nữ tử? Có lẽ là bà đồng."
Tiểu lại nói: "Hồi phó soái, không phải bà đồng, chính là nói ngỗ tác."
Lôi Sát nghe hắn nói như đinh đóng cột thì phất tay kêu mời vào, chờ đến khi gặp, cả khuôn mặt đều đen lại, liếc người tới từ trên xuống dưới một lượt: "Là ngươi? Không phải giả danh tới lừa bịp chứ?"
Nữ ngỗ tác này tóc đen y phục đỏ, tô son trát phấn, ăn mặc phong lưu phóng đãng, váy đỏ thêu mẫu đơn, vai cổ trắng như tuyết, ánh mắt phong tình vô hạn, làm cho một đám sai dịch đang cúi đầu cũng nhìn lén, không giống ngỗ tác mà lại tựa hoa nương.
Đúng là người hôm qua gặp, Phong Ký Nương hành vi khả nghi.
Phong Ký Nương hướng về phía Lôi Sát cười xinh đẹp, uốn một gối thi lễ, kéo dài giọng điệu: "Hoá ra là lang quân!"
<1>Địch thân niệu khí, ngọa băng cầu lí: Hai trong 24 tấm gương hiếu thảo ở TQ (Tự mình rửa sạch bô, Nằm trên băng chờ cá chép).