Chiếc xe công nghệ màu trắng chầm chậm xuyên qua màn mưa. Thỉnh thoảng lại có vài ánh chớp rạch ngang trời, chiếu sáng khuôn mặt của ba người ngồi trong xe.
Thụy Thụy nhìn thấy sự bất an trong mắt mình phản chiếu qua tấm kính xe. Tin tức nữ hành khách ngồi xe đêm về nhà chốc chốc lại lên top tìm kiếm, dù cho cô ấy không đi một mình mà ghế sau còn có người em trai Tiểu Cát của cô.
Tài xế là một người đàn ông chạc 27 28 tuổi, có một khuôn mặt tròn trông ngộ lắm, khóe miệng cong cong như những nhân vật truyện tranh đang mỉm cười. Nụ cười đó hệt như một chiếc mặt nạ cứng ngắc khiến cô cảm thấy bất an.
Xe đã chạy chậm hơn một chút. Cứ với tốc độ này thì chắc đường về nhà lại lâu hơn một tiếng nữa cho xem.
Thụy Thụy dùng đầu ngón tay vẽ một thứ gì đó tròn mũm lên cửa kính – cô sợ không về kịp để cho “Bánh Trứng Sấy” ăn.
Bỗng nhiên, tài xế mở miệng nói bình điện trong xe không đủ nữa, doạ cô giật thót. Giọng nói của anh ta vừa trầm vừa khàn, nghe như thể tuổi tác còn già hơn cả khuôn mặt nữa.
Đoạn đường còn lại khoảng độ hơn chục cây số, điện không đủ nữa, anh buộc phải nối hộp điện dự phòng.
Mặc cho hai chị em có đồng ý hay không, chiếc xe cứ vậy mà dừng lại giữa đêm giông gió bão. Người đàn ông lao vào màn mưa, mở cốp sau xe.
Bởi vì mưa bão nên tín hiệu vô tuyến trong xe không ổn định lắm, vụ án bắt cóc giết người mới đây đang phát cứ nhiễu liên hồi câu được câu không – những người đàn ông và phụ nữ giàu có thường xuyên biến mất trên đường về nhà. Kẻ bắt cóc sẽ tống tiền người nhà của họ, cho dù gia đình có giao tiền hay không thì những mảnh thi thể của người bị hại vẫn sẽ được phát hiện ở một nơi nào đó.
Tiếu Cát nghiêng đầu, muốn làm nũng với chị. Nhưng đôi mắt trong veo đó còn chưa kịp chớp vài cái thì một bóng đen vụt qua cửa xe, doạ nó sợ rụt cả người…
Là gã tài xế. Cả người anh ta ướt nhẹp, nhếch nhác mở cửa xe, nói với họ tiến triển mới nhất – việc sửa chữa rất khó khăn, có lẽ phải mất lâu hơn chút nữa.
Báo xong tin vui, người đàn ông quay lại chỗ cũ tiếp tục mày mò nối điện. Thụy Thụy chỉnh lại cổ chiếc váy lệch vai của mình, vẫn chưa hoàn hồn.
Mười phút đã trôi qua. Xe vẫn chưa sửa xong, tài xế cũng chưa trở lại. Nhìn qua gương chiếu hậu chỉ có thể lờ mờ nhìn thấy anh ta vùi đầu vào cốp xe, hình như đang gọi điện cho ai đó.
Tiểu Cát không thể ngồi yên được nữa, vặn khớp ngón tay, miệng nói “đi xem sao” rồi đẩy cửa lao ra ngoài.
Thụy Thụy muốn bảo em trai đừng bỏ lại mình. Cô bất an nhìn vào kính chiếu hậu, nghĩ đi nghĩ lại bèn ôm chặt túi xách rồi cũng mở cửa lao vào màn mưa.
Ngay lúc cô ra khỏi xe, một bóng người như ma nước từ trong mưa nhào về phía cô, thình lình nắm lấy cổ tay cô – sau vài giây hoảng hồn, cô mới nhìn rõ đó là Tiểu Cát đã bị nước mưa làm cho ướt sũng. Thằng bé hét lên với chị: Chạy mau!
Hai người họ hốt hoảng nắm tay nhau chạy trốn trong mưa, tránh xa khỏi chiếc xe kia.
–
Hai người ướt như chuột lột xô cửa vào nhà, dưới chân ngay lập tức đọng lại những vũng nước be bé.
Thụy Thụy nghẹn ngào lên tiếng: “Chúng ta còn sống phải không?”
Tiểu Cát đi tìm khăn lau khô đầu tóc. Cô chị một lòng mong nhớ “Bánh Trứng Sấy”, bởi vì hôm nay bọn họ ra ngoài suốt, Bánh Trứng đã một ngày nay chẳng có gì bỏ bụng rồi.
Thụy Thụy xách bịch thức ăn bước xuống tầng hầm, nơi đây giờ là chỗ ở của Bánh Trứng Sấy. Cô thấp giọng xin lỗi, tay xé nó ra rồi nối ống hút vào; một lát sau, em trai cũng từ trên nhà đi xuống, tay lắc lắc một cái bọc lớn: Bánh Trứng sao rồi chị? À phải rồi, em mới đi nhận đồ ship xong.
Thụy Thụy: Em xem “nó” ăn ngon chưa này, chắc đói lả người rồi.
Dưới ánh đèn ấm áp của tầng hầm, trước mặt hai chị em là một chiếc ghế sắt được đặt trong chiếc lồng cũng bằng sắt. Một người đàn ông béo ịch trần truồng bị trói trên ghế, đầu bị buộc ngẩng lên, một ống thông dạ dày màu xanh lá cắm vào mũi; bịch dinh dưỡng ban nãy Thụy Thụy xé ra đang theo ống thông truyền vào cơ thể anh ta.
Cô liếc mắt nhìn em trai: Hàng đâu?
Tiểu Cát mở bọc hàng, bên trong đầy ụ những xấp tiền giấy. “Người nhà” đã gửi tiền đến rồi, mặc dù không nhiều như dự tính. Hai chị em cùng thở phào, vẫy tay về phía người đàn ông trong lồng kia: Bái bai nha, Bánh Trứng Sấy.
–
Mưa đã tạnh.
Xe vẫn đậu bên đường. Do cốp xe không đóng chặt nên giờ đọng lại một lớp nước ở bên trong. Có một người đang nằm trong thùng xe, choàng tỉnh từ cơn mơ màng.
Ngón tay Vĩnh Quý vẫn tê rần, phải mất một lúc lâu sau anh mới lấy lại ý thức.
Ký ức cuối cùng của anh là mình đi nối điện cho xe. Kết quả thành ra điện ở cốp sau không nối ra được, chỉ còn cách cầm điện thoại và hộp công cụ mò mẫm trong đêm mưa mong gặp may mắn.
Lúc anh đang loay hoay ở cốp sau, cậu trai là một trong hai hành khách dầm mưa đi tới. Vĩnh Quý nắm cờ lê trong tay, khó khăn xoay người lại nhìn; người kia chẳng hiểu sao lại bị dọa sợ, hét lên một tiếng rồi đập mạnh nắp cốp xuống.
Vĩnh Quý cứ vậy mà bị đập đến nỗi ngất đi….
Anh ôm gáy, loạng choạng đứng dậy. Điện thoại ở sau cốp bị ngấm nước mưa cả đêm, giờ chẳng khác gì cục gạch rồi.
Vĩnh Quý lại thở dài, khuôn mặt đầy đặn trông vô cùng sầu não.
Lái xe về đến nhà thì trời đã sáng. Nhà cửa bừa bộn tứ tung, hộp đồ ăn để ngoài cửa chưa vứt giờ đầy gián bò lổm nhổm, Phó Vĩnh Quý giơ chân đá phăng nó đi.
Bỗng nhiên, anh nghe thấy phía ngoài hành lang có tiếng người đi lại, hẳn là hàng xóm mới đã chuyển đến phòng cách vách rồi.
Thế là anh ló đầu ra ngoài cười với đối phương, định chào hỏi một tiếng ấy mà. Nhưng mới ngẩng đầu đã nhìn thấy hai chị em tối qua.
Hoá ra là hàng xóm mới.
–
Xin lỗi gã đàn ông xui xẻo đó xong, hai chị em dựa vào cửa sổ hút thuốc, thảo luận với nhau nên làm thế nào.
Tiểu Cát hỏi nhỏ: Chị, chị nói xem chuyện tối qua anh ta có báo cảnh sát không?
Thụy Thụy bị cái từ đó làm hết hồn, bàn tay đặt lên ngực “a” lên một tiếng.
Hai người chạm mắt nhau, Tiểu Cát nuốt nước miếng: Mời anh ta một que “Chicecream” được không?
Cô gật đầu, “ừ”.
Sau đó, Thụy Thụy đưa tay lên cổ làm động tác cắt xẹt qua.
Tiểu Cát hiểu ý của chị mình – rất tiếc, nhưng họ phải xử lý người hàng xóm trông có vẻ tốt bụng này để tránh hậu họa về sau.
–
Tiễn hai chị em đó xong, Vĩnh Quý thả mình xuống sofa, nặng nề thở hắt ra.
Điện thoại của anh giờ chẳng khác gì phế liệu, không có điện thoại sao được chứ, đành phải tìm cách mua lấy một chiếc thôi. Vĩnh Quý có thẻ ngân hàng, nhưng trong thẻ chỉ còn sót lại mấy trăm tệ. Anh kê ghế, tìm phía sau bàn thờ Phật trong nhà – đó là thứ bà nội để lại, Vĩnh Quý vẫn nhớ hồi còn sống, cụ thường nhét tiền thờ Phật mỗi khi cúng bái.
Quả nhiên, anh tìm được mấy tờ tiền giấy hai chục và năm chục, gom với chút tiền lục được trong ngăn kéo vừa đủ hai ngàn tệ, thế là có thể mua được một chiếc điện thoại hàng nội địa tầm trung.
Vĩnh Quý đếm tiền lại lần nữa, bỗng thấy một mảnh giấy kẹp trong tờ tiền.
Sao lại kẹp cái này vào được nhỉ…. Anh gỡ mảnh giấy ra, vo thành một cục rồi ném thẳng vào sọt rác.
Đó là Giấy chứng nhận đã chấp hành xong án phạt tù của anh.