Sao Mợ Không Về Thăm Cậu Hai

Chương 5: Phạt



Bởi vì tôi không sống trong thời đại này, càng không phải là mợ hai Sương, nên có nhiều góc khuất mà mãi mãi tôi không thể nào hiểu được. Tự nhiên chỉ ước mình có siêu năng lực nhớ hết quá khứ (của người khác) thì hay biết mấy.

"Chuyện gì mà mới mở mắt ra đã om sòm hết vậy?"

Một người đàn ông dáng vóc cao ráo từ trong nhà bước ra, tay mang theo chiếc quạt nan phe phẩy. Trong phút chốc, tôi đoán ra đây là phú ông nên đã khôn khéo cất tiếng chào.

"Cha uống nước đi cha." Cô Cẩm Tú với lấy ấm trà trên bàn, nhanh tay rót vào ly cho phú ông.

"Sẵn lúc ở đây đang đông đủ thì tui cũng nói luôn, con vợ thằng hai từ rày đã là dâu của cái nhà này, tuy là mợ hai nhưng phải có bổn phận lo cơm bưng nước rót, không được lười biếng hay ỷ lại."

Bà hai điềm tĩnh nói một câu mà tôi có thể mất ngủ cả tháng trời. Thôi thế là hết rồi, vậy mà trước đó tôi vẫn còn nghĩ mặc dù sống trong đống drama nhưng mỗi ngày đều được ăn sung mặc sướng, có kẻ hầu người hạ, chăn ấm nệm êm...

"Bà nói vậy nghe sao được, dù gì nó cũng là vợ của thằng hai, để người ngoài nhìn thấy thì tui biết ăn nói làm sao." Ông Huỳnh Khởi đặt ly trà xuống bàn, khuôn mặt bắt đầu nhăn nhó.

"Ông cũng biết sợ người ngoài dị nghị sao? Trong cái nhà này chưa tới lượt ông quyết định đâu. Tui nói rồi, phải để nó biết hậu quả của việc xuất thân nghèo hèn mà ước mơ gả vào gia đình danh giá là như thế nào. Phải để nó làm những việc của người ở, ngày ngày quét dọn, giặt giũ, nấu cơm,... như vậy mới nhắc nó không được quên cái quá khứ khố rách áo ôm của nó."

Ông Huỳnh Khởi chỉ nói với bà hai một câu, sau đó không dám hó hé nửa lời. Người đàn ông tưởng rằng quyền lực nhất trong nhà, hóa ra lại không có chút tiếng nói. Ngay cả bà ba ngồi ôm cậu út ở bên kia cũng trở nên khép nép, ngại ngùng. Tôi thừa biết đằng sau mấy lời dằn mặt của bà hai là muốn nhắm vào ai. Nghe qua có vẻ như là nói tôi, nhưng nghĩ kỹ thì không phải vậy. Suy cho cùng thì bà hai vẫn cao tay nhất, một mũi tên mà bắn trúng hai con nhạn, con thứ ba bị lạc đạn là tôi.

Thật ra tôi cũng không chắc chắn một trăm phần trăm, cũng có thể là ngược lại, là do bà hai có sẵn ác cảm với mợ Sương, nên trong lúc răn dạy mợ Sương thì đồng thời làm cho cả phú ông và bà ba phải xanh mặt, cũng có thể là như vậy.

"Dạ thưa má, má nói sao thì con nghe vậy. Nếu không có chuyện gì nữa, con xin phép xuống nhà dưới làm việc ạ."

Để tránh mọi thứ rùm beng lên, tôi chủ động kết thúc câu chuyện bằng cách chiều lòng bà hai. Thật ra tôi hoàn toàn có thể cãi lại theo lý lẽ riêng của tôi, nhưng trong tình huống mà tất cả đều đứng về người phụ nữ quyền lực ấy, tôi mà cãi lại thì chẳng khác nào tự đào hố chôn mình. Nên tôi thà mỗi ngày đều quẩn quanh trong bếp, sống an phận mà cơm no ba bữa, còn hơn sớm tối phải dè chừng người này kẻ nọ. Ai đời đang làm sinh viên năm cuối trường du lịch, tương lai rộng mở, ngủ một giấc liền biến thành con sen cho nhà phú ông. Chuyện này đem kể cho con chó nghe, có khi nó còn cười vào mặt tôi hai tiếng nữa.



Lại nói đến cụ Mận, trên đường dẫn tôi xuống bếp, cụ cứ liên tục trách bà hai khó khăn với tôi. Cụ nói dù gì tôi cũng là con dâu nhà danh giá, để tôi ru rú trong xó bếp, người ở trong nhà sẽ nghĩ tôi như thế nào. Thế rồi tôi lại dặn cụ cẩn thận lời ăn tiếng nói của mình, nói rằng bà hai phạt tôi như thế vẫn còn nhẹ nhàng lắm, cụ sống lâu thêm một chút sẽ còn chứng kiến thêm nhiều chuyện ly kỳ hơn nữa.

Vẫn là căn bếp quen thuộc này, ngày hôm qua của thế kỷ trước, tôi và lớp C6G đã ngồi vui vẻ ăn bữa cơm cùng với bà con trong xóm. Không gian bày trí vẫn nguyên vẹn như cũ, chỉ có những gương mặt lạ lẫm này, sớm muộn rồi sẽ bị thời gian vùi lấp, kể cả tôi.

"Mợ hai!"

"Dạ em chào mợ."

Thấy tôi bước xuống bếp, mọi người đăng hăng say làm việc đều tạm nghỉ tay mà chào hỏi rối rít. Có người hỏi tôi sao không ở trong phòng nghỉ ngơi mà chạy xuống đây làm gì, tôi nửa thật nửa đùa, bảo rằng bà hai sợ tôi buồn nên kêu tôi xuống chơi với mọi người.

Thế mà cụ Mận chẳng hiểu ý tôi, cụ hậm hực đứng ngay đầu bộ ngựa gỗ, nói:

"Chơi cái gì mà chơi, bà biểu mợ xuống đây làm chung với tụi mình thì có."

"Thiệt hả Mận? Bây mà nó láo, bà hai nghe được là bà đánh chết nghe chưa." Một người phụ nữ khoảng độ 50 tuổi, gương mặt sốt ruột hỏi Mận.

"Con nói thiệt mà vú. Hổng tin, vú với mọi người hỏi thẳng mợ hai mà coi."

Bốn năm con người trong căn bếp cứ đứng chết trân nhìn tôi, tôi cũng thành thật trả lời. Thật ra đối với một người từ nhỏ đã sống tự lập như tôi, mấy chuyện vặt vãnh như giặt giũ, nấu cơm nó chẳng là gì đáng sợ cả. Còn ở cái thời mà thân phận chủ tớ đều được phân định rạch ròi, khi hay tin mợ hai nhà phú ông bị đày xuống làm như người ở, mọi người ngạc nhiên một chút cũng là lẽ thường tình.

Sau thời gian nghe tôi giãi bày tâm sự, các cụ đều thi nhau an ủi tôi, dặn tôi cứ tự nhiên thoải mái như ở nhà, dặn tôi có chuyện gì nặng cứ để đó cho họ làm.

Tiếp đó là màn giới thiệu tên tuổi hết sức sôi động. Cụ Mận thì tôi không còn xa lạ gì nữa. Kế bên cụ Mận là bà mười, trong nhà vẫn quen gọi bà là vú Lâm. Vú Lâm là người chăm sóc cậu hai từ nhỏ, cũng là người hiểu từng miếng ăn, giấc ngủ cho đến tính tình của cậu hai nhất. Còn cô gái đang ngồi cặm cụi gọt mấy trái bí đao trên bộ ngựa gỗ có tên là Đào, năm nay cũng tròn mười tám tuổi như cụ Mận.

"Kìa mợ, còn cái thằng ôm bó củi chạy ra chạy vô nãy giờ tên là Kiên." Cụ Mận hướng ngón tay trỏ vào cụ Kiên, giới thiệu một cách hết sức chuyên nghiệp.



"Còn cái..."

"Mận đi ra đi để tui tự giới thiệu. Dạ thưa mợ, em là Sang, là cái chân phải đắc lực của cậu hai. Từ giờ mợ có gì thắc mắc về cậu, mợ cứ hỏi em là được."

Người thanh niên ấy khoảng chừng hai mươi tuổi, vừa bước vào đã vội vã đặt hai thùng nước xuống đất, ngang nhiên cướp lời cụ Mận. Hay cho câu "chân phải đắc lực", tôi nghĩ mãi mới nhớ ra là cái chân phải đang bị thương của cụ Đằng.

"Mà... tại sao chân của cậu hai lại bị thương?" Tôi ấp a ấp úng. Hôm qua đến giờ cứ định hỏi Mận chuyện này, nhưng rồi lại quên.

"Thấy chưa, tui nó mợ Sương cũng quan tâm cậu hai, mà mấy người đâu có tin."

Nghe xong câu hỏi của tôi, cụ Đào ở bên này liền ra ám hiệu, nháy mắt với cụ Kiên một cái. Thân tôi còn lo chưa xong, ai rảnh rỗi mà quan tâm gì cụ Đằng, chẳng qua là tôi có hơi thắc mắc một chút, muốn xem xem cụ Đằng bị tai nạn, hay vừa sinh ra đã như thế... Với lại trong tài liệu cũ cũng không thấy nhắc gì đến việc này. Cụ Đằng vẻ ngoài cao ráo đẹp trai, tự nhiên lòi ra đôi chân không lành lặn, kể ra thì cũng thấy tội cho cụ.

Cùng lúc đó, một cô gái với mái tóc ngang vai bước vào, gương mặt không mấy vui vẻ, tiện tay đem theo rổ rau đặt mạnh xuống bàn.

"Bộ bây hổng thấy mợ hai đang đứng đây hả Lựu? Sao đi qua mà không chào mợ?"

Sau lời cằn nhằn của vú Lâm, tôi mới biết cô gái ấy tên là Lựu. Nào Mận, nào Đào, nào Lựu, rồi Sang với Kiên... tôi nhớ hết tên người làm trong nhà này chắc cũng phải mất hơn nửa ngày trời.

"Nhà này trước giờ không có mợ hai, nên tui thấy không quen." Lựu lạnh lùng trả lời.

"Trước giờ không có thì bây giờ có rồi đó, bộ Lựu tính làm phản hả? Tui mà nói với cậu hai chuyện Lựu thái độ với mợ hai, là Lựu biết tay cậu liền." Cụ Sang đứng bên cạnh bắt đầu hâm dọa.

"Cậu hai sẽ không làm gì tui đâu."