Ta Vẫn Còn Thương Nhớ, Mà Người Đã Thờ Ơ

Chương 22: Không thấu chuyện sau này



Truyền ngôi ư? Ngoài Hoàng thượng ra thì còn ai có thể hứa sẽ truyền ngôi cho sư phụ được nữa? Sư phụ hoá ra lại chính là Hoàng đệ của Hoàng thượng. Ta nghe thấy giọng nói thân thuộc của sư phụ:

- Bẩm Hoàng thượng, Hoàng thượng coi Bách Tâm là Hoàng đệ của người, đó là vinh dự của Bách Tâm. Tuy nhiên, Bách Tâm vốn dĩ chỉ là con của một kỹ nữ, tự thấy mình không có đủ tư cách trèo cao.

- Hoàng đệ vẫn còn giận phụ hoàng sao? Phụ hoàng không phải là người vô tình như đệ nghĩ đâu. Trước khi băng hà, phụ hoàng đã tiết lộ cho ta biết người phụ nữ mà phụ hoàng thương nhất chính là mẫu thân của đệ. Chỉ là, thân phận của nàng có chút đặc biệt, người không có cách nào đưa nàng vào cung. Sau khi đệ chào đời, phụ hoàng từng tới trấn Sơn Nam để thương lượng với mẫu thân của đệ. Người nài nỉ nàng giao đệ cho mẫu hậu của ta nuôi nấng, đồng thời hứa rằng sau này sẽ lập đệ làm Thái tử. Nhưng mẫu thân của đệ một mực từ chối. Nàng không muốn đệ trở thành một vị quân vương vô tình, nàng chỉ mong đệ có một cuộc đời vô ưu vô tư, tự do tự tại. Phụ hoàng trong lúc nóng giận đã mắng nàng là đồ kỹ nữ thấp hèn, ích kỷ, suy nghĩ thiển cận.

Hoàng thượng kể lại chuyện xưa. Sư phụ cảm thán:

- Chỉ một câu nói lúc nóng giận của người đó đã khiến cho mẫu thân của Bách Tâm ôm hận suốt nhiều năm trời. Lúc sắp rời xa nhân thế, nàng thậm chí còn cấm Bách Tâm không được phát tang.

- Phụ hoàng chính vì không biết tin nàng mất, không được đưa tiễn nàng đoạn đường cuối cùng, để rồi một ngày đông nọ, người trở lại trấn Sơn Nam, vô tình phát hiện ra người xưa đã không còn ở đó mới uất ức sinh bệnh. Phụ hoàng... thực ra cũng rất đáng thương.

- Người đó ngay từ đầu đã biết người đó và nàng như mây trên trời và hoa dại dưới chân núi, cách nhau cả một khoảng không xa vời vợi, vĩnh viễn không thể dung hoà, cớ sao vẫn ngang ngược hứa hẹn với nàng?

- Hoàng đệ! Chúng ta mải miết chạy theo tuổi trẻ, mấy ai nghĩ thấu chuyện sau này?

- Bẩm Hoàng thượng, cái gọi là không thấu chuyện sau này chỉ đơn giản bởi vì trong chúng ta đã có người thay đổi.

- Hoàng đệ có chắc mình sẽ không bao giờ thay đổi?

- Bách Tâm cho dù có thay đổi cũng vĩnh viễn không thể sống vui vẻ ở nơi mà người đó từng ở.

- Hoàng đệ định bỏ mặc kinh thành ư?

- Một khi giặc tới, dẫu có hi sinh thân mình để bảo vệ kinh thành, Bách Tâm cũng không tiếc. Tuy nhiên, về việc lên ngôi, Bách Tâm xin Hoàng thượng nghĩ lại.

- Tâm ý của Hoàng đệ, trẫm đã hiểu.

Giọng nói của Hoàng thượng có vẻ rất cao hứng. Sư phụ tinh ý dã man, nói chuyện với Hoàng thượng mà vẫn biết có kẻ đang hóng hớt. Đợi Hoàng thượng hồi cung, người hắng giọng gọi ta:

- Vô Tư! Đi ra đây!

Ta vội vã lao ra cầu xin sư phụ:

- Sư phụ! Vô Tư không tin là Vô Ưu đã mất, chắc chắn là có sự nhầm lẫn. Chàng có lẽ đang gặp nguy hiểm ở đâu đó thôi. Con khẩn cầu sư phụ điều quân đi tìm chàng.

Sư phụ nghiêm nghị hỏi ta:

- Ta nên điều bao nhiêu quân đi tìm hắn?

- Càng nhiều càng tốt.



- Vậy nếu như giặc đánh tới kinh thành thì sao? Chúng ta có nên vì cứu mạng của một người mà bất chấp sự an nguy của một đất nước không?

Ta rối quá nên gật đầu đại. Sư phụ chửi ta:

- Ngu xuẩn!

Ta cãi cùn:

- Nhưng ngộ nhỡ đó chính là người nắm trong tay vận mệnh của đất nước thì sao? Lẽ nào sư phụ không muốn người đó quay trở về? Trước mặt Hoàng thượng, sư phụ giả bộ không cần ngôi báu nhưng trong tâm lại thèm muốn. Con chả đi guốc trong bụng người á!

Sư phụ tức đỏ mặt. Người gằn giọng bảo ta:

- Ngươi về phòng đi! Khi nào ngươi bình tĩnh lại, chúng ta nói chuyện tiếp!

- Vô Tư không bình tĩnh nổi. Ngày nào chưa có tin của chàng, ngày đó con đều thấy lo âu. Sư phụ không cứu chàng thì con sẽ chết theo chàng, cho người vừa lòng.

Ta doạ sư phụ. Người bất đắc dĩ phải tiết lộ:

- Tứ Hoàng tử trong lúc giao chiến với địch đã bị chính người của quân ta đâm lén.

Nước mắt ta ứa ra. Sư phụ vội vàng nói:

- Hiện tại, Tứ Hoàng tử đã qua cơn nguy kịch. Rất ít người biết hắn vẫn đang ở Nam Châu, cố ý như vậy có lẽ là muốn địch chủ quan để đánh một trận dứt điểm.

Ta thở phào nhẹ nhõm, tò mò hỏi sư phụ:

- Vậy tại sao ban nãy Hoàng thượng nói khác?

- Hoàng thượng chỉ đơn giản muốn thử thách lòng trung thành của ta thôi. Hoàng thượng đa nghi, người sẽ luôn để mắt tới những kẻ nắm binh quyền trong tay. Thái tử mua chuộc Đô đốc đâm lén Tứ Hoàng tử, tưởng rằng nhân cơ hội này sẽ diệt được cái mầm gây hoạ. Ai ngờ sự việc bất thành, Thái tử bị Hoàng thượng tống vào nhà lao rồi, có phân thân được đâu mà đòi tới Nam Châu?

- Sư phụ của Vô Tư là số một nha. Đến Hoàng thượng cũng không bẫy được người.

Ta nịnh. Khoé môi sư phụ hơi cong lên, nhưng người rất nhanh đã lừ mắt quát ta:

- Nói năng xàm xí! Mau đi uống thuốc bổ đi!

Ta ngoan ngoãn nghe lời sư phụ. Nhờ phúc của đứa nhỏ trong bụng, dạo này ta dẫu có láo sư phụ cũng chẳng nỡ phạt. Ngoại trừ nhớ Vô Ưu ra thì cuộc sống của ta khá êm đềm. Ta ăn ngon, ngủ ngon, có việc gì khó liền nhờ sư phụ giải quyết hộ, cả ngày vô ưu vô tư chả cần phải suy nghĩ gì nhiều.

Rằm tháng Bảy, Tứ đồ đệ kể với ta quân địch sau một thời gian dài kiên trì, cuối cùng cũng đã hạ được cổng thành Nam Châu. Các tướng lĩnh của chúng dương dương tự đắc kéo quân ngùn ngụt xông vào bên trong, tưởng rằng sẽ nhanh chóng chiếm được thành. Ai ngờ, Tứ Hoàng tử ngay từ ngày đầu tiên tới Nam Châu đã cho người dân ở xung quanh đó sơ tán hết, bí mật xây một chiếc cổng thành khác kiên cố hơn gấp vạn lần chiếc cổng thành cũ. Nằm giữa hai chiếc cổng là một khoảng đất rộng thênh thang. Tứ Hoàng tử cho đào một ngàn chiếc hố sâu trên khoảng đất đó, dưới hố nuôi rất nhiều rắn, rết và bọ cạp, làm quà tặng địch. Bên địch nhất thời bị hoang mang, chúng mải đối phó với cả tá những con vật có nọc độc đang đeo bám trên người nên khi quân ta phóng tên dồn dập, chúng đã không thể chống đỡ được.

Nhất đồ đệ và Nhị đồ đệ hào hứng khua tay múa chân diễn lại cho ta xem cảnh người cầm đầu bên địch quỳ xuống van xin Tứ Hoàng tử tha mạng. Ta cười không ngậm được miệng. Sư phụ ngược lại có vẻ không vui. Người thở dài tâm sự:



- Sáng sớm hôm nay, ta nhận được thư của Niên Ý, nàng doạ nếu trong tuần này ta không về phủ Thường Tín, nàng sẽ tới trấn Sơn Nam ăn vạ. Chiều qua, ta luyện võ, số nhọ đấm nhầm vào cột nhà, giờ tay bị thương, không thể viết thư hồi đáp nàng, chán ghê!

Ta vô tư đề xuất:

- Sư phụ đừng chán, người muốn viết gì thì cứ đọc, Vô Tư sẽ viết thư giúp sư phụ.

Sư phụ lấy giấy bút, mài mực cho ta rồi chậm rãi đọc thư cho ta viết:

- Chúng ta đã từng hẹn ước. Chúng ta đã từng là của nhau. Ta cứ nghĩ kiếp này sẽ chỉ yêu một mình ngươi. Thế nhưng, xa cách lâu ngày, tình cảm của ta đã không còn được như xưa nữa.

Ta hét toáng lên:

- Á à! Vô Tư bắt quả tang sư phụ chim chuột với Niên Ý nha! Hai người... ấy ấy... từ bao giờ vậy? Có phải là sau khi người từ mặt con không?

- Ừ.

- Vậy tại sao bây giờ sư phụ lại thay lòng?

Sư phụ liếc ra ngoài cửa sổ, ánh mắt vô thức chạm vào gò má ửng hồng của Ngân Hạnh. Ta tò mò hỏi:

- Ủa? Gì kỳ vậy? Sư phụ đùa con hả? Người từ khi nào đã biến thành kẻ đa tình vậy?

- Nam nhân thử hỏi có mấy ai không đa tình?

- Cũng phải. Người đọc tiếp đi, con viết.

- Ta ở đây đã có người thương. Đứa trẻ của chúng ta sẽ chào đời sớm thôi. Nếu ngươi thật lòng thương ta, ta mong ngươi buông bỏ đoạn tình cảm xưa cũ. Chúc ngươi tìm được người mới xứng đáng hơn ta.

Ta viết thư xong tự dưng thấy thương Niên Ý quá chừng. Ta mà là nàng chắc ta đau tim chết mất. Cơ mà, Ngân Hạnh đã có bầu với sư phụ rồi, Niên Ý bây giờ chỉ là người thừa, nàng không muốn buông cũng phải buông thôi. Ngày hôm đó, ta ngu ngơ nên không hề biết thực ra giữa sư phụ và Ngân Hạnh chẳng có gì cả, bức thư ta viết cũng không hề được gửi cho Niên Ý.

Ngày đầu tiên của tháng Tám, Tam đồ đệ khoe với ta Tứ Hoàng tử đã hồi cung, cả nước hân hoan ăn mừng chiến thắng. Tứ Hoàng tử vậy là đã đi thẳng từ Nam Châu về kinh thành và không hề ghé qua trấn Sơn Nam thăm ta. Ta mừng cho chàng, nhưng tất nhiên không tránh khỏi cảm giác tủi thân. Ta khóc sưng húp cả hai mắt.

Rằm tháng Tám năm Canh Ngọ, Hoàng thượng thoái vị. Người truyền ngôi cho Tứ Hoàng tử, còn bản thân mình trở thành Thái thượng hoàng.

Rằm tháng Chín, Hoàng thượng nghe theo sự sắp đặt của Thái thượng hoàng và Thái hậu tuyển tú nữ. Nghe đồn, chỉ sau chưa đầy một canh giờ, Hoàng thượng đã chọn được Hoàng hậu và mười vị phi tần. Ta vào ngày đó đau tưởng như không thở nổi.

Rằm tháng Mười, khắp nơi trên cả nước, nhà nào cũng phải dán giấy đỏ và treo đèn lồng đỏ. Bởi vì, đó là ngày đại hôn của Hoàng thượng và Hoàng hậu. Bụng ta từ sáng sớm đã đau lâm râm rồi, nhưng ta vẫn cố cắt chữ bằng giấy đỏ. Ta cảm nhận được đứa trẻ trong bụng mình đạp rất mạnh. Ta gạt nước mắt, nghẹn ngào nói với nó:

- Uy Vũ ngoan, để bu cắt chữ chúc mừng ngày hỷ của phụ thân ngươi.

Ta chưa bao giờ đoán được là sẽ có ngày này. Sư phụ nói quả không sai, cái gọi là không thấu chuyện sau này chỉ đơn giản bởi vì trong chúng ta đã có người thay đổi. Vô Ưu đã thay đổi rồi. Chàng không còn là Vô Ưu của ta nữa. Chàng hiện tại đã là quân vương của một nước. Ta cắt xong hai chữ "Song Hỷ" thì thấy áo mình ướt đẫm mồ hôi. Ta đau đến mức hoa mắt chóng mặt. Ta cố gắng gọi người, nhưng giọng nói bởi vì khóc quá nhiều nên đã bị khản đặc, chỉ còn có thể phát ra những âm thanh khó nghe, sau đó cứ nhỏ dần, nhỏ dần.