Hai tuần cho đến ngày thi khảo sát hầu như không có biến cố gì lớn, ngoại trừ việc kết nạp thành viên hội học sinh.
Nghe đồn người nắm quyền lãnh đạo hội học sinh là nhân vật rất cần để tâm. Bởi vì tất cả các hoạt động trong trường không phải do nhà trường mà là do hội học sinh tổ chức, nên có thể nói chủ tịch hội học sinh mang trong mình quyền sát sinh gần như tuyệt đối.
Nếu không ngoan có thể bị cấm tham gia hội chợ, tham quan, v...v...
Mà nếu ngoan sẽ được miễn tham gia hội thao luôn cơ!
Nói chung là hư thì đi nhặt lá, hết!
Nghe đồn đứng sau hội học sinh còn có cả một băng đảng gì đó bảo kê, thành viên cốt cán của hội cũng ít phải tham gia học trên trường nên cái hội này ngày càng trở nên quyền lực và thần bí.
Người đứng đầu mỗi khối sẽ có một phòng riêng trong khu tự học và không cần phải lên lớp nghe giảng. Mà hội học sinh cũng có cái đặc quyền y chang vậy. Hơn nữa để tránh việc lạm quyền, những người có thành tích không vững sẽ bị out khỏi hội.
Khi đăng kí làm thành viên sẽ trải qua phỏng vấn, sau đó làm cộng tác viên nửa năm mới trở thành thành viên chính thức.
Ngày đầu tiên phát đơn đăng kí, người xếp hàng dài cả đống. Căn bản tham gia hội học sinh là một món hời quá lớn, dù không có chức quyền thì cũng có thể cúp học đi làm nhiệm vụ hội.
Quỳnh Giao đứng ở lan can nhìn mọi người xếp hàng dài, nghiêng đầu khó hiểu. Không biết có nhờ hội học sinh tìm người giúp được không, tại Trí và An như bốc hơi khỏi trường vậy, nhập học 2 tuần rồi mà vẫn không thấy hai người đâu.
Quỳnh Giao ngán ngẩm quay về lớp, giật mình phát khiếp khi phát hiện ra có cả đống người đứng rình ở cửa sổ lớp mình. Chắc là những học sinh "ngoại tộc" vẫn chưa chấp nhận sự thật về mối quan hệ tay bốn trong nhóm Quỳnh Giao. Bọn họ vừa rình vừa nhai gấu áo, tưởng chừng cắn sắp rách tới nơi. Quỳnh Giao ngó vào trong lớp, tự nhiên hơi thông cảm cho tâm trạng của chúng nó.
Mai thi khảo sát nên hiển nhiên Ái Lạp sẽ ngồi ôn Tiếng Anh. Trong lúc nó học thì Bảo bên cạnh còn đang ngáy khò khò. Đầu cậu ngả ngớn gối lên đùi Ái Lạp, sách giáo khoa úp vào mặt, chân gác ở ghế ngồi dãy bên cạnh.
Cường ngồi bàn trên, xoay hẳn người xuống để chỉ bài cho Ái Lạp. Chốc chốc cậu lại búng vào trán con bé, đợi khi nó chuẩn bị hét lên thì lập tức xoa hai má nựng.
- Phát âm sai rồi, lưỡi bị làm sao đấy?
Cường phê bình làm Ái Lạp co rúm lại. Nó không biết làm cách nào để thoái thác nên đành hùa theo, nói dối là mình đang bị nhiệt.
- Nhiệt? Mày? Há cái mồm ra xem nào!
Ái Lạp lắc đầu nguầy nguậy, Cường lập tức bóp chặt lấy cằm nó, cậy miệng ra bằng được. Sau khi chắc chắn rằng miệng Ái Lạp không bị gì Cường mới buông tay, chỉ vào lỗi sai ban nãy rồi ra lệnh:
- Nào, đọc lại.
- Mày dạo này được lắm đấy nhé!
Ái Lạp nhăn mặt, xoa hai bên má ửng đỏ. Bảo bị cơn quẫy đạp làm cho tỉnh giấc, bực bội bật dậy. Chợt cậu thấy dấu đỏ lựng trên má Ái Lạp, không nói không rằng quay sang hỏi Cường:
- Làm nó đau là sở thích của mày à?
- Không, nhưng trông cũng khá vui.
Cường nhún vai, thoải mái tận hưởng ánh nắng tràn từ cửa sổ ôm ấp trên khắp thân thể mình. Hai cái điều hòa trong lớp vẫn chạy, cửa sổ chỗ Bảo và Cường ngồi vẫn mở toang, đơn giản vì hôm nay không ai mang áo khoác đồng phục cho Ái Lạp.
Bảo xem xét vết đỏ một hồi, bất ngờ đánh Cường. Bàn học đang ngồi vì thế mà xê dịch, âm thanh khá lớn khiến cho cả lớp ngừng nói chuyện. Đống ra-đa bên ngoài cũng nín thở quan sát. Ái Lạp vội vàng quát:
- Chúng mày điên à?!
- Đau không?
Bảo hỏi, Cường cũng đáp lại bằng câu ngứa đòn không kém:
- Có thì sao mà không thì sao?
Bảo cười. Rõ ràng đối với cậu và Cường, đánh nhau chỉ đơn thuần là cách giao tiếp.
- Chúng mày thôi đi, tao không sao hết! Còn thằng Cường, lần sau không chơi cái trò đấy nữa biết chưa?
- Đúng rồi anh, dạo này anh kì quặc lắm luôn ấy!
Quỳnh Giao chạy vào mắng Cường, cái tâm lí trẻ con của cậu Quỳnh Giao không tiếp nhận nổi. Từ mấy tháng trước cậu cứ như thể đã phát hiện ra điều gì, cách đối xử với mọi người thay đổi hẳn. Cậu không tiếp tục giữ vẻ bình tĩnh như trước, thay vào đó thường xuyên trêu nhây người khác quá đà.
Trước những lời mắng mỏ nhảy tới không ngừng, Cường tỏ ra khá bình thản. Não cậu cứ liên tục nhảy số, đoạn ánh mắt cậu dừng lại trên hai má vẫn còn đỏ bừng của Ái Lạp, hơi cúi đầu:
- Xin lỗi nhé.
Cường đưa một tay vuốt ve má Ái Lạp, mặc kệ bầu không khí ngưng trọng trong lớp mà bỏ ra ngoài. Quỳnh Giao cũng không hiểu Cường định đi đâu, song chắc cậu trốn để xoa dịu tình hình.
- Chúng mày cũng thấy nó khác đúng không?
Ái Lạp hỏi, hai người đối diện lặng thinh, hiển nhiên sự im lặng chính là câu trả lời rõ nhất. Ái Lạp mệt mỏi than nhẹ, nằm úp mặt xuống đống sách vở la liệt trên bàn.
Kì thi khảo sát diễn ra khá suôn sẻ. Theo định luật bảo toàn trường học, Ái Lạp mà không vào được lớp A thì ai đó sẽ vác xăng đi thiêu trọn cái trường này. Tất nhiên, ai đó có thể là bất kì ai.
Ái Lạp đứng trước cửa lớp 10A, bị Quỳnh Giao lôi vào. Hai bàn cuối dãy ngoài cùng gần cửa sổ đương nhiên đã bị chiếm. Bảo và Cường ngồi vắt vẻo ở đó, khuôn mặt lạnh nhạt khiến mọi người không dám tới xin ngồi cùng.
- Hôm nay có kết quả tuyển người hội học sinh đúng không?
- Mấy anh chị khóa trên dọa nhiều làm tao tò mò kinh lên! Không biết vào hội xong có được diện kiến chủ tịch không nhỉ?
- Đám tôm tép mới vào chắc được các tổ trưởng tiếp đón là cùng.
- Nghe bảo năm ngoái có trường khác kéo tới đây gây sự, phó tịch hội học sinh đã ra giải quyết bằng một câu nói đấy!
- Thật á? Ngầu thế!
- Phó tịch là trai hay gái?
- Gái, nhưng bà ý với tịch hội ít đến trường lắm! Đợt hai người mới vào hội học sinh còn rộ lên tin họ lập bẫy vu oan cho người khác.
- Xong sao?
- Không chứng minh được trong sạch, nhưng vẫn leo lên được cái chức to đùng kia ngồi. Mà nạn nhân cũng chuyển trường luôn!
- Eo... Thế sao mọi người vẫn tôn thờ hai người đó thế?
- Họ làm công tác chấp hành quá tốt, từ ngày lên chức điều hành trường tốt hẳn, các thầy cô không phải nhúng mũi vào tí nào. Hơn nữa tao nghe kể chỉ cần chủ tịch hội học sinh lừ mắt là không ai dám hó hé gì tới tin đồn nữa.
Mấy lời rì rầm bàn tán đập thẳng vào tai Ái Lạp. Con bé cảm thấy rất mới mẻ, lại có chút cười trên nỗi đau người khác. Thời còn học cấp II các câu chuyện bị mang ra đưa đây thường sẽ xoay quanh nó. Giờ thì tốt rồi, chỉ cần không làm gì quá đặc biệt thì sẽ không ai tò mò nhìn nó nữa.
Ái Lạp vui vẻ nín cười, Bảo nhìn thấy liền vô thức nhếch miệng theo.
- Cứ đà này thì kể cả bọn mình có chọn nhau thì cũng không ai bảo gì đâu.
Bảo thì thầm vào tai Ái Lạp. Con bé giật mình, bàn tay chặn ngang miệng Bảo, mày nhíu lại:
- Mày nói gì?
- Cái chuyện đó đó...
Vài dòng kí ức ngắn ngủi xẹt ngang qua đầu Ái Lạp. Nó cúi đầu xuống, giả vờ lật quyển sách trước mắt. Bảo nhịn cười, sự đắc ý hiện rõ trên khuôn mặt.
...
- Đợi đã!
Ái Lạp níu lấy gấu áo Bảo, khuôn mặt khẩn trương nhăn lại. Cái túi bóng bị nó giấu ra sau lưng, miệng há ra rồi khép vào mãi không nói thành lời.
- Gì nữa bà nội?
Bảo một tay che mặt, tay còn lại cố thoát khỏi móng vuốt của Ái Lạp. Cậu gằn giọng:
- Cút vào nhà vệ sinh nhanh mẹ đi!
- Mày... Tao... Tao không biết dùng cái này.
- Mày không biết?
Bảo to giọng, cậu nhìn con bé đối diện khó xử cúi thấp đầu, không chắc chắn hỏi lại:
- Vậy trước đây mày dùng cái gì? Đm nút bịt chai à??
- Trước đây tao chưa từng bị!
Ái Lạp thành thật, con ngươi Bảo càng mở lớn hơn. Cậu tính lại tuổi của hai đứa, lần đầu tiên mất bình tĩnh mà hét:
- Trịnh Gia Ái Lạp mày đùa tao à?! Mày 15 tuổi rồi, mày lớp 9 rồi, vài tháng nữa mày thi cấp III! Chưa từng bị cái cứt à? Dù mày không được dự lớp giáo dục giới tính, dù bố mày xé sách sinh của mày đi thì cô giáo trên bục giảng vẫn giảng hết bài cho mày cơ mà?
- Cô có dạy cách dùng cái này đâu!!!
- Được rồi từ từ đã.
Bảo hít một hơi, hành lang vắng tanh chỉ còn mỗi hai đứa. Trời tờ mờ tối, dưới sân không còn mống học sinh nào. Cậu mở điện thoại, miễn cưỡng lên mạng tìm cách dùng BVS rồi quẳng cả cái điện thoại cho Ái Lạp.
Tự nhiên yêu wikiHow chết đi sống lại.
Nó ngượng ngùng nhận lấy, song vẫn không chịu buông Bảo ra. Ái Lạp kéo Bảo đến tận cửa nhà vệ sinh nữ, dặn thật kĩ cậu phải đứng chờ ngoài này rồi mới đi vào.
Bảo đứng đợi 20 phút đồng hồ mới thấy bạn cùng bàn mò ra. Cậu thở hắt, buông lời trêu ghẹo cho bầu không khí đỡ kì quặc:
- Bé con của bố Sơn lớn thật rồi, sắp lấy chồng sinh con tới nơi.
- Sinh con cái khỉ mốc!
Ái Lạp mắng, Bảo tròn mắt nhìn nó bực bội vô cớ. Cậu vỗ về lưng Ái Lạp tỏ vẻ mày muốn sao cũng được, song vẫn không nhịn được hỏi:
- Sợ sinh hả?
Sợ thì mai sau lấy nhau không sinh con cũng được.
Ái Lạp lắc đầu nguầy nguậy, nhớ tới vài thứ, lí nhí nói:
- Sợ cái khác.
Bảo nghiêng đầu, nghĩ gì không rõ.
- Giờ mày còn bé, lớn hơn một chút sẽ không sợ nữa.
- Gì? Hôn nhau kinh bỏ mẹ!
Bảo ngẩn người, nhận ra mình với đối phương không nghĩ tới cùng một thứ, tai bất giác đỏ lên. Cậu quay mặt đi chỗ khác, to giọng:
- Điên thì phải điên vừa vừa thôi! Với cái tư duy đấy rồi mày sẽ ế tới già ranh con ạ. Bố mẹ mày sẽ buồn phát khóc mất thôi.
- Thà thế còn hơn.
Ái Lạp nghĩ gì đó, chắc sợ bố mẹ buồn nhiều hơn, buột miệng:
- Nếu bố mẹ tao thật sự phản đối, tao thà làm với mày...
Ái Lạp vội vã ngậm chặt mồm nhưng đã quá muộn, Bảo vẫn nghe thấy lời nó nói. Cậu hứm dài, đôi mắt híp lại và cái môi cong lên trông rất ngứa đòn.
- Trùng hợp quá, mày cũng là lựa chọn duy nhất của tao.
...
Ái Lạp gục mặt xuống bàn, bỏ ngoài tai âm thanh ồn ào ngày một lớn dần. Sắp tới giờ học, từng nhóm học sinh kéo nhau vào lớp. Gần sát giờ có 5 học sinh cùng nhau tới. Vừa nhìn thấy Ái Lạp mắt 5 đứa liền sáng rỡ, gọi rõ to ba tiếng "Trịnh tóc xoăn".
Âm thanh có chút quen thuộc khiến Ái Lạp ngẩng đầu lên. Vài khuôn mặt thấp thoáng trong tầm mắt, nó ngờ ngợ:
- Mấy đứa....
Tô Lịch?
- Hehe vui quá, bọn mình học cùng lớp nè!
Ái Lạp không nhớ rõ tên của mấy người này, chỉ nhớ trong đây có người từng tiếp quản vị trí thủ lĩnh xanh đỏ tím vàng gì đó bên cấp III Tô Lịch. Người bất ngờ nhất có lẽ là Quỳnh Giao. Con bé há mồm, ngạc nhiên hỏi:
- Trung? Huyền?
- Ừ bọn tao đây. Hầu hết cả lớp bọn tao đều đỗ trường này đấy, còn 5 đứa bọn tao thì vào lớp A với chúng mày này!
Nhóm Ái Lạp 4 người đưa mắt nhìn nhau, một từ "shock" không đủ để diễn tả cảm giác lúc này. Khi 4 đứa rời đi, học lực của lớp 8E bên Tô Lịch đúng là có tăng, nhưng không ngờ chúng nó lại quyết tâm thi vào trường.
- Giỏi đấy.
Cường khen ngợi, Trung liền gãi đầu cười hì hì. Cậu bạn thủ lĩnh đen tiền nhiệm dáo dác nhìn quanh lớp rồi kéo cả bọn chọn dãy ngay bên cạnh Ái Lạp để ngồi.
Quỳnh Giao cảm nhận bầu không khí trong lớp, bỗng chốc cảm thán trong lòng. Môi trường mới đúng là tốt thật. Ở đây có mấy vị đại ca đại tỷ, bên kia còn có mấy vị thủ lĩnh, thế mà mọi người vẫn tự nhiên dễ sợ. Quỳnh Giao hít hơi thật sâu, thở phào nhẹ nhõm.
Đối với học sinh cấp III Thanh Lịch, quyền lực tối cao vĩnh viễn thuộc về hội học sinh. Không cần biết nhóm Ái Lạp trước đây từng gây ra sóng gió gì, hay có ai làm mưa làm gió ở đâu, gặp hội học sinh là phải tắt điện hết.
Chủ nhiệm lớp vẫn là thầy giáo già dạy hồi học hè. Sau khi cho học sinh ổn định chỗ, thầy bắt đầu triển khai một số mục quan trọng. Thầy đặc biệt nhấn mạnh về buổi họp phụ huynh, tiếp đến là chuyện khai giảng.
- Cứ mỗi đợt khai giảng tới là các lớp đều phải chuẩn bị một tiết mục. Thông qua tổng duyệt, hội học sinh trường sẽ quyết định những tiết mục được biểu diễn vào buổi lễ. Khối 10 mới vào trường được đặc cách, các em có thể lựa chọn quyền tham gia.
Thầy cho cả lớp hẳn một tiết bàn bạc, đồng thời lập danh sách ứng cử cán sự lớp.
Quỳnh Giao đương nhiên đăng kí vị trí lớp trưởng. Trong lớp hiện tại đa phần là học sinh lớp A ở cấp II Thanh Lịch và mấy bạn học sinh giỏi thi đậu vào. Mọi người đều là người quen, nên chỉ có một bạn không học liên thông đăng kí cùng Quỳnh Giao.
Chỉ có một bạn nữ ứng chức lớp phó Văn – Thể - Mĩ. Bạn ăn chắc suất, tự tin bước lên bục kêu gọi cả lớp tham gia biểu diễn khai giảng:
- Việc tham gia những hoạt động kiểu này sẽ làm tăng tính đoàn kết trong tập thể lớp, tạo điều kiện cho mọi người làm quen nhanh hơn. Tội gì mà không tham gia ạ?
Bên dưới hưởng ứng vỗ tay rào rào. Cả lớp ngồi nghĩ xem nên tham gia tiết mục gì. Rốt cuộc vì trong lớp không ai biết hát nên mọi người phân vân giữa diễn kịch và nhảy múa tập thể.
- Thôi nhảy nhót gì, ngoại trừ mấy đứa nhảy đẹp thì toàn gà mờ, lên đấy khua tay thể nào cũng bị loại. Làm cái gì ăn chắc vào được buổi lễ, thế mới có kỉ niệm.
Ý kiến đưa ra không thể hợp lí hơn. Cuối cùng có người đề nghị diễn kịch theo một mẩu truyện ngắn của cậu ta. Cả lớp đọc lướt thấy cũng ổn nên chọn luôn.
- Lớp mình có ai biết đánh võ không?
- Cóooo....!
Gần nửa lớp đồng thanh hô lên, chỉ về nhóm Ái Lạp. Bốn đứa vốn chỉ định diễn vai quần chúng để hòa nhập với lớp thôi, thế mà lại bị gọi hồn lên hẳn vai chính.
Ngoài ra mấy đứa bên Tô Lịch cũng giơ tay góp vui. Nhưng trong những người được chọn chỉ có duy nhất Ái Lạp là con gái. Nó còn chẳng có cơ hội phản kháng, bị đẩy luôn lên vai chính số 2.
Kịch bản đại khái là kể về diễn biến tâm lí của một bạn gay. Từ bé bạn đã thích những thứ đáng yêu, nhưng bố mẹ cảm thấy không phù hợp với giới tính nên ép bạn đi học võ. Sau một trận cãi vã to với gia đình, nhân vật chính bỏ nhà ra đi và theo đuổi ước mơ trở thành người mẫu. Bạn chuyển giới và có một cuộc sống mới, song vẫn gặp khá nhiều khó khăn khi lăn lội trong giới người mẫu. Trong một lần công tác bạn gặp phải đồng nghiệp nữ đang bị quấy rối. Tức thì, nhân vật chính đã sử dụng những gì mình từng được học trừng trị tên quấy rối. Hành động được máy quay ẩn ghi lại được, mọi người bắt đầu lan truyền câu chuyện của bạn và bạn trở thành người cực kì thành công.
Có hai vai chính trong vở kịch này. Một là nam diễn vai chính nửa phân cảnh đầu, hai là nữ diễn vai chính sau khi chuyển giới.
- Mấu chốt của câu chuyện này không phải về LGBT, càng không phải về thị phi showbiz. Tôi muốn diễn viên phải thể hiện được mối quan hệ gia đình trong vở kịch này.
"Biên kịch" từ tốn giải thích. Điểm nhấn trong vở kịch là mối quan hệ giữa nhân vật chính với bố mẹ. Bố mẹ cậu ta là người của thế hệ cũ, dù họ không thể vượt qua định kiến thế hệ nhưng vẫn chấp nhận con người thật của con mình. Nhân vật chính ban đầu ghét bỏ lớp võ mà cậu ấy bắt buộc phải học, nhưng cuối cùng chính nó lại là thứ giải cứu và khiến nhân vật chính thành công.
Vì Cường và Bảo quá lạnh nhạt, không diễn được nét cá tính của nhân vật nên vai chính số 1 do thủ lĩnh đen Trung đảm nhiệm. Trừ nhóm Ái Lạp ra, mọi người trong lớp đều không biết mô hình rắc rối bên Tô Lịch. Tất cả đều bất ngờ khi Trung đánh đấm khá giỏi.
- Lớp này có bao nhiêu trai xinh gái đẹp cho hết lên diễn vai người mẫu quần chúng nhé!
- Rồi chọn xem ai diễn vai tên dê xồm nữa.
- Vai dê xồm phải chạm vào người bạn nữ thật thì không ổn đâu!
- Vậy cho con trai đóng vai bạn nữ bị quấy rối đi.
Mọi người bàn bạc rất hăng, bầu không khí hài hòa sôi nổi bao trùm cả lớp học. Ái Lạp bị bắt diễn cho lớp xem thử, miễn cưỡng xoay một vòng rồi đá chân trên không trung. Cả lớp ồ lên, bạn nam diễn vai tên quấy rối bắt đầu run sợ:
- Tao phải ăn cú đó thật à?
Người trong lớp cười rộ, an ủi cậu ta rằng không sao đâu, trước khi Ái Lạp kịp đánh tới thì giả vờ ngã lăn là được.
Tuy nhiên bản thân cậu bạn lại cho rằng thế thì giả trân quá, không thể hiện được độ ngầu của vai chính. Vậy nên mọi người quyết định sẽ buộc cho cậu ta hai cái nắp nồi ở hai bên mặt.
- Lắp cho nó cái mic, đến lúc Ái Lạp đá vào nắp nồi kêu coong một cái thì có mà cười ỉa!
- Không sao đâu, tao hứa sẽ đá nhẹ.
Ái Lạp an ủi cậu bạn, mọi chuyện nhanh chóng được chốt xong xuôi.
***
Văn phòng hội học sinh bật điều hòa mát lạnh. Cậu con trai ngồi vắt vẻo ở cái ghế chủ tịch, trên bàn xếp ngay ngắn các văn kiện khác nhau.
- Chắc kèo rồi đúng không? Con ranh đó là người bày ra một đống trò hồi cấp II phải không?
Thư viện, bùa yêu, chơi xấu hội thể thao, ..., tất cả chỉ để nhằm vào Ái Lạp.
- Vy từ trước khi Ái Lạp tới đã là chủ mưu của một đống hành động bất chính trong trường rồi. Nó làm tiền trên sự ngu ngơ của bọn trẻ con, mà mỗi năm lại có khác mánh khóe làm tiền khác nhau.
- Học sinh Thanh Lịch đa phần là con nhà giàu, số tiền được bố mẹ cho để tiêu vặt rất nhiều. Từ đó có thể áng chừng ra nhỏ này đã kiếm được bao nhiêu tiền.
- Đỗ Mai Vy, bố mẹ li dị rồi có cuộc sống mới, bỏ nó một mình và trợ cấp hàng tháng. Nó có bạn trai trông ngon nghẻ phết, nhưng tao tin là nó thích con Trinh lớp B.
- Trinh?
Trí ngẩng đầu, nắng bên ngoài cửa sổ chiếu vào làm một bên mắt anh sáng lên, biến thành màu sáng mờ.
- Trinh sao đỏ vu oan Ái Lạp lấy dây chuyền rồi bị Bảo đạp cho giữa canteen ấy!
An kiên nhẫn nhắc lại miền kí ức xa hoắc xa huơ, không hi vọng Trí sẽ nhớ.
- Nó thích Trinh, Trinh bị Bảo đánh, nó thù Bảo. Nhưng để tránh bị đoán ra thì nó nhắm vào Ái Lạp, người mà Bảo hết mực yêu quý. May mắn là lúc đó cùng khối có con bé Nim ghét Ái Lạp kinh khủng, nên nó dàn xếp để mọi đầu mối đều hướng về Nim.
Trí à dài, lẩm bẩm thuyết âm mưu kinh vl, mệt mỏi vươn vai. Kết thúc năm học vừa rồi Trí và An đã hợp sức cho Vy bay khỏi trường, mong rằng ba năm tới Ái Lạp sẽ không gặp phải drama gì quá đáng.
- Xong rồi, chuồn thôi hội phó!
Trí dẹp hết mấy tập tài liệu vào cặp, hất đầu ra hiệu với An. Anh vừa mở cửa, đám người ở ngoài đã vội vã chào hỏi. Bộ dạng cợt nhả của Trí bị thay thế, anh lạnh lùng gật đầu, dặn dò hội viên:
- Phòng tôi vừa dọn rồi, mọi người đừng vào nữa nhé.
- Vâng!
Cả văn phòng đồng thanh đáp. Có mấy tập tài liệu được chuyển tới tay An nhờ xét duyệt, An từ chối nhận, dặn lát chị sẽ xem. Mọi người nín thở nhường đường cho chủ tịch và phó chủ tịch hội học sinh. Chỉ khi hai người đi khỏi họ mới dám thở hắt, nháo nhào gọi điện báo tin cho bên ngoài:
- Tịch chuẩn bị đi qua lớp chúng mày, dọn vệ sinh đi!
- Này tao bảo, tịch chuẩn bị qua đấy. Bảo mấy đứa đang chơi điện thoại cất ngay mau lẹ!
- Ôi sao tôi phải làm việc với hai con quỷ này cơ chứ...
Thành viên hội học sinh lắc đầu than thở. Sau bao nhiêu chuyện, họ sợ hai người kia nhiều hơn là nể. Họ không dám tưởng tượng ra ai đó có thể nói chuyện bình thường với hai người kia.
- Cứ làm mặt lạnh rồi tự chơi với nhau, chẳng kết bạn gì cả.
Dẫu sau với bao nhiêu tin đồn xấu như thế, kết bạn được mới lạ. Huống hồ người bình thường đứng trước mặt hai người đó còn run chân, nói năng hỗn loạn. Chuyện tịch và phó tịch có bạn đúng là chuyện còn khó hơn lên trời!
- Liệu có ai trị được tịch với phó tịch không nhỉ? Chứ tao chết mất thôi...
- Bố mẹ hai người đó còn chưa chắc trị nổi. Nếu trong trường này có người dám trị, tao sẽ đi bằng đầu cho mày xem.
***