Ngày 09 tháng 10 năm 2015, bên ngoài căn cứ Châu Sơn, cách 288 hải lý (~534km) khu vực biển Hoa Đông, một buổi trưa bình thường, sóng ập gió vần, bầu trời âm u.
Mười mấy người lính hàng không hải quân đang đứng trên boong tàu, tất cả mọi người đều ngẩng đầu nhìn về phía đốm xám nhỏ đang nhanh chóng áp sát từ phía Đông——Máy bay chiến đấu J-15(*) thế hệ thứ ba đang tìm kiếm con tàu, tốc độ giảm dần đều.
(*) Shenyang J-15, còn được gọi là Cá mập bay, là một loại máy bay tiêm kích đa năng, trang bị dành riêng cho Không quân Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLANAF) để hoạt động trên các tàu sân bay của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN).
Châu Kỳ Sâm ngồi trong máy bay chiến đấu, nín thở gạt cần điều khiển xuống. Khi khoảng cách với sàn tàu chỉ còn 300 mét, anh có thể nghe thấy tiếng tim đập thình thịch của bản thân lấn át cả tiếng gió thổi vù vù lẫn tạp âm, dội vào màng tai mình.
Máy bay khi hạ cánh khẩn cấp xuống tàu sân bay có tốc độ hơn 300 km/h, nhưng đường băng chỉ dài 300 mét, bằng 1/10 so với đường băng trên đất liền. Trong đó, khu vực hạ cánh chỉ dài vài chục mét, tính theo thời gian chỉ là vài giây. Chỉ trong vài giây này, phi công phải hoàn thành nhiều thao tác như hạ cánh, neo dây và giảm tốc độ. Khác với máy bay dân dụng chở hành khách, phi công lái máy bay trên tàu sân bay đều hạ cánh với chế độ ngắt hết ga. Tuy nhiên, nếu việc móc dây hãm thất bại, họ sẽ lập tức tăng ga để bay lại. Do đó, việc giảm tốc chỉ có thể được thực hiện bằng cách sử dụng móc đuôi máy bay neo vào dây hãm bằng thép trên sàn tàu sân bay. Bởi vậy, màn hạ cánh của máy bay trên tàu sân bay còn được gọi là "vũ điệu trên lưỡi dao". Châu Kỳ Sâm đã nhảy vũ điệu này mấy ngàn lần rồi, chính xác thì là 5860 lần.
Tìm kiếm con tàu, vòng quanh con tàu. Rẽ ngoặt một cái, vòng lại lần thứ hai.
Dưới sự dẫn hướng của thiết bị hỗ trợ hạ cánh điện tử, chiếc J-15 từ từ lao về phía đèn tín hiệu hạ cánh. Gió thổi cuồn cuộn, luồng khí từ đuôi tàu cuộn trào, bản thân con tàu cũng chao đảo ngang dọc, quả thực là một ngày thời tiết tệ hại. Nhưng phải hạ cánh trong điều kiện thời tiết như vậy không phải nguyên nhân khiến anh căng thẳng. Nguyên nhân thực sự là bởi lần thứ 5861 này cũng là lần cuối cùng anh hạ cánh chiếc J-15.
Trong tai nghe truyền đến giọng nói không thể nào quen thuộc hơn được nữa: "Căn chỉnh đường băng, gió thổi xiên, hướng gió 280. Nếu gặp khó khăn khi nhìn đèn thì bay lại." Chỉ huy tàu sân bay là người hỗ trợ các phi công tàu sân bay sao cho bay đúng chiều đường băng và hoàn thành nhiệm vụ hạ cánh. Đối với những phi công tân binh thì chỉ huy phải nói rất nhiều, nhưng kiểu như Châu Kỳ Sâm đã bay đến bảy, tám năm nay thì họ chỉ cần nói một câu, giống như câu vừa rồi trước khi hạ cánh. Hôm nay tình hình biển không ổn định, gió lại mạnh, do vậy mới có thêm thông báo về hướng gió.
Châu Kỳ Sâm chỉ đáp lại hai chữ, "Không cần."
Máy bay chiến đấu đã đến rất gần boong tàu sân bay Trí Viễn, gần đến mức có thể nhìn thấy ba người mặc áo may ô trắng đang đứng ở bục làm việc của sĩ quan hướng dẫn hạ cánh (LSO) bên mạn trái đuôi tàu. Người đứng đầu đội mũ, đeo tai nghe và kính râm. Anh thầm nghĩ, tất cả mọi thứ hôm nay đều là lần cuối cùng, hô khẩu hiệu lần cuối cùng, chạm vào cần điều khiển lần cuối cùng.
Anh nhấn chân ga hết cỡ, cánh chiếc J-15 gần như sượt qua bả vai người đàn ông kia.
Kiểm tra đèn, căn chỉnh cân bằng, giữ nguyên góc. Thả thiết bị hạ cánh, thả móc đuôi.
100 mét, 50 mét, 30 mét, 10 mét...
Tiếng nổ rền vang đinh tai nhức óc, sàn tàu rung chấn liên tục, móc đuôi chiếc J-15 vững vàng neo vào dây hãm số hai trên sàn tàu, sắt thép ma sát sắt thép tạo thành một chuỗi tia lửa. Chỉ trong vài giây ngắn ngủi sau đó, J-15 nhanh chóng giảm tốc rồi dừng lại ở phía cuối boong tàu.
Những người vây xung quanh boong tàu, kể cả hai trong ba vị sĩ quan chỉ huy trên bục làm việc đều vỗ tay rào rào. Những cậu phi công trẻ chưa bao giờ được chạm vào máy bay dành lời khen ngợi không dứt miệng cho kỹ thuật hạ cánh, thậm chí có một anh chàng đã đến chào đón Châu Kỳ Sâm ngay khi anh bước ra khỏi chiếc J-15.
"Hôm nay gió dữ quá, anh Sâm đỉnh thật." Cậu phi công trẻ vừa nói vừa châm điếu thuốc cho anh giữa cơn gió mạnh.
Hai người đứng trò chuyện ở đây, Châu Kỳ Sâm ngước mắt lên nhìn, ấy vậy mà người đàn ông trên bục kia cũng đã đi xuống, qua đây chào đón anh.
"Cậu là người hạ cánh đầu tiên của ngày hôm nay, trước cậu phải có đến bốn lần bay lại rồi." Bạch Tử Duật còn cách đó rất xa đã cười nói với anh. Hắn là chỉ huy tàu sân bay, còn được gọi là LSO (Landing Signal Officer), cũng là đôi mắt thứ hai của phi công tàu sân bay.
Châu Kỳ Sâm thấy Bạch Tử Duật cúi đầu nhìn tay mình, biết cơn nghiện thuốc của hắn lại trỗi dậy, sau khi hút vài hơi bèn đưa điếu thuốc sang cho Bạch Tử Duật hút tiếp, anh đáp: "Ừ, rung ngang vẫn còn tốt chán, rung dọc mạnh quá bị khó móc dây."
Cậu phi công trẻ bên cạnh gật đầu lia lịa.
Lúc này Châu Kỳ Sâm mới quay đầu, nói với Bạch Tử Duật: "Em có chuyện muốn nói riêng với anh."
Đợi những người khác giải tán, Châu Kỳ Sâm mới mở lời, "Thứ hai tuần sau em đi."
Bạch Tử Duật chẳng hiểu gì cả, câu đầu tiên hắn hỏi là: "Về thăm bố mẹ cậu à? Phép nghỉ về thăm người thân lần này của cậu được duyệt nhanh thế."
Châu Kỳ Sâm chăm chú nhìn hắn một lúc lâu, sau đó mới nói: "Không phải thăm người thân."
"Thế là gì?" Bạch Tử Duật hỏi anh.
"Em muốn chuyển nghề. Hôm nay... là lần cuối cùng anh chỉ đạo em." Châu Kỳ Sâm nói xong từng câu từng chữ. Để nói ra được những câu này, anh đã đợi rất lâu rồi, hơn sáu tháng lận. Nhưng khi thật sự thốt ra khỏi miệng rồi, tâm trạng anh lại không hề xảy ra cơn địa chấn mãnh liệt như trong tưởng tượng. Anh cảm thấy mình vẫn rất bình thản.
Bạch Tử Duật không lên tiếng. Hắn đeo kính râm nên Châu Kỳ Sâm không thấy được đôi mắt hắn, nhưng dù hắn không đeo kính thì anh cũng nhìn không thấu được đôi mắt hắn. Bạch Tử Duật là một người như vậy. Theo lý thuyết mà nói, họ là bạn chí cốt của nhau, ít nhất đối với Châu Kỳ Sâm thì Bạch Tử Duật là vậy. Thế nhưng trong vòng nửa năm gần đây, anh càng ngày càng không hiểu nổi suy nghĩ của Bạch Tử Duật.
Châu Kỳ Sâm nói câu cuối, "Tám năm qua... cảm ơn anh." Nói xong, anh quay đầu rời đi.
Bạch Tử Duật hút điếu thuốc này mất đến nửa tiếng đồng hồ.
┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈┈
Tác giả có lời muốn nói:
Độ tuổi giả thiết là Châu Kỳ Sâm 32, Lang Phong 29.
Nhân vật chính trong tác phẩm này đều không còn "zin", bản thân tôi cũng khá bài xích khái niệm này. Cả hai anh đều bô zai, lại đều ngót nghét ba chục tuổi rồi, còn chưa yêu đương bao giờ thì đúng là chỉ có trong truyện cổ tích. Câu chuyện này có liên quan đến người yêu cũ, cũng có cả người tình trong mộng nữa. Hai nhân vật chính thay phiên nhau làm top (nhưng thiên về Lang công Châu thụ), ai không thích chớ nhảy vào.