Sau Khi Xuyên Thành Người Qua Đường Yểu Mệnh

Chương 8: SẢN PHẨM THỦ CÔNG



Nhân viên hợp tác xã cũng không kì kèo, đồng ý với cái giá này, đưa cho Cố Yên Nhiên hai mươi khối.

Cầm được tiền, Cố Yên Nhiên đến bưu cục, gửi bức thư cô viết từ tối qua cho người nhà của nguyên chủ. Nội dung đại khái là kể về những ngày tháng khốn khổ ở nông thôn, xin lỗi vì đã bốc đồng đồng thời ghi rõ địa chỉ để người nhà nguyên chủ kịp thời tiếp tế.

Từ trấn Thắng Lợi đến thành phố Vân nơi nguyên chủ sinh ra phải mất nửa tháng gửi thư, lại thêm nửa tháng người nhà nguyên chủ phản hồi, thì ít nhất phải một tháng sau tiếp tế mới đến tay cô.

Cố Yên Nhiên xoay người rời khỏi bưu cục, đi dạo trên đường phố. Cô không như những người khác, chủ yếu mua đồ ăn và quần áo, vì trong không gian có nhiều thứ ấy rồi. Ngược lại, cô đánh trọng tâm vào những thứ hay ho, mới lạ.

“Bác gái, cái này bán thế nào?”

Cô cầm một chiếc hộp gỗ điêu khắc tinh xảo lên ngắm nghía, cảm thấy không tồi, bèn hỏi giá.

“Ba hào… không, hai hào. Đồng chí, cô muốn mua không?” Bác gái thấp thỏm nhìn cô, sợ cô không mua, bà nói thêm: “Có thể tặng kèm cho đồng chí thêm một chiếc lược gỗ.”

Cố Yên Nhiên líu lưỡi, vào thời đại của cô, những sản phẩm thủ công tinh xảo thế này được bán với giá trên trời, có khi bằng cả tháng lương của một công nhân bình thường. Ở thời đại này, những sản phẩm đó lại được chào hàng với giá rẻ mạt, tùy tiện dùng một khối có thể mua cả tá.

Cố Yên Nhiên chọn rất nhiều, nào là hộp gỗ, lược gỗ, trâm cài gỗ… toàn những món đồ dễ mang, cô đưa cho bác gái hai khối, hỏi: “Từng này đủ chứ?”

Người phụ nữ trung niên vội vàng xua tay: “Không không… một khối đủ rồi, mấy món đồ này không đáng giá đến thế.”

“Bác cứ cầm đi.” Cố Yên Nhiên nhét tiền vào tay người phụ nữ, sau đó nói: “Cháu rất thích những thứ đồ này, là bác làm ra sao?”



“Đúng vậy, tôi và chồng tôi cùng làm, cả nhà tôi đều là thợ mộc…” Bác gái ngập ngừng nói: “Nếu đồng chí thích, có thể quay lại vào tháng sau, lúc đó sẽ có nhiều sản phẩm mới lạ hơn.”

“Bác và chồng có điêu khắc những vật dụng lớn, như tủ quần áo, tủ để đồ, bàn trang điểm không?”

“Có… nhưng giá cả không tiện nghi, ít người mua…” Bác gái thở dài, người thời nay chủ yếu đánh vào tính thực dụng, giữa một cái tủ bình thường giá hai khối và một cái tủ được điêu khắc tinh xảo giá hai khối năm hào, đa số sẽ chọn cái tủ hai khối, vừa đỡ tiền mà công dụng không khác cái tủ ba khối là bao.

Nhưng Cố Yên Nhiên ngược lại, cô là người yêu cái đẹp, đừng nói hai khối năm hào, cô nguyện ý ra giá năm khối trả cho cái tủ đó.

“Vậy bác giúp cháu làm hai tủ đựng quần áo, một bàn trang điểm, một bàn để đồ được không? Cháu có thể đặt cọc trước.”

Đơn đặt hàng đến quá nhanh, bác gái trung niên nhất thời không phản ứng kịp.

“Đồng chí, cô nói gì cơ?”

Cố Yên Nhiên kiên nhẫn nhắc lại: “Cháu muốn hai tủ đựng quần áo, một bàn trang điểm, một bàn để đồ, có thể trả trước tiền. Đợi khi nào làm xong, bác giúp cháu mang đến thôn Du Thủy là được.”

Bác gái vội vàng đồng ý: “Đồng chí, đơn này tôi nhận, cô đừng đi nhà khác đặt hàng. Tôi tên Lương Thục Ân, nhà ở hẻm Khổng Tước cách đây không xa, chúng ta vào đó bàn bạc giá cả và yêu cầu được không?”

“Được.”

Cố Yên Nhiên đi theo Lương Thục Ân đến nhà của bà ấy. Khi gần đến nơi, cô nghe thấy tiếng đẽo gỗ “cạch cạch”, vào đến sân, mùi gỗ ập đến, hương thơm thoang thoảng khiến cô híp mắt đầy hưởng thụ.