Trong phòng, những người đàn ông mặc toàn áo đỏ! Chưa bao giờ trong cuộc đời của Justine, cô ta lại ý thức rõ ràng sự thừa thãi của những người phụ nữ trong cuộc sống của một số đàn ông khi bước vào thế giới này. Justine vẫn mặc bộ đồ màu ôliu khi vừa đến La Mã. Dane thúc hối khiến Justine không kịp thay quần áo.
Trong cuộc gặp gỡ, Justine có dịp biết mặt Hồng Y Di Contini Verchese mà trước đây cô chỉ nghe nhắc đến tên. Khi cô quỳ gối xuống hôn chiếc nhẫn trên bàn tay nhăn nheo, ánh mắt Justine bất chợp gặp đôi mắt u buồn của Hồng Y và lạ lùng thay cô đọc thấy trong đó một thứ tình thương ở một người mà Justine chưa từng gặp. Từ năm mười lăm tuổi đến nay, Justine không có cảm tình với các Hồng Y qua hình ảnh một De Bricassart, vậy mà mới nhìn ông già này lần đầu, lòng cô đã cảm thấy được sưởi ấm.
Cũng trong buổi uống trà, Justine quen một nhân vật ngoài Giáo hội do Hồng Y Di Contini Verchese giới thiệu là người bạn rất tốt của ông, Herr Rainer Moerling Hartheim. Khi buổi uống trà tan, chính Rainer đề nghị đưa Justine về khách sạn sau khi xin phép Dane. Sau đó, anh ta lại tự nguyện làm người hộ tống cho Justine trong buổi tối đầu tiên Justine ở La Mã với lý do Dane bận không đưa chị đi chơi.
Rainer dáng người vạm vỡ, vai rộng và to, hai cánh tay dài như tay của thợ cắt lông cừu, trông anh ta hơi giống con vượn nhưng thông minh và nhanh nhẹn. Nước da Rainer sậm, tóc dày và dợn sóng.
Biết bao biến cố đã xảy ra trong cuộc đời của Rainer Moerling Hartheim từ sau lần gặp Ralph tháng bảy năm bốn mươi ba. Một tuần sau, đơn vị của anh bị đưa ra mặt trận phía Đông, nơi mà anh trải qua suốt thời gian còn lại trong chiến tranh. Đau khổ, lạc lõng, chân đứng trong tuyết, không còn đạn ở một chiến tuyến tan tác đến đỗi cách nhau cả trăm mét mới có một người lính, anh có đủ thời giờ để nghiền ngẫm các hậu quả của chế độ Hitler. Trước chiến tranh bùng nổ, anh còn quá trẻ để bị tuyển vào tổ chức thanh niên của Quốc xã.
Chiến tranh chỉ để lại cho anh hai kỷ niệm: một cuộc hành quân khốc liệt trong giá lạnh cũng khốc liệt không kém và gương mặt của Ralph. Sự ghê tởm và cái đẹp; ác quỷ và Chúa.
Nửa điên nửa khùng, nửa bị cóng rét, hoàn toàn không còn khả năng tự vệ, anh run sợ chờ đợi các du kích Nga xuất hiện. Anh đấm tay vào ngực, miệng lâm râm đọc kinh, nhưng anh không biết anh cầu nguyện gì.
Mùa xuân năm 1945, anh tháo chạy xuyên qua Ba Lan, với mục đích duy nhất đến được vùng lính Anh và lính Pháp chiếm đóng. Anh xé và đốt giấy tờ tùy thân, chôn hai huy chương chữ thập sắt, đánh cắp vài bộ quần áo và ra trình diện với giới chức trách Anh tại biên giới Đan Mạch. Người ta đẩy anh và một trại di dân ở Bỉ. Tại đó, suốt một năm, anh sống bằng bánh mì với cháo bột, đó là tất cả những gì mà nước Anh kiệt quệ có thể cung cấp nuôi hàng chục ngàn con người họ có trách nhiệm gánh vác.
Rainer căm thù Hitler nhưng không căm thù nước Đức và anh không hề thấy nhục vì mình là người Đức. Dưới mắt anh, nước Đức vẫn là quê hương. Đầu năm 1947, anh rảo bước trên các con đường ở Aachen không một xu dính túi. Thân xác và cả tâm hồn anh đều sống sót nhưng nhất định không phải để trở lại sự nghèo đói và tối tăm. Vì rằng Rainer không chỉ là một con người đầy tham vọng mà còn là một loại thiên tài. Anh làm việc cho Grundig và nghiên cứu một thứ đã làm anh say mê từ những ngày đầu tiếp xúc với rada, đó là điện tử. Đầu của anh ngùn ngụt sáng kiến, nhưng anh từ chối bán những sang kiến đó cho Grundig. Thay vào đó, anh đánh giá kỹ thị trường, rồi cưới một góa phụ trước đây có chồng làm chủ hai xưởng nhỏ về radio, từ đó anh lao vào làm ăn cho riêng mình. Nước Đức sau chiến tranh dành vô số cơ hội cho những người trẻ dám nghĩ dám làm.
Năm năm mươi mốt, anh ly dị vợ, bồi thường cho bà Annelise Hartheim số tiền gấp đôi trị giá các xưởng của ông chồng thứ nhất để lại.
Bốn năm sau anh trở thành một trong những người giàu và có thế lực nhất ở Tây Đức. Vừa được bầu vào Quốc hội Bonn, anh trở lại La Mã, tìm gặp lại Hồng Y Bricassart và cho ông biết kết quả cuối cùng của những lời cầu nguyện năm xưa.
Nhưng sau cuộc gặp gỡ, anh chỉ nhớ lại một điều duy nhất là anh đã làm Ralph thất vọng. Câu nói của Ralph với Rainer khi chia tay:
- Cha đã cầu nguyện để con trở thành người tốt hơn cha, vì lúc đó con còn trẻ. Không có một cứu cách nào có thể biện minh cho phương tiện. Nhưng cha cho rằng tất cả những nguyên nhân đưa đến sự sụp đổ của chúng ta đều được nén xuống trước khi chúng ta chào đời.
Về đến phòng khách sạn, anh đã khóc nhưng rồi dịu xuống với suy nghĩ: quá khứ coi như đã đi qua, từ nay về sau mình sẽ trở thành con người mà ông ấy muốn. Và có khi anh làm được, có khi không thành, nhưng anh luôn nỗ lực. Tình cảm của anh với các vị chức sắc ở Vatican trở thành một trong những điều quí giá nhất trên đời và mỗi khi cần chống chỏi lại sự chán nản là anh bay sang La Mã.
Trong buổi tối nóng nực của La Mã, đi bộ một mình sau khi đã đưa Justine về khách sạn, đầu óc Rainer lảng vảng ý nghĩ biết ơn người thiếu nữ. Vì rằng, trong lúc quan sát thái độ chịu đựng của Justine trong cuộc gặp gỡ các chức sắc cao nhất trong giáo hội, anh đã nghe trong lòng dân lên một tình cảm hướng về cô gái này.
Con quái vật nhỏ bé đáng yêu ấy, dù bị thương, đầu vẫn giữ bình tĩnh. Người con gái ấy đủ sức đối đầu với các vị chức sắc mà không hề nhường bước.
Trong một lần đi dạo ở La Mã, đứng trước đài nước Trevi, Justine hỏi Rainer:
- Rain, anh có đến Úc lần nào chưa?
Một cảm giác lạnh chạy dài xuống xương sống của Rainer:
- Sau chiến tranh, ở trong trại người Anh quản lý có hai lần tôi suýt bị đưa đi Úc, nhưng cả hai lần tôi đều tránh được. Nhưng tại sao Justine lại gọi tôi là Rain?
- Nếu anh đã đến Úc, anh sẽ hiểu rằng anh có một cái tên kỳ diệu và người ta sẽ gọi anh theo cách của tôi. Rain chứ không phải Rainer. Anh biết rõ tiếng Anh Rain có nghĩa là mưa. Đó là sự sống giữa sa mạc.
Sững sờ, anh buông rơi điếu thuốc.
- Justine, có phải cô yêu tôi?
- Đàn ông bọn anh thật là kiêu ngạo. Rất tiếc phải làm anh thất vọng, nhưng chuyện ấy không có.
Như để làm dịu lại những điều đã lỡ nói ra, nàng nắm tay Rainer siết mạnh và nói:
- Dường như giữa chúng ta có điều gì đó hay hơn.
- Điều gì lại hay hơn là yêu?
- Theo tôi, có nhiều thứ. Tôi cần một người như thế và không bao giờ yêu.
- Rất có thể cô có lý. Rõ ràng đó là thứ xiềng xích nếu nó đến quá sớm. Vậy thì cái gì hay hơn?
- Tìm một người bạn (nàng vuốt nhẹ tay Rainer). Anh là một người bạn của tôi phải không?
Lần này, không phải Dane chờ Justine ở nhà ga như những lần trước. Anh rút lại, để cho Rainer thay mình. Rainer không đón mừng Justine bằng một cái hôn - Anh không thích cái trò biểu diễn kiểu ấy - mà vòng tay qua vai Justine và siết mạnh.
- Anh giống hệt con gấu, Justine nhận xét.
- Con gấu?
- Lúc đầu khi mới biết anh, em thấy anh giống con khỉ Gorilla hơn là con gấu. So sánh con khỉ Gorilla xem ra không được dễ thương phải không anh?
- Vậy là con gấu dễ thương hơn?
- Thật ra loài gấu cũng kết liễu cuộc đời nạn nhân của nó rất mạnh, nhưng chúng siết... dịu dàng hơn (Justine nắm tay Rainer). Dane thế nào?
- Dane vẫn thế.
- Em ăn mặc theo thời trang kiểu ba mươi mốt của em. Em đã phải lùng sục tất cả các hiệu may ở Luân Đôn mới có được cái vỏ thế này. Anh có thích chiếc váy này không? Người ta gọi nó là mini.
- Em đi nhanh tới trước rồi anh sẽ trả lời.
Chiếc váy dài không quá nửa đùi. Đi trở ngược lại về phía Rainer, nàng hỏi.
- Anh thấy thế nào? Có quá đáng không? Em nhận thấy ở Paris các cô không mặc ngắn như thế này.
- Với đôi chân đẹp như chân em, mặc một chiếc váy dài hơn một li nữa là gây ra xì-căng- đan ngay. Anh tin chắc rằng thanh niên ở đây đều đồng ý với anh.
- Anh chọc ghẹo em phải không? - nàng vứa nói lí nhí, chân bước lên chiếc Mercedes có cắm lá cờ ở phía trước đầu xe. Cờ gì thế?
- Anh vừa được bổ nhiệm vào thành phần chính phủ mới.
- Do đó không còn đáng ngạc nhiên về việc tên em được nhắc đến trong một bài báo trên tờ News of the World. Anh có đọc bài báo đó chứ?
- Em dư biết anh không bao giờ đọc loại báo lá cải.
- Em cũng vậy. Nhưng một người nào đó đã đưa cho em xem. Tờ báo đặt câu hỏi: Cô đào nước Úc ăn khách tóc màu carot có những quan hệ mật thiết với một thành viên của chính phủ Tây Đức là ai?
Rainer không trả lời chỉ mỉm cười. Đi chơi bằng xe hơi với Rainer là một trong những phút êm đềm đối với Justine ở La Mã. Sau đó họ đi thăm Hồng Y De Bricassart và Hồng Y Di Contini Verchese. Vài ngày sau đến phiên đoàn người từ Drogheda đến. Rainer mướn một xe nhỏ sang trọng đón họ về khách sạn. Justine kín đáo theo dõi phản ứng của Rainer khi đối diện với gia đình nàng gồm chủ yếu các người cậu. Cho đến phút cuối cùng Justine vẫn còn hy vọng mẹ nàng sẽ thay đổi ý kiến đến La Mã. Meggie vắng mặt gây cho Justine sự khó chịu. Tuy không phân tích được chính xác tâm trạng của mình: đau buồn cho Dane hay sự vắng mặt của mẹ gây buồn khổ cho chính nàng. Nhưng dù thế nào, những người cậu đã đến và nàng có trách nhiệm tiếp họ.
Ồ! Họ rụt rè làm sao! Khó mà phân biệt bởi càng già họ lại càng giống nhau. Tại La Mã, họ hoàn toàn khác với xung quanh, đúng là những nhà chăn nuôi Úc đi nghỉ hè ở La Mã. Cuối cùng Rainer đã có mặt. Anh ấy tỏ ra rất tốt đối với họ. Mình chưa từng thấy ai có thể gợi chuyện được với Patsy, thế mà anh ấy làm được. Anh quả là một ẩn số đối với em, Rainer, bạn của Hồng Y và cũng là bạn của Justine O'' Neill. Phải chi anh ấy bớt xấu trai một tí, mình sẽ hôn anh ấy cho đúng với lòng biết ơn của mình. Chúa ơi, bây giờ mới thấy nếu ở La Mã một mình với các ông cậu mà không có Rain thì sẽ vơ vơ biết chừng nào. Rainer ơi... đúng là anh mang đến sự tốt lành như cơn mưa.
Nhà thờ có thể chứa đến hai ngàn con chiên, do đó vẫn còn chỗ trống. Không một nơi nào trên thế giới người ta lại dành nhiều thì giờ, suy nghĩ và sáng tạo như thế cho việc xây dựng một thánh đường. Các công trình ngoài tôn giáo thời thượng cổ đều trở thành vô nghĩa. Đại giáo đường của Bramante, nóc tròn của Michelangelo, hàng cột của Bernini. Đó không chỉ là công trình cung hiến cho Chúa mà còn để ngợi ca con người.
Trong lễ thụ phong linh mục, Dane nằm dài trên các bậc, mặt úp xuống, như người chết. Anh đang nghĩ gì? Ẩn giấu trong một niềm đau sâu kín vì mẹ anh đã không đến? Hồng Y De Bricassart nhìn anh qua hàng nước mắt và hiểu rằng không có nỗi đau nào giày xéo anh hơn. Thân xác anh lúc này như hòa nhập trong phép lạ. Không còn một chỗ nào dành cho bất cứ điều gì và ai khác hơn là Chúa. Một ngày như mọi ngày, không có gì quan trọng hơn là nhiệm vụ phải hoàn thành, đó là hiến dâng cuộc sống và linh hồn cho Chúa. Rất có thể anh sẽ đạt mục đích nhưng liệu rằng mấy người thật sự đạt mục đích này? Hồng Y De Bricassart thì không rồi, dù ông nhớ rất rõ ngày thụ phong ông như ngập tràn trong một sự lo nghĩ thần thánh. ông đã thử vận dụng tất cả những gì có thể rung động ở trong ông lúc ấy, những ông vẫn không thể hóa thân một cách trọn vẹn.
Lễ tấn chức linh mục của mình không long trọng bằng hôm nay nhưng qua người bạn trẻ này mình thấy lại cái ngày đó. Mình phải tự hỏi đích thật anh ta là ai, bất kể những lo âu của mình, anh ta đã trải qua bao nhiêu năm dài ở đây mà không gây ra một mối ác cảm nào, đừng nói chi là một kẻ thù thật sự. Anh được mọi người thương và anh thương mọi người. Vậy mà không bao giờ anh ta nghĩ đó là một điều phi thường.
Khi anh mới đến đây, Dane thiếu tự tin; chính chúng mình đã mang đến cho anh cái ân sủng ấy, rất có thể điều đó chứng minh sự hiện hữu cần thiết của chúng mình. Có rất nhiều linh mục được phong chức ở đây, có hàng ngàn, hàng ngàn. Tuy nhiên với Ralph, buổi lễ này thật đặc biệt. Meggie ơi! Tại sao em không đến đây để ngắm nhìn tặng vật em đã hiến dâng cho Chúa? Tặng vật mà anh không thể hiến dâng cho Người khi bản thân anh đã hiến dâng.
Một lúc sau, ông quay đầu lại, nhìn thấy hàng ghế dành cho những người ở Drogheda đến trong những bộ quần áo khác thường: Bob, Jack, Hughie, Jims, Patsỵ Một ghế trống của Meggie, rồi đến Frank. Justine với mái tóc rực rỡ che khuất dưới cái khăn vuông đăng ten đen là người phụ nữ duy nhất trong dòng họ Cleary đến đây. Rainer ngồi kế bên nàng.
Ngày hôm nay, hoàn toàn khác; ngày hôm nay, một ngày đặc biệt đối với ông. Hôm nay, gần như ông có cảm giác là chính ông đã cho ra đời một đứa con trai. ông mỉm cười và thở dài. Hồng Y Di Contini Verchese đã cảm nhận gì khi phong chức linh mục cho Danẻ Dane rất đau khổ vì mẹ anh khống đến La Mã nhưng anh không buồn giận mẹ vì anh tin rằng có một nguyên nhân nào đó mà anh chưa rõ, anh sẽ về Drogheda hỏi cho biết. Dane có đúng thai tháng để tự do suy nghĩ sẽ làm gì. Anh có ý định về Drogheda, trong những lúc phi ngựa qua các bãi chăn cừu, anh sẽ suy nghĩ thật chín chắn vấn đề ấy. Anh cảm thấy rằng không thể lấy quyết định trước khi trao đổi với mẹ. Nhưng trước đó, khi gặp mẹ anh sẽ nói thế nào? Anh cần tập trung can đảm trước khi trở về. Dane rủ Justine cùng đi Hy Lạp nghỉ ngơi trong mười lăm ngày, hy vọng Justine sẽ có cách làm cho Dane thêm can đảm để lên máy bay về Drogheda gặp mẹ.
Lúc đầu Justine đồng ý với Dane và thỏa thuận với Rainer là trong khi nàng đi Hy Lạp thì Rainer trở về với công việc của anh ta ở Bonn. Nhưng cuộc chia tay giữa Rainer và Justine không suôn sẻ. Rainer chờ đến bảy năm quen nhau để tỏ tình với Justine nhưng vẫn bị Justine từ chối. Rainer chờ lâu đến như thế vì anh không tự tin, biết mình xấu trai và dư biết người mình yêu bất cần tiền bạc lẫn địa vị. Justine từ chối vì trước hết đối với nàng, tình yêu là sự tước đoạt, gia đình là sự chấm dứt tự do. Vả lại nàng chưa tin chắc là nàng yêu Rainer.
Nhưng khi Rainer đi rồi, còn lại một mình trong phòng khách sạn, nàng mới nhận ra sự trống vắng khủng khiếp trong lòng.
Quái quỷ nữa là chạm mặt ông cậu nào họ cũng hỏi Rainer đâu.
- Rainer là một tay tuyệt lắm, Hughie nói, đôi mắt sáng lên.
Kinh ngạc, bỗng chốc Justine hiểu rằng tại sao trong những ngày qua nàng được các ông cậu quan tâm đến thế. Trước kia giữa các ông cậu và nàng gần như không có một dính dấp nào. Dưới mắt các ông, nàng trở nên quan trọng chỉ vì nàng đã gắn với một người đàn ông mà các ông đón nhận làm thành viên của gia đình.
Trở lên phòng, đầu óc nàng quay cuồng. Đúng là Rainer yêu mình.
Nhưng khi nàng muốn gặp Rainer qua điện thoại thì cô phụ trách tổng đài cho biết Rainer đã rời khách sạn đi Bonn. Justine quyết định không đi Hy Lạp với Dane và tin rằng Dane sẽ hiểu nàng. Dane vẫn muốn nàng lấy Rainer làm chồng.
Rainer thân mến của em (bức thư ngắn bắt đầu như thế), em rất ân hận tối hôm đó đã trốn chạy anh như một con dê cái hốt hoảng; em không hiểu em đã mắc chứng gì. Có lẽ do một ngày mệt mỏi và bao nhiêu chuyện tiếp đó. Em mong anh tha lỗi cho cách xử sự rất thiếu tế nhị của em. Em thấy mắc cỡ vì một chuyện không đáng gì. Vì em nghĩ rằng buổi lễ và những việc tiếp đó cũng làm cho chính anh mỏi mệt, từ đó mà có lời tỏ tình của anh. Cho nên, em đề nghị: xin lỗi anh và về phía em, em cũng tha thứ cho anh. Chúng ta vẫn là bạn với nhau, em mong như thế. Em không thể nào chịu đựng sự lạnh nhạt với anh. Lần sau anh đến Luân Đôn, em chờ anh cùng ăn tối tại nhà em và chúng ta sẽ lập lại hiệp ước hòa bình theo nghi thức hẳn hoi.
Như mọi khi, dưới bức thư ký Justine. Nhận được thư, Rainer nhíu mày suy nghĩ, cố tìm hiểu ý nghĩa thật của những dòng chữ tầm thường được viết vội vàng. Không thể chối cãi, đó là lời kêu gọi thân thiện, nhưng ngoài ra còn gì nữa? Tại sao Justine không đi Hy Lạp với Dane mà lại quay trở về Luân Đôn? Rainer không dám tin rằng Justine thay đổi quyết định vì anh, nhưng anh vẫn để hy vọng len vào trong tâm tư.
Chiều thứ bảy, Rainer từ Bonn đến La Mã và trình diện với Justine tại nhà nàng. Cuộc gặp gỡ lần này kết thúc trên giường.
Sáng hôm sau, Justine thú nhận:
- Em trở về Luân Đôn để nhận vai Desdemona nhưng mặt khác cũng vì anh. Em không thể nào sống bình thường được từ khi anh hôn em ở La Mã, anh dư biết điều ấy. Anh là một con người rất thông minh, Rainer Moerling Hertheim.
- Vừa đủ thông minh để rằng anh muốn em làm vợ ngay từ khi anh mới gặp em.
- Làm vợ? Nàng bật dậy hỏi.
- Vâng, làm vợ. Nếu anh có ý định lấy em làm tình nhân thì anh đã chiếm đoạt em từ nhiều năm. Anh hoàn toàn có khả năng làm việc đó. Anh biết bộ óc của em vận hành như thế nào; cũng tương đối dễ thôi. Chỉ có một lý do duy nhất ngăn chặn anh, đó là vì anh muốn lấy em làm vợ, mặc dù lúc đó anh vẫn biết em chưa có ý định lấy chồng.
- Bây giờ em vẫn không chắc có ý định ấy.
- Justine, không phải một trò đùa đâu và anh không phải là một người đàn ông để người khác đùa giỡn. Chúng ta có thời giờ để suy nghĩ. Hơn ai hết em biết anh kiên nhẫn như thế nào. Riêng về phía em, phải thấy rằng đám cưới là giải pháp duy nhất mà em có thể chọn lựa. Hãy loại ra khỏi đầu em bất cứ ý tưởng nào khác. Anh không chấp nhận giữ vai trò nào khác bên cạnh em ngoài vai trò làm chồng.
- Em sẽ không bao giờ chịu rời bỏ sân khấu! Justine hét to lên, như sẵn sàng gây chuyện.
- Anh đòi hỏi chuyện đó bao giờ? Đã đến lúc em phải khôn lớn lên chớ Justine. Mới thoạt nghe em, người ta tưởng anh định kết án chung thân em trong vai nội trợ và bếp núc. Chúng ta không nghèo khó đến thế đâu. Em có thể sử dụng bao nhiều người phục vụ tùy ý em, những vú em cho các con và tất cả những gì em muốn.
- Không đâu! Justine kêu lên. Nàng chưa nghĩ đến chuyện con cái.
Rainer cười ngất.
- Ồ! Đây đúng là cái mà người ta gọi là sự phục thù của sáng ngày hôm sau! Anh lại hành động như một thằng ngốc đặt em quá đột ngột trước những thực tế. Nhưng lúc này đây anh chỉ yêu cầu em hãy nghĩ đến chuyện đó. Tuy nhiên, anh báo trước với em... Khi quyết định, em đừng quên rằng nếu anh không làm chồng em, thì anh cũng không là gì hết.
Nàng choàng hai tay lên cổ Rainer, bám chặt người anh như khống muốn buông ra.
- Ồ! Rainer! Anh đừng gây cho em nhiều khó khăn như thế!
Một mình lái chiếc xe đua Lagonda, Dane đi qua vùng Đông Bắc nước Ý, ghé lại Trieste - thành phố mà anh rất thích - hai ngày, nghỉ ngơi bên bờ biển Adriatic rồi tiếp tục cuộc hành trình vào lãnh thổ Nam Tư. Từ đây anh đến biên giới Hy Lạp, đi vào thị trấn Evzone giữa lúc đất nước này đang sôi sục không khí cách mạng. Tại thị trấn Evzone ban đêm hàng ngàn ngọn đuốc cháy đỏ rực, đám đông hô to từng lúc Pap-andre-ou! Pap-andre-ou!
Nóng lòng đến Athenes sớm, anh không dừng trạm nào lâu. Tại thủ đô Hy Lạp, không khí còn sôi sục hơn, dân chúng quyết tâm ủng hộ Papandreou lên nắm quyền. Dane không thích sự ồn ào, anh gởi chiếc Lagonda vào một gara và lên tàu đi ra đảo Crete. Nơi đây, giữa những cây ôliu, cây bách lý hương hoang dại và giữa núi non, Dane tìm được sự yên tĩnh. Anh mướn một phòng nhỏ ở một quán trọ quét vôi màu trắng. Buổi trưa chỉ có tiếng ve kêu.
Trong sự im vắng của sáng hừng đông, Dane làm lễ một mình, sau đó đi dạo cả ngày. Không ai quấy rầy anh và anh không quấy rầy ai. Nhưng trên đường đi qua, những cặp mắt u buồn của người dân quê ở đảo tò mò nhìn theo anh và trên mặt nhăn nheo của họ cũng có những nụ cười. Trời nóng, tất cả nghe yên tĩnh và uể oải.
Âm thầm, Dane cầu nguyện trong trạng thái xúc động. Lạy Chúa! Người đã ban phúc cho con hơn những gì con xứng đáng. Con phải làm gì cho Người để bày tỏ với Người sự biết ơn của con? Con chưa trải qua nhiều đau khổ, cuộc đời con chỉ là một niềm vui dài, vô tận, từ khi con bắt đầu phụng sự. Vì Người, con phải khổ đau. Người biết điều ấy vì người đã khổ đau. Chỉ qua sự đau khổ con mới có thể vượt lên trên chính bản thân mình và hiểu được Người hơn. Thế mới là ý nghĩa của cuộc đời này: một giai đoạn chuyển tiếp đưa đến sự cảm thông huyền bí của Người. Hãy cắm ngọn giáo vào lòng ngực con, đâm sâu đến mức con không thể rút ra. Hãy làm cho con đau khổ... Vì Người, con từ bỏ mọi kẻ khác, kể cả mẹ con, chị con và đức Hồng Y. Duy nhất Người là niềm đau và cũng là niêm vui của con. Hãy lăng nhục con và con sẽ hát lên những lời tán tụng Người. Hãy tiêu diệt con và con sẽ mãn nguyện. Con yêu Người, một mình Người mà thôi.
Dane xuống một bãi nhỏ mà mấy ngày qua anh vẫn thường tắm. Có hai thanh niên người Anh nằm phơi nắng, người đỏ như tôm luộc, họ nói chuyện với nhau giọng Oxford; cách xa một chút, hai cô gái đang trao đổi với nhau một cách lười biếng bằng tiếng Đức.
Dane nhìn về phía hai cô gái, hơi rụt rè, sửa lại cái quần tắm ngay ngắn. Hai cô gái ngưng không nói chuyện với nhau, ngồi bật dậy chỉnh lại mái tóc rồi mỉm cười với Dane.
- Chào các anh. Hôm nay thế nào? Dane quen mặt hai anh chàng thanh niên này, không ngày nào thiếu mặt họ ở bãi.
- Tuyệt vời, ông bạn! Nhưng hãy coi chừng nước xoáy... Tụi này không dám tắm. Chắc là có bão đâu đó ở ngoài khơi.
- Cảm ơn bạn, Dane cười đáp lại.
Anh chạy ra hướng những đợt sóng nhỏ đang vỗ nhẹ vào bờ hiền hòa, rồi với sự tự tin của một tay bơi giỏi anh phóng người xuống nước.
Kinh ngạc! Mặt nước phẳng lặng đến mức Dane không nghĩ rằng phải tìm cách chống chỏi lại với dòng nước mạnh kéo rút hai chân anh ở phía dưới. Tuy nhiên chẳng có gì đáng lo ngại, Dane là một tay bơi cừ. Đầu nghiêng phân nửa dưới nước, anh rẽ sóng một cách thong thả, tận hưởng cái mát rượi thấm vào da thịt và cảm giác thoải mái hoàn toàn. Khi anh ngừng bơi, nhìn lên bờ, thì hai cô gái Đức vừa cột chặt xong mũ giữ cho tóc không ướt, đang cười giỡn chạy xuống nước.
Dane dùng hai bàn tay làm loa hét to bằng tiếng Đức báo cho hai người không nên ra xa, coi chừng nước rút. Hai cô gái cười vang ra hiệu với Dane là đã hiểu. Ngả đầu phân nửa dưới nước, anh lại tiếp tục bơi và hình như bên tai nghe một tiếng kêu cứu. Anh tiếp tục bơi một đoạn rồi dừng lại, dùng hai chân đạp nước đứng tại chỗ. Đúng là có tiếng ai kêu cứu. Quay đầu lại, anh thấy hai cô gái đang chới với, hoảng hốt, miệng hét liên tục. Tay đưa cao lên, một trong hai người đang chìm xuống.
Anh bơi nhanh đến. Những cánh tay cuống cuồng chụp lấy anh, kéo anh và nhận chìm xuống; anh tìm được cách kèm chặt một người và đánh một cú đấm vào cằm; tiếp đó anh dùng đâu gối thúc mạnh vào xương sống người kia khiến cô này cũng choáng váng. Anh bơi ngửa kéo cùng lúc hai người - giờ đây không vùng vẫy nữa, lần vào trong cạn. Lúc đó mới thấy hai thanh niên người Anh xuất hiện, tiếp tay đưa hai cô gái Đức lên bãi cát. Dù mệt nhừ người, Dane vẫn mỉm cười. Phần của anh đã xong, bây giờ đến phần của hai anh chàng người Anh. Trong khi anh thả người trên mặt nước để nghỉ mệt, dòng nước lại cuốn rút anh một lần nữa. Hai châm anh không chạm được đất, suýt nữa anh gặp nạn. Nếu không có anh, hai cô gái Đức chắc chắn đã bị chết đuối; mấy thanh niên Anh không đủ sức và cũng không được tập dợt đầy đủ để cứu hai người.
Giữa lúc Dane thả nổi trên mặt nước, đột ngột một cơn đau nhói như có gì nổ tung lồng ngực, cảm giác đau nhức khủng khiếp như có một ngọn giáo, một cây lao nướng đỏ cắm thẳng vào tim. Đau đớn không thể chịu nổi, xé cả ruột gan. Anh thét lên, đưa hai tay cao khỏi đầu, toàn thân cứng lại, bắp thịt co giật; cơn đau càng dữ dội buộc anh hạ hai tay xuống, đan chéo nhau ôm lấy ngực, hai đầu gối rút lên bụng. Ôi, tim tôi! Tôi bị một cơn đau tim. Tôi sắp chết! Tôi không muốn chết đâu! Chưa muốn chết trước khi tôi bắt đầu nhiệm vụ, khi mà tôi chưa kịp có những thử thách. Chúa nhân từ hãy cứu con! Con không muốn chết, con không muốn chết.
Những cơn co giật thưa dần, người mềm ra, Dane nằm ngửa, hai cánh tay giang rộng phập phồng trên mặt nước. Xuyên qua hai hàng lông mi ướt đẫm, anh nhìn vòm trời ở xa, thật xa trên cao, thật cao. Thế là đã kết thúc; đúng là ngọn lao của Người, ngọn lao mà lòng kiêu hãnh của con đã van xin Người ban cho cách đây không đầy một tiếng đồng hồ. Hãy cho con một đặc ân được đau đớn. Người hãy làm cho con đau đớn. Bây giờ khi sự đau đớn xuất hiện, con lại cưỡng lại, không tận hưởng được tình yêu trọn vẹn. Chúa nhân từ, nỗi đau của Người! Con phải đón lấy, con không được chống lại, con không được chống lại ý muốn của Người! Nếu đó là ý muốn của Chúa thì ý muốn của Người đã được thực hiện. Như một đứa trẻ, con xin trao thân này trong vòng tay hộ mệnh của Người. Người vô cùng nhân đức đối với con. Tại sao Người ban cho con nhiều thế trong khi con không xứng đáng nhận những ân sủng của Người? Sự đau đớn, sự đau đớn! Người vô cùng nhân từ đối với con. Người đừng để kéo dài, con van xin Người. Sự đau khổ của con sẽ ngắn và nhanh chóng kết thúc. Chẳng bao lâu con sẽ nhìn được mặt Người, nhưng bây giờ, trong khi con còn ở cõi đời này, con cảm ơn Người. Sự đau khổ! Đức Chúa Trời hiền lành của con. Người quá nhân từ đối với con. Con yêu Người!
... Hai thanh niên người Anh báo với một căn cứ không quân Mỹ đóng gần đó tìm kiếm Dane. Xác của Dane được mang vào bờ lúc năm giờ chiều, phân nửa mặt trời khuất sau vách đá.
Qua sổ thông hành của Dane, người ta đọc thấy nơi ghi thân nhân gần nhất địa chỉ của Justine tại Anh.