Quỷ thần trong tòa nhà cổ

Chương 7: Khe hở



Những âm thanh vô nghĩa, tương tự nhau đó, trong một khoảnh khắc đã khiến La Ngọc An sinh ra ảo giác như thể đầu óc mình sắp bị chúng đâm xuyên qua. Cô giơ tay bịt kín khe hở trong cơn đau đầu nhức óc. Tượng thần được làm từ gốm lẽ ra phải hơi lành lạnh nhưng tay cô mới chỉ đặt lên đó đã bị bỏng đến mức run lên, bên ngoài tượng thần không ngờ lại nóng đến thế.

Những tiếng kêu “nóng quá” và “đau quá” bất chợt ngưng lại trong giây lát, nhưng rồi sau đó, tiếng vọng vang lên từ trong khe hở lại càng ồn ào hơn.

Lúc này La Ngọc An vừa bị đau vừa bị bỏng, nếu không phải cô mau chóng tỉnh táo trở lại, mở mắt nhìn thấy chiếc rèm màu đen trong thực tại thì có lẽ cô cũng sẽ “nhiễm” cái cảm giác đau khổ ấy, rồi không nhịn được mà rên rỉ theo tiếng vọng từ khe hở mất thôi.

Cô bò dậy từ trên nền đất, tiến tới trước mặt Thị Thần. Thị Thần ngồi ngay ngắn trên bàn thờ, tuy vẻ bề ngoài của ngài không giống tượng thần làm bằng gốm sứ trong thế giới tối đen như mực kia lắm, nhưng họ mang lại cho cô cảm giác rất giống nhau.

“Thị Thần, tôi nên làm gì đây?” La Ngọc An không phải kiểu thông minh hơn người, gặp chuyện thế này cô cũng không dám tự tung tự tác nên đành tới gặp Thị Thần. Nếu tượng thần đó có liên quan tới Thị Thần thì chắc chắn ngài sẽ có chỉ thị cho cô.

Thị Thần lắng nghe vấn đề của cô, ngài mỉm cười, đề nghị: “Hay cô thử xem xem bên trong cái khe đó có gì đi?”

La Ngọc An: “Tôi không nhìn rõ lắm… Chẳng lẽ phải đập nó ra để nhìn thử?”

Thị Thần thản nhiên đáp: “Đập nó ra à? Vậy thì cứ thử đập ra xem sao.”

Bởi vì giọng ngài quá bình tĩnh, quá lạnh lùng nên chút thấp thỏm trong lòng La Ngọc An cũng từ từ biến mất. Nếu Thị Thần tỏ ra thờ ơ vậy thì chắc là không sao đâu nhỉ?. Truyện Teen Hay

Cô đã chuẩn bị sẵn sàng, tối đó khi lại nhìn thấy khe hở trên tượng thần bằng sứ thì La Ngọc An quyết định nhân lúc hăng sẽ làm nhanh cho xong việc, cô định đẩy nó xuống cho vỡ nát ra, ai ngờ tượng thần còn nặng hơn cô nghĩ nhiều, không những cô không đẩy nó được mà lòng bàn tay còn bị nóng đến đỏ hết lên. La Ngọc An cũng không tính bỏ cuộc nhanh vậy, cô bò lên bàn thờ, nhìn khe hở kia xong bèn thò bốn ngón tay vào đó, tính dùng sức tách nó ra làm đôi. 

Cô nghĩ nếu tượng đã bị nứt rồi thì tách nó ra có lẽ cũng không khó lắm, nếu có thể tách khe hở nhỏ ra thành khe hở lớn chắc cũng có thể thấy được trong đó có gì. Cô vừa luồn ngón tay vào trong khe hở tối đen đã thấy có gì đó bất thường, nhiệt độ bên trong đó cao hơn nhiều so với mặt ngoài tượng gốm, như thể bên trong là một cái lò đang nổi lửa rừng rực vậy.

La Ngọc An bị bỏng đến nỗi phải rụt tay về, cô cầm lấy bàn tay đỏ bừng, đành chấp nhận bó tay. Tóc bên mặt không biết bị gió ở đâu thổi mà dính vào mép cô, La Ngọc An giơ tay vén tóc lên sau tai, khi hạ tay xuống mới thấy hai sợi tóc dài quấn quanh ngón tay.

Tóc ư?

Cô cầm hai sợi tóc đó, xích lại gần khe hở của tượng thần, thử bỏ hai sợi tóc đó vào trong khe hở, rồi lại dịch gần thêm nữa, định ngửi xem có mùi tóc cháy trong đó không.

Không có mùi tóc cháy mà chỉ có một mùi hương vô danh nào đó rất nhạt. Nhưng âm thanh khủng bố trong khe hở đã ngừng lại.

Hình như có chút tác dụng nhỉ? Một lúc sau âm thanh kia lại vang lên, La Ngọc An sờ sờ mái tóc dày của mình, thầm suy tư trong chốc lát. Ngày nào con người cũng sẽ mọc tóc mới, và ngược lại, ngày nào cũng có nhiều tóc cũ rụng xuống thôi, nên cô kiên nhẫn vuốt vuốt tóc một lát, sau khi đã vuốt được tầm mười cọng tóc. Thì cứ khi nào có tiếng vang lên từ trong khe hở là cô lại ném một sợi tóc vào trong.

Cô cảm thấy dường như mình tìm được cách ngăn âm thanh này lại rồi.

Sáng tỉnh dậy, cô lại tới trước mặt Thị Thần như mọi khi, nhưng La Ngọc An còn chưa kịp ra tiếng đã thấy Thị Thần chợt che miệng ho khan, khi ngài hạ tay xuống, mười mấy sợi tóc dài chợt xuất hiện trong lòng bàn tay ngài.

La Ngọc An nhìn mấy cọng tóc trong lòng bàn tay trắng như men sứ của Thị Thần.

Thị Thần nhã nhặn nói: “Lần sau đừng nhét đồ linh tinh vào trong cơ thể ta nữa.”

Trong cơ thể ngài…?

La Ngọc An ngại ngùng nhận lại tóc của bản thân: “Vâng, xin lỗi ngài.”

Cô chợt nghĩ lại câu vừa nãy, ngạc nhiên hỏi: “Đấy là cơ thể của ngài ư? Nếu thế sao ngài lại bảo tôi đập nát nó ra chứ?”

Thị Thần cười nói: “Vì cô không đập nát nó ra được ta mới bảo cô thử xem, dù sao cũng chẳng có việc gì để làm mà.”

Nhớ tới trải nghiệm như thể trong ác mộng của mình, La Ngọc An đột ngột phản ứng lại. Chẳng lẽ mỗi lúc trời tối Thị Thần lại chơi trò gì à? Ngài ấy thấy chán quá chăng? Nếu là vậy, thì Thị Thần muốn cô chơi cùng mình cũng không phải là không được.

Ban đêm tới chỗ đó, lại nghe thấy tiếng rên rỉ từ trong khe hở, La Ngọc An thấy đau đầu bèn bắt đầu hát, định hát át đi tiếng kêu có thể xuyên thẳng vào trí não của Thị Thần. Cái này có vẻ hiệu quả thật, vì sau khi cô hát át đi tiếng rên từ trong khe hở thì âm thanh văng vẳng từ trong đó cũng biến mất, La Ngọc An thấy thế bèn hát tiếp không ngừng nghỉ, hát thật lâu, đến sáng cô còn thấy họng hơi đau đau.

La Ngọc An chắp tay trước ngực, cô hỏi Thị Thần: “Tối qua ngài thấy sao ạ?”

Thị Thần mỉm cười, ngài gật đầu: “Cũng được, nhưng ta mong cô có thể hát bài khác.”

La Ngọc An hơi xấu hổ, cô không giỏi hát lắm, mà cũng chẳng nhớ được lời bài hát mấy, nên bài hát cô hát là bài siêu thị dưới nhà cô hay phát, một bài hát dễ “tẩy não” người nghe kinh khủng.

“Vậy tôi kể truyện cổ tích, hay là ngâm thơ gì gì đó cho ngài nghe nhé, có được không?”

“Có vẻ nó còn dễ nghe hơn bài cô hát tối qua đấy.”

Cảnh tượng kinh khủng lúc ban đầu chẳng hiểu sao lại biến thành cảnh tượng kỳ quái, trừ La Ngọc An thấy mình sắp thành con cú ngày đêm đảo ngược rồi, chủ yếu là ban ngày cô cần phải ngủ bù một lúc, còn lại thì cũng không có vấn đề gì khác cả.

Lúc giữa trưa ngoài sân không có tiếng nhạc, nhóm thị nữ lại hóa vàng mã bên ngoài.

Đó đều là văn tế tự tay người thị tộc Tần chép lại, hy vọng có thể làm giảm cơn đau đớn của Thị Thần trong sinh nguyệt Thần, nhưng cứ qua mỗi thế hệ, thói quen này lại dần trở thành một loại hình thức, tác dụng của văn tế là làm giảm nỗi đau đớn của Thị Thần đã biến mất từ lâu. Thuở còn xa xưa mọi người chép lại văn tế vì Thị Thần trong tộc, vừa để tạ ơn ngài che chở họ, vừa để gửi gắm nỗi áy náy, niềm biết ơn chân thành tới Thị Thần, mà văn tế thời nay chỉ còn truyền đạt những cảm xúc vô cùng mỏng manh, chứ hoàn toàn không có chút tình cảm mãnh liệt nào cả.

Ngay cả khúc nhạc an hồn vang vọng suốt đêm thâu cũng chẳng khiến ngài đỡ đau đớn bằng sự lo lắng chân thành từ một cô gái mới hơn hai mươi.

Cô gái loài người bị ngài giữ lại đang cuộn mình ngủ sau lưng ngài, may mà có cô ấy, nên sinh nguyệt Thần lần này cũng không đớn đau đến thế.

Mặc dù thế này không giống với suy nghĩ lúc trước của Thị Thần lắm.

*

Ngày kết thúc sinh nguyệt Thần bên ngoài có tuyết rơi, cơn mưa tuyết yên lặng bao trùm cả khoảng sân, che khuất cả lùm sơn trà đỏ. Nhóm thị nữ bước trên nền tuyết, đi vào trong khoảng sân, vẻ mặt có phần nghiêm túc hơn lúc bình thường.

Họ bê một chậu cây sum suê nhiều cành vào trong, thân cây màu vàng, nhánh cây màu bạc, trên nhánh cây điểm xuyết vô số hạt ngọc trắng, nhiều đến độ không đếm nổi.

“Thưa Thị Thần, cây của thị tộc đã được đem tới rồi ạ.” Họ nói xong bèn lui ra màn ngoài để chờ.

Ống tay áo và mái tóc dài của Thị Thần hơi phấp phới, vô số sợi tơ đỏ chảy xuống từ ống tay áo của ngài, từ từ quấn quanh cái cây đó. Quá trình này kéo dài rất lâu, khi toàn bộ tơ đỏ bị ngài thu về, trên “cây của thị tộc” chỉ toàn màu vàng màu bạc xuất hiện mấy chấm đỏ – có mấy hạt ngọc trắng đã đổi màu.

Nhóm thị nữ bước vào, nhìn kỹ mấy hạt ngọc biến thành màu đỏ rồi tìm người trong tộc tương ứng với những hạt đó.

“Thưa Thị Thần, lần này có bốn người, mai chúng thần sẽ dẫn họ tới đây để ngài phán quyết ạ.”

La Ngọc An thò đầu ra nhìn bóng họ bê chậu cây ra khỏi sân, cô tò mò hỏi, “Thị Thần, đó là gì thế ạ?”

Thị Thần: “Là cây của thị tộc Tần, mỗi hạt ngọc tượng trưng cho một người thuộc thị tộc vẫn còn sống. Cây to rễ sâu, khó tránh khỏi việc cành khô lá úa, nên mới cần ta tìm chúng ra rồi cắt sửa thôi, mỗi năm đều thế cả.”

Ngày hôm sau thị nữ dẫn bốn người tới điện thờ. Trong đó có hai người trong tầm bốn mươi tới năm mươi tuổi, hai người còn lại mới khoảng hai mươi mấy tuổi, bốn người bị dẫn vào chẳng ai mà không mặt xám mày tro.

Thị nữ buông rèm, lui ra ngoài, bốn sợi tơ đỏ như máu chui ra khỏi ống tay áo Thị Thần, nối thẳng đến trán bốn người kia, chúng ngọ nguậy, định đâm xuyên qua trán để rồi nhìn thấu họ. Hai người lớn tuổi không dám phản kháng, người trẻ tuổi nhất thì sau một lát hoảng sợ định chạy trốn. Gã khá nhanh nhẹn, chỉ mới chớp mắt đã sắp chạy khỏi điện thờ, một tên trẻ khác tầm hơn hai mươi cũng vừa rục rịch định chạy vừa cố chống lại sợi tơ đỏ trước mặt. 

Chưa chờ tên đó lùi ra sau, gã trẻ nhất định chạy ra ngoài đã ngã xuống nền tuyết, sau tiếng hét thảm thiết, phần thân nằm trên tuyết của gã tan thành một vũng máu đỏ, để lại vết máu mang dáng hình cơ thể con người trên tuyết.

Thị Thần cười thật hiền với ba người còn lại, ngài vẫn không nói gì, tên trẻ tuổi còn lại hoảng hốt, y suy sụp khuỵu xuống nền đất, để mặc sợi tơ đâm vào trong đầu mình. Trán ba người được gắn với những sợi tơ máu, Thị Thần nhắm mắt thăm dò kỹ càng, sau một lúc lâu, ngài khẽ thở dài, kéo tơ về lại ống tay áo.

Từ đầu đến cuối La Ngọc An đều trốn sau lưng Thị Thần nên không biết có chuyện gì xảy ra, cô chỉ nghe được tiếng hét thảm và tiếng thở dài của Thị Thần.

Ba người ai nấy cũng ngây ra như phỗng, họ bị thị nữ dẫn đi, lúc thị nữ hỏi ba người này sẽ bị xử lý ra sao, Thị Thần chỉ nhẹ nhàng nói một từ “chết”.

Tuyết nhuốm sắc đỏ ngoài sân đã bị dọn đi.

“Trên người họ có “ác” ạ?”

“Đâu chỉ là có “ác”, chúng đã bị “ác” chiếm lấy rồi, không thể không loại bỏ được.”

“Tôi còn nghĩ ngài sẽ nuốt chửng họ cơ?”

“Người bị ta nuốt chửng sẽ không còn kiếp sau nữa.”

La Ngọc An im lặng một lát, cô ngồi bó gối thầm nghĩ ngợi. Không còn kiếp sau là một hình phạt rất nghiêm trọng ư?

Sau sinh nguyệt Thần là năm mới. Ngày nay người thường không quá để ý đến dịp năm mới nữa, nhưng nơi này thì khác. Sinh nguyệt Thần khiến ai nấy cũng thấy ngột ngạt, còn cả tháng Giêng lễ Tết thì nơi nơi ồn ào náo nhiệt. Nhóm người trong tòa nhà cổ vui mừng hớn hở, ngay cả đồ ăn trong nhà ăn cũng phong phú hơn nhiều, mà lại Tết nhất có rất nhiều người thị tộc Tần tới để tế bái Thị Thần. Tòa nhà cổ này cứ như là từ đường của họ vậy.

Có mấy người chỉ có thể lễ bái bên ngoài điện thờ, nên lúc La Ngọc An ra ngoài ăn sẽ thấy bên ngoài có thêm rất nhiều hàng lư hương xếp kề nhau, mùi khói vấn vít khắp sân, Thị Thần cũng không nhịn được mà than thở với cô mùi khói nhang nồng chết đi được, mà đây không phải lần đầu tiên ngài phàn nàn với cô về chuyện này.

Chỉ ít người mới được vào trong, hầu như là những người đã già cả, thị nữ gọi họ là tộc lão. Một nhóm các cụ già tóc đã hoa râm quỳ trong điện thờ dâng hương cho Thị Thần, ông cụ dẫn đầu trông cực kỳ uy nghiêm, ông ta khấn: “Khẩn cầu Thị Thần năm sau lại tiếp tục phù hộ cho dòng họ.”

La Ngọc An nghi ngờ thật ra họ không nhìn thấy Thị Thần, cũng có thể là Thị Thần dùng phép che mắt nào đó, tóm lại là lúc họ tế bái với bàn thờ thì thực ra Thị Thần đang đứng sau lưng họ nhòm ngó cơ. La Ngọc An nắm lấy tay áo Thị Thần đứng cạnh ngài, cô nghe thấy Thị Thần chỉ vào mấy ông cụ quỳ hàng đầu tiên: “Mấy đứa bé kia lúc mới ra đời cũng được ta chúc phúc đấy, mà nay chúng đã sắp phải về cõi hoàng tuyền rồi.”

“Thời gian của con người, trôi qua mới nhanh làm sao.”

*

Sau khi mấy cụ già rời khỏi điện thờ lại lần lượt có người dâng đồ cúng lên, đó đều là đồ cúng của những người có địa vị nào đó nhất định trong thị tộc Tần, đồ lễ bái cúng tế cơ hồ xếp đầy cả bàn thờ.

“Nhiều đồ cúng thật đấy, toàn là đồ ăn thôi.”

“Ừ, những thứ này cô đều ăn được.”

Hiện tại La Ngọc An đã hoàn toàn không sợ ăn đồ cúng sẽ bị thị nữ phát hiện nữa rồi, vì dạo này họ để ý thấy đồ cùng biến mất vô số lần nhưng chẳng lần nào tìm được nguyên nhân cả, chỉ có thể quy tội hết cho con chuột mà thôi.

Tìm kiếm một hồi, Thị Thần lật ra một món đồ cúng đặc biệt từ đống đồ cúng gồm bánh kẹo, mứt linh tinh, không ngờ đó lại là mấy món quà vặt được gói ghém lại tinh xảo trong cùng một cái hộp.

Thị Thần lắc lắc gói đồ ăn kêu sột soạt: “Cái này ăn ngon không?”

La Ngọc An xé gói đồ ăn ra nếm thử, cảm thấy đời này cô chưa từng ăn món quà vặt nào ngon tới thế. Nhưng mà, những người này đã rất biết điều mà nhanh tay dâng đồ ăn vặt lên, thì tại sao không ai bày điện thoại máy tính linh tinh để cúng Thị Thần nhỉ?

Bởi vì phần lớn điện thờ đã bị đống đồ cúng choán chỗ nên La Ngọc An không thể không ngủ tại tầng thứ hai của bàn thờ – nơi cách chỗ của Thị Thần rất gần. Trong mơ màng, cô ngửi được mùi tuyết thanh nhã, còn cả mùi gì đó thơm thơm vương trên chóp mũi, là thứ mùi rất thân quen với cô dạo gần đây.

La Ngọc An mở mắt thì nhìn thấy đóa sơn trà đỏ còn cả cuống lá xanh được đặt ngay cạnh mình, trong cánh hoa hơi khép còn đọng cả tuyết trắng ngần, dường như nó mới bị ai đó hái xuống trong tuyết.

Đây là quà của Thị Thần ư?

Lời tác giả: “Lần sau đừng nhét đồ linh tinh vào trong cơ thể ta nữa.” —— Lúc viết tới đây, tôi không nhịn được mà nở một nụ cười thật biến thái ~