Buổi đầu tiên lên lớp 8 của Ái Lạp khá là hoành tráng. Có một thằng oắt con từ đâu chạy tới chắn ngang giữa cổng trường, quỳ sụp ngay dưới chân Ái Lạp. Học sinh đến trường ngày một nhiều, trông thấy cảnh tượng này liền xì xào bàn tán. Ái Lạp nhăn nhó, cố gắng gạt cái tay đang ôm chân mình ra, mắng:
- Em làm gì thế??
- Chị ơi, xin hãy thu nhận em! Em đã không còn chốn nương thân nữa rồi!
Thằng bé đang quỳ chắc tầm lớp 3 lớp 4 gì đó, mặt non choẹt, búng ra sữa. Ái Lạp nom nó quen lắm, cái ánh mắt quyết tâm lấp lánh kia cứ như đã gặp ở đâu đó rồi. Ái Lạp đau đầu xoa trán, may mắn thay An từ ngoài đường bất ngờ chạy tới đỡ lấy thằng bé, chắc là quen thân. Chị lo lắng mắng:
- Đức, về nhà ngay!
- Không! Bố chỉ yêu chị thôi, bố đã từ em rồi.
Ái Lạp đột nhiên nhớ ra, cái quả mắt kia là quả mắt thảo mai di truyền của nhà chị An mà! Con bé nhìn một lượt hai chị em nhà nọ, tiếng thở dài theo thói quen hằn học phát ra. Ái Lạp rốt cuộc đành phải chìa tay, dắt thằng bé đi tới địa bàn để tra hỏi. Nói cho oai là địa bàn, chứ thật ra cũng chỉ là cái khu tự học bé như mắt muỗi, có chỗ thông ra ngoài để trốn đi ăn cháo sườn mỗi khi đói bụng.
- Nào, làm sao, nói nhanh.
Sắp tới giờ lên lớp, thật ra hôm nay đến chẳng phải là để học hành gì, chủ yếu nghe cô dặn dò đôi điều trước khi học hè rồi đi về. Ái Lạp không đăng kí học hè, nó tới để làm đơn xin miễn đi học. Giữa một đống đơn xin đi học tự dưng chồi ra một cái đơn xin miễn học, đặc biệt phải biết. Thế nên Ái Lạp không muốn muộn giờ vào lớp, tránh cho cá biệt chồng lên cá biệt, để chủ nhiệm ghét mình thì không tốt lắm.
- Bố em không thương em, bố em chỉ thương chị thôi! Lúc nào bố cũng khen chị, mà đối với em thì mặt mày nghiêm khắc. Em muốn về ở với mẹ, em nhớ mẹ cơ, hu hu....
Ái Lạp đang định cắm ống hút uống sữa, thấy thằng bé khóc liền nhấc nó lên đùi, đưa sữa cho nó uống. Thằng bé bị vị ngọt ngậy làm cho quên mất mình phải ăn vạ, nó thút thít sịt mũi, nhưng miệng vẫn uống đều từng ngụm vô cùng đáng yêu, chỉ lát sau nó đã ngủ yên trong lòng Ái Lạp. Nghĩ cũng phải, trường cấp II vào lớp rất sớm, thằng bé không biết chính xác giờ nào Ái Lạp tới trường, hẳn là đã phải đợi khá lâu.
An kể mẹ chị mất khi hai đứa còn rất nhỏ, bị tai nạn xe. Em trai chị mới lên lớp 4, tính ra vẫn còn bé lắm. Thuở đầu mỗi khi nó khóc đòi mẹ, bố và chị đều gắng sức dỗ dành. Về sau tần suất nó mè nheo ngày càng nhiều, bố cố gắng dỗ nó một thời gian, sang năm tiếp theo liền đổi phương pháp, hễ nó ăn vạ là bắt đầu nghiêm mặt.
Tính tình của bố vốn không phải người nghiêm khắc, việc ông có thể đùa cợt khen ngợi với An là đương nhiên. Nhưng thằng bé ghét bố từ lần nghiêm mặt đầu tiên, nên nó ngày càng đòi mẹ nhiều, dẫn theo đó bố càng phải nghiêm khắc hơn. Theo quan niệm của nó, bố chỉ thương mỗi chị, chỉ có mẹ là thương nó.
Thú thực, Ái Lạp chưa gặp thằng nhóc nào thù dai đến thế.
Xét về hoàn cảnh thiếu thốn một nửa tình thương, có lẽ điều này đã tạo thành một phần bướng bỉnh. Nhưng đạt đến mức độ ăn vạ một năm trời này, xong còn thái độ với bố vài năm tiếp theo, hôm nay còn bỏ nhà ra đi để bố và chị lo lắng, thì nó hỗn quá rồi. Đức là một đứa trẻ ngoan, bây giờ uốn nắn vẫn còn kịp.
- Nó bắt đầu đến tuổi ngán cơm, dạo này chỉ ăn bim bim chứ không chịu ăn cơm. Hôm qua chị dỗ nó bằng mọi cách mà không được, nên bố mới tét vào đít nó hai phát. Nó gào lên, rồi chớ hết mấy miếng cơm chị vất vả bón được ra. Chị với bố sợ quá, không ép nó nữa. Cho đến sáng nay, mở mắt dậy đã không thấy nó đâu, chị với bố tán loạn đi tìm. Bố bảo chị cứ đến trường học, để bố ở nhà xem thế nào, ai ngờ lại gặp nó ở đây.
An vuốt ve mái tóc tơ của thằng bé, vẻ mặt bất lực không sao tả được. Chị mới gọi cho bố, bố sẽ tới đây đón nó về ngay thôi. Chỉ là không biết với tính tình này, nó có chịu ngoan ngoãn về với bố không nữa. Chị cùng bố rất hạn chế đánh nó, một phần cũng vì sợ nó mỗi lần khóc đều nhớ đến mẹ.
- Chị đi ra canteen mua một suất cơm về đây.
- Hả?
Ái Lạp đột nhiên nói làm An phản ứng không kịp. Chị luống cuống làm theo, nhoáng cái đã đem về suất cơm thịt kho tàu thơm phức. Trẻ con buổi sáng chỉ uống sữa rất không tốt, An lay Đức dậy, đặt nó ngồi ngay ngắn đối diện Ái Lạp. Trước đôi mắt ngơ ngác của thằng bé, Ái Lạp xúc một miếng cơm, thổi cho bớt nóng, đưa đến trước miệng Đức. Quả nhiên, Đức vội vàng rụt cổ lại, hét lên:
- Em không ăn đâu!
Ái Lạp hỏi:
- Thế bây giờ ăn cơm hay ăn cứt?
- Em ăn cơm!
- Vậy thì ăn đi.
Ái Lạp mặt không đổi nhét luôn miếng cơm vào miệng nó. Thằng bé đần người ra, cơn đói từ buổi tối cộng thêm uống sữa ban sáng làm nó cồn ruột, nhai nuốt dễ dàng. Mấy miếng tiếp theo cũng vậy, thằng bé đều phải chịu đựng há miệng chỉ vì nó không muốn ăn cứt. Tới miếng cuối cùng của suất cơm, vẫn câu hỏi như thế, thằng bé rốt cuộc trả lời:
- Em ăn cứt!
Miếng cơm đã đưa tới gần miệng Đức đột ngột dừng lại. Đức vui vẻ, nghĩ Ái Lạp sẽ không thể nào bắt nó ăn được nữa. Ai ngờ, Ái Lạp mỉm cười, làm cho câu khiến thằng bé tắt lịm:
- Cơm vào người lúc ra cũng thành cứt thôi. Nào, há miệng ra để ăn cứt nào!
Miếng cơm cuối cùng vẫn bị nhồi vào mồm Đức. Đức khóc không ra nước mắt, giận dữ la hét:
- Chị chơi bẩn!
- Thế em nghĩ cứt làm ra từ gì?
Đức gào ầm lên, khu tự học vang lên tiếng gõ cửa. Một người đàn ông râu ria buổi sáng chưa kịp cạo xông tới. Ông vô tình bắt gặp ánh mắt kinh ngạc của cô con gái đang nhìn chằm chằm vào suất cơm đã hết, lại nhìn thấy Ái Lạp vừa đấu khẩu vừa chùi mồm cho thằng con mình, ngẩn ngơ không nhịn được hỏi:
- Đức ăn cơm hả An?
- Vâng....
An còn chưa hoàn hồn, mấp máy môi đáp. Đức ăn hết suất cơm rất nhanh, chỉ vỏn vẹn mấy phút làm An cứ ngỡ mọi chuyện diễn ra là do mình nhìn nhầm. Người phía trước vẫn còn mải cãi vã, Đức bướng bỉnh gân cổ lên, hét với Ái Lạp:
- Em có tên đàng hoàng, sao chị cứ nhóc nhóc mi mi thế? Tên em là Đức, Đức đấy!
- Ồ? Vậy ở nhà bố có gọi mi là thằng Đức Cớp không?
- Là sao?
- Là cái miếng cơm cuối của mi đấy! Lêu lêu!
- Chị An, Đức Cớp là sao?
Đức đột nhiên quay sang hỏi, mặt An đần thối, ngẫm nghĩ hồi lâu, đoạn như nhận ra điều gì liền bối rối cúi mặt. Chị không dám nhìn vào ánh mắt tò mò của thằng em, mãi thật lâu sau mới dám ấp úng hé cái miệng xinh ra, lí nhí giải thích:
- Đức Cớp, là đớp ***...
Ái Lạp: :)
Đức: - ......
Bố Đức: - ......
Bầu không khí dần chìm vào tĩnh lặng.
***
Bảo vất vả lắm mới lết được tấm thân còi cọc đến trường. Giữa cái tiết trời oi cháy đầu này, cậu còn phải vác thêm cả 5 gói KitKat to bự, để cho cái máy dọn tủ lạnh ăn. Bảo bước chân vào lớp, mong ngóng bóng dáng nào đó sẽ nhào tới giật lấy túi kẹo của cậu, nhưng lạ thay, không có ai ở chiếc bàn cuối dãy gần cửa sổ cả.
Vốn Ái Lạp có thói quen đến muộn, Bảo cho rằng nó lại ngủ quên, không quan tâm lắm ngồi vào chỗ. Cả tiếng đồng hồ trôi qua dài đằng đẵng Ái Lạp vẫn chưa ló mặt lên phòng học, Bảo gật gù ngủ quên lúc nào chẳng hay. Tiếng mọi người lục đục cất sách vở đánh thức Bảo khỏi cơn buồn ngủ. Cậu lười biếng dựa vào ghế, vô tình bắt gặp mớ tóc xoăn dài lấp ló phía ngoài cửa, cảm giác quen thuộc cùng giận dỗi đồng thời dâng lên.
Ái Lạp chờ tất cả ra hết mới dám đường hoàng bước vào lớp. Buổi đầu tiên đã cúp học, cô chủ nhiệm không cào nát mặt nó mới là lạ. Ái Lạp vui vẻ chạy xuống bàn cuối, tia thấy mấy cái gói xanh xanh thò ra khỏi ngăn bàn, bật chế độ la liếm nịnh hót nhảy xồ vào cạnh Bảo, cái mồm liến thoắng như loa phát thanh:
- Ối zời ơi, đội phó ơi, xa nhau mấy tháng hè làm tớ nhớ cậu quá đi à!
Bảo lặng thinh không đáp, Ái Lạp nghĩ bụng cậu lại ấm ức cái gì vớ vẩn, cũng lười ngồi đoán Bảo nghĩ gì trong đầu. Nó giả vờ đưa mũi hít quanh người Bảo khiến cậu phải đẩy nó ra. Ái Lạp khôn lắm, nó muốn thứ gì đều chẳng bao giờ đòi trực tiếp, toàn dùng cách thức gián tiếp để nhắc khéo đối phương. Ái Lạp hít một chập, tỏ vẻ vẫn không rõ mùi hương ở đâu toả ra, nghiêng đầu hỏi Bảo:
- Sao người đội phó lại có mùi trà xanh nhỉ? Ngửi thơm quá đi mất!
- Thôi được rồi, bố mày chịu mày luôn đấy.
Bảo lôi gói KitKat ra dúi vào tay con bé, ôm mặt mặc nó lôi bản thân ra khỏi lớp. Nói thật từ bé tới lớn cậu chưa gặp con nào khéo nịnh như con này, mấy hành động nịnh nọt nó làm rõ là tự nhiên, chắc ở nhà bố mẹ nó đã bị dắt mũi nhiều lần lắm.
Qua năm học mới, có kha khá thành viên của Thống Trị Thế Giới đã ra trường. Mọi người thì chia tay trong lưu luyến, còn riêng Ái Lạp, nó vui lắm. Tự dưng đỡ tốn mấy miệng ăn, lại đỡ phải đứng ra chắn đạn mỗi khi đám đàn em cãi nhau, sướng kinh khủng. Có một điều mà Ái Lạp không ngờ tới, là các anh lớp 9 sau khi ra trường xong vẫn quay về nằm lì ở địa bàn. Điều hoà vẫn bật, nước vẫn xả, tủ lạnh vẫn vơi dần đồ ăn. Các anh giữ tư thế dù có chuyển trường thì vẫn là em đại tỷ, quyết ở lại làm chân ăn bám đến cùng.
- Các ông mới đi đánh nhau về đấy à?
Ái Lạp nhìn hàng dài xây xước trên mặt từng người, rồi nhìn đống dụng cụ y tế rơi vãi dưới đất, bất lực thở dài. An cúi đầu chào mọi người, cố gắng che đi thằng em phía sau nhưng không thành. Đức Cớp ló cái đầu ra cho bằng được, mạnh dạn quỳ sụp xuống dưới sàn nhà, vội vã chắp tay thành quyền theo kiểu kết bái huynh đệ thời xưa:
- Em bái kiến các vị sư huynh sư tỷ.
Có lẽ nó đã hoàn toàn tự cho mình là người trong bang từ lúc dập đầu xin đi theo Ái Lạp ban sáng. Mấy thành viên của Thống Trị Thế Giới nhìn nhau, ai nấy đều ném cho Ái Lạp ánh mắt khó hiểu. Ái Lạp bất đắc dĩ nhớ lại Đức sẽ khóc ăn vạ nếu nó không cho thằng bé đi theo, mệt mỏi hít sâu điều chỉnh hơi thở.
- Xin lỗi, em chị đấy, mong mọi người giúp đỡ nó.
An tuy mới lớp 8, song do đảm đương hầu hết các vai nữ công gia chánh ở bang nên mọi người ưu ái gọi An là "chị". Lâu dần thành quen, chính bản thân An cũng tự gọi mình như thế. Lần đầu tiên trong đời Đức thấy chị mình ngầu thế, bao nhiêu anh cao to trong phòng đều phải gập mình 60° để chào chị. Mắt nó sáng rỡ, liên tưởng đến mấy phim kiếm hiệp hay xem, thầm nghĩ có phải mình sẽ được dựa vào chị mà leo cao không? Dù sao chị nó nắm chức to chức lớn, chắc phải trên vạn người dưới một người, nó làm em chị chắc chắn thơm lây.
- Chị An dạo này có tìm được vụ gì không, bọn em nằm nhà cả tháng hè chán quá.
- Có vụ gì đại tỷ nhà chúng mày tự xử hết rồi, cần đếch gì đến chúng mày đâu?
Trí nói, cả người vắt vẻo trên bệ cửa sổ. Ái Lạp quả thật lãng phí tài nguyên vô cùng. Nuôi lắm người thế này, cuối cùng để không, tự mình giải quyết hết mọi việc. Bản thân Trí nếu không phải hay chạy ra chỗ Ái Lạp la liếm thì cũng đã sớm chung cảnh ngộ với anh em trong bang, nằm chơi xơi nước chán ngắt, chẳng được đi bày trò trêu con nhỏ Nim với đại tỷ. Trí nhớ tới hôm đổ nước vào sách vở Nim có bao nhiêu phê, sung sướng càng rung chân mạnh.
- Có đấy. Trường mình dạo này nổi vụ bùa yêu, mọi người nghe chưa?
An đáp, lục lọi cặp lấy ra tang vật mà mình vô tình nhặt được. Chị đặt một tờ giấy trắng ra giữa sàn, đám loi ngoi xung quanh lập tức châu đầu vào xem. An mở tấm vải bọc bé cỡ 4cm, dốc ngược xuống đất, vài thứ kì lạ rơi khỏi tấm vải bọc đỏ, mọi người chăm chú nhìn, một đứa tò mò hỏi:
- Cái gì đấy?
An săm soi, cố nhớ xem cô bạn cùng lớp đã nói gì với mình, nhăn nhó thuật lại:
- Móng ngón chân cái, móng ngón tay áp út, tóc, lông mi, lông mày, hình như bị thiếu một miếng da hoặc thịt.
- Eo, tởm!
- Ừ, nghe bảo lấy mấy thứ này từ người mình xong bọc vào vải đỏ, để dưới gối 10 ngày rồi thả vào pha trà dụ crush uống thì crush sẽ trúng bùa yêu. Có đứa nào đấy khối 7 bị dụ uống rồi, xong bị nghẹn cái móng chân ở cổ họng, nôn thốc nôn tháo rồi khóc um lên, nhờ đó mà cái trò này mới nổi.
- .... Đứa nào nghĩ ra trò này thế, nôn vãi nồi!
An vuốt cổ mình, lờm lợm khi nghĩ đến nếu như mình cũng mắc móng chân ở cuống họng. Chị mặc kệ nhiều người không muốn nghe nữa, tiếp tục nói:
- Trò này, người thực hành sẽ phải làm tổn thương chính mình. Độ mạnh yếu của bùa yêu tuỳ thuộc vào phần da thịt mà người đó dâng hiến. Mấy cái lông móng là bắt buộc, còn lại có đứa thì cậy xước mong rô nhét vào, có đứa lấy kim đâm nhỏ máu, khủng bố nhất vẫn là cắt ra miếng thịt, nhưng chưa ai dám làm tận mức đấy. Nhiều người làm chơi chơi thì chỉ bỏ móng với tóc vào thôi. Tội cho người phải uống ấy, chúng nó sợ đến mức lập cả một page dạy cách chống bùa trên facebook kìa. Status gần đây nhất của admin là lời nhờ vả Đội Bảo Vệ Chính Nghĩa, bên dưới còn có mấy dòng phân tích nghi ngờ vài thành viên của Chính Nghĩa dính líu tới Thống Trị Thế Giới và Trấn Lột, nhằm doạ nạt bọn định dùng bùa yêu.
An cầm cái máy điện thoại lên đọc cho cả đám nghe.
"[Page chống bùa yêu CII TL]
Thân gửi những con người đã, đang, và sẽ tiếp tục dùng cái thứ bùa yêu khốn nạn trong trường này.
Mọi người còn nhớ băng nhóm Trấn Lột tồn tại bao nhiêu năm nay ở trường chúng ta chứ ạ? Có ai thắc mắc vì sao Trấn Lột dạo này không thấy tăm hơi đâu nữa không?
Khối 6, 8 học buổi sáng có thể không biết, nhưng khối 7, 9 học chiều chắc chắn phải biết. Cái hôm loa phát thanh trường tự dưng phát ra lời thách đấu với Trấn Lột, bên thách đấu là người của băng nhóm có tên Thống Trị Thế Giới. Sau đó vài ngày, Trấn Lột bốc hơi khỏi trường, khả năng cao do đã bị Thống Trị Thế Giới thu phục thành công.
Có người đã nghe và nhớ được giọng của người phát thanh. Sau khi so sánh kết quả, chúng tôi khẳng định đến 80% đây là giọng của Trịnh Gia Ái Lạp, hiện đang học tại lớp 8A của trường. Theo nguồn thông tin cho biết thì em gái này có tự lập một đội nhỏ chuyên đi giúp đỡ những vấn đề trong trường, có thu phí. Tôi quyết định sẽ trích xuất tiền túi thuê tổ đội này về giải quyết vấn đề chúng ta đang vướng phải hiện tại.
Đồng thời tôi muốn gửi lời kêu gọi đến tất cả những nạn nhân đang follow page. Mỗi người hãy cùng quyên góp 10k, tạo quỹ thuê đội Bảo Vệ Chính Nghĩa xử lí vụ này.
Quyết không để bùa yêu tồn tại trong trường.
Admin."
Thời đại công nghệ thông tin có khác, vài việc trong trường cũng có thể mang ra lập page được. Đứa nào nghĩ ra trò này bại não chẳng kém, chắc hết thứ đề chơi, nghe vừa tởm vừa phi logic, thế mà vẫn có đứa tin.
- Tất cả những người like page, mỗi người góp 10 nghìn, gộp lại thành tiền thù lao.
An đọc status, nhìn số lượng người like đã đạt tới gần 200, mong chờ nhìn Ái Lạp. Vừa vặn đội trưởng đội Bảo Vệ Chính nghĩa mới được nghỉ nửa tháng học hè để chơi bời lêu lổng, Ái Lạp gật đầu, dặn An để lại chữ "nhận" ở mục bình luận rồi để lại số tài khoản ngân hàng ở dưới. Mới đầu năm đã có biến rồi, cái trường quần què này toàn chứa chấp lũ chơi ngu không.
***