Trại Hoa Vàng

Chương 3



Từ khi "giải phóng" được chiếc huy Chương Vàng ra khỏi bàn tay hắc ám của ba tôi, tôi bắt đầu chiến dịch "đền ơn đáp nghĩa". Bạn bè tôi, mỗi đứa được cỡi chiếc Huy Chương Vàng ba mươi phút lấy le. Dĩ nhiên, Phú ghẻ, và Cường được ưu tiên, kế đến là những đứa khác.

 

Tôi không muốn làm cho ba mẹ tôi đau khổ nên hẹn tụi bạn xuống bờ sông. Trước khi đưa xe cho tụi nó "thử", tôi nhắc chằm chặp:

 

- Nhớ chạy đúng nửa tiếng nghe chưa! Lố một phút là không có lần thứ hai đâu đấy!

 

Chưa yên tâm, lúc Phú ghẻ phóc lên yên tôi bắt thằng Cường lấy xe đạp của nó chở tôi chạy theo. Ngồi sau lưng Cường chốc chốc tôi lại thò đầu ra nhắc cầm chừng:

 

- Mày đạp nhè nhẹ thôi! Đạp mạnh, gãy pê-đan tao bây giờ!

 

Phú ghẻ là thằng bạn ác ôn. Mặc cho tôi xót ruột, nó cứ phóng thục mạng như bị ma đuổi. Lại còn mở miệng chế giễu:

 

- Gãy sao được mà gãy! Đúng là nhà nghèo xót của!

 

Nhưng Phú ghẻ dù sao cũng còn đỡ. Thằng Cường mới làm tôi đứng tim. Nó cỡi chiếc Huy Chương Vàng như cao bồi Texas cỡi ngựa, cái mông sụm yên xe. Đã vậy, hễ gặp tụi con gái đi ngang là nó buông hai tay làm xiếc khiến tôi phải la oai oái:

 

- Thằng ngu! Té gãy cổ bây giờ!

 

Đang biểu diễn bị mất trớn, Cường ngoái đầu lại, sửng cồ:

 

- Cái thằng đầu bò này, mày có im miệng đi không!

 

Khi ngoảnh cổ lại, Cường vẫn chẳng thèm cầm lấy ghi đông. Thấy chiếc xe không người lái cứ lao vun vút, tôi hãi quá không dám ngoác mồm chửi nó nữa, mặc dù nó bắt chước ba tôi mắng tôi là "thằng đầu bò" khiến tôi muốn sôi gan.

 

Sau thằng Cường, tới những đứa khác, toàn lũ bạn trời đánh. Hễ "chớp" được chiếc Huy Chương Vàng, đứa nào đứa nấy đều cong lưng phóng bất kể sống chết. Suốt buổi hôm đó, tim tôi giật thon thót, phần sợ tụi nó húc phải cột đèn, phần sợ đứa nào đó cao hứng lượn ngang trước hẻm nhà tôi. Ba mẹ tôi mà biết được tôi đem món đồ gia bảo này đưa cho mấy "thằng bạn ăn hại" phá phách, không những tôi sẽ bị ăn đòn quắn đít mà lần sau tôi đừng hòng đem chiếc Huy Chương Vàng ra "chiêu đãi" bạn bè nữa. May mà rốt cuộc mọi chuyện đều suôn sẻ. Lũ bạn tôi mặt mày hể hả. Tôi cũng mừng rơn vì sau những màn biểu diễn rùng rợn của đám bạn quái quỷ, chiếc Huy Chường Vàng của tôi vẫn chưa biến thành đống sắt vụn.

 

Sau buổi "khai trương" trọng thể đó, cứ cách ba, bốn ngày, mấy đứa bạn thân lại mò đến nhà tôi đứng lấp ló ngoài cổng rào, ngoắt tôi ra.

 

- Gì vậy?

 

- Đi chơi đi!

 

- Đi đâu?

 

- Đi đâu cũng được! Mày lấy chiếc Huy Chương Vàng chở tao đi!

 

Biết bị "dụ" nhưng bao giờ tôi cũng thấy khoai khoái:

 

- Mày xuống nhà nội tao trước đi! Lát nữa tao ghé đó "ăn sáng" rồi tụi mình đi!

 

Nói chung, chưa bao giờ tôi từ chối bạn bè, nhất là với hai thằng mắc dịch Cường và Phú ghẻ. Tôi luôn luôn biết ơn tụi nó. Chính nhờ sự sốt sắng của tụi nó, tôi mới có ngày nay. Khi đậu vào trường Trần Cao Vân, tôi đã hưởng biết bao nhiêu vinh quang và sung sướng, lẽ đâu không chia sẽ cho tụi nó chút niềm vui cỏn con là cỡi "ké" chiếc Huy Chương Vàng.

 

Sáng nay tôi từ chối lời rủ rê của Cường, đó là lần đầu tiên. Thực ra, tôi cũng muốn lấy chiếc Huy Chương Vàng chở nó xuống bờ sông "dợt le" với tụi Huỳnh Thúc Kháng chơi nhưng cuối cùng tôi đã dẹp bỏ ý định đó. Tôi nói với Cường là ba tôi không cho tôi ra khỏi nhà ngày hôm nay. Ba tôi quả có bảo như vậy thật nhưng đó không phải là lý do khiến tôi không thể đi chơi. Lát nữa đây, ba tôi sẽ đi thăm chú Sáu ở tít ngoài thành phố, chiều tối mới về. Tôi sẽ tha hồ đi rong, nếu tôi muốn.

 

Nhưng khổ thay, dù rất muốn tôi cũng chẳng thể bước chân ra khỏi nhà. Dù với Cường hay với bất cứ ai. Con người ta không thể bước chân ra khỏi nhà mà không mặc quần, nhất là khi người ta đã mười sáu tuổi. Nỗi khổ tâm vô hạn này tôi chỉ biết chôn chặt trong lòng, không dám hé môi than thở với ai, kể cả Cường và Phú ghẻ. Tụi nó mà biết được "sự cố" này tôi đừng hòng yên thân. Tụi nó sẽ trêu tôi đến bỏ học mất.

 

Nói ra thì không ai tin, chứ vô lớp mười rồi mà tôi chẳng có lấy một cái quần ra hồn để "diện" với thiên hạ. Năm ngoái, mẹ tôi may cho tôi ba cái quần, giữa năm học, hai cái đã biến thành giẻ lau nhà sau hai cơn giận dữ của ba tôi. Còn một cái duy nhất, tôi ráng kéo lê đến cuối năm. Nhưng bây giờ, cái quần "còn sống sót" đó chẳng vừa với tôi nữa. Nó đã trở nên chật chội so với cơ thể ngày càng phát triển của tôi.

 

Hồi đậu vô lớp mười trường Trần Cao Vân, tôi chắc mẩm để tưởng thưởng cho thành tích vô tiền khoáng hậu này của tôi, ba mẹ tôi sẽ dẫn tôi đi may thêm vài cái quần mới. Nào ngờ mẹ tôi vừa đưa ra ý kiến thông minh đó, ba tôi đã gạt phắt:

 

- Dẹp! Tưởng gì chứ ba cái quần thì dẹp! Đi học chứ đâu phải đi thi hoa hậu mà se sua!

 

- Nhưng con mình hết quần mặc rồi!

 

- Hết quần thì lấy mấy cái quần của bà sửa lại cho nó mặc!

 

Tôi ngóc mỏ ngồi bên cạnh, nghe ba tôi phán một câu, miệng liền méo xệch. Niềm ao ước sắm sửa đồ mới của tôi phen này thế là đi tong! Trước nay, ba tôi vẫn thường để ý đặc biệt đến cách ăn mặc của tôi. Không hiểu nghe lỏm được ở đâu, ông cứ đinh ninh chuyện quần áo luôn luôn liên quan chặt chẽ đến tính khí con người. Hễ ăn mặc giản dị, thanh bần mới là người chăm học. Còn ai quần áo đẹp đẽ đều bị ông liệt vào hạng đàn đúm, ăn chơi. "Mốt miếc," ông càng ghét tợn. Năm ngoái, thanh niên toàn thì trấn đều mặc quần ống chật, cỡ 16 - 18 li, ông bắt tôi may quần 28 li, đi quét đất hệt như bà nội tôi. Ngày đi may đồ mới, cả thế giới ai cũng hồi hộp vui mừng, chỉ riêng tôi là khóc nức nở.

 

Đã vậy, hôm tôi đi lấy quần về, ông còn lấy ra đo lại, miệng đe:

 

- Ống quần của mày mà chật đi một li là tao xé ngay tại chỗ! Cho mày mặc quần xà lỏn vô lớp luôn!

 

Tính khí ba tôi như vậy nên khi ông bác thẳng thừng đề nghị bác ái của mẹ tôi, tôi cay đắng hiểu rằng số phận của tôi đã được định đoạt. Kiếp này tôi chỉ được mặc loại quần áo may bằng "vải tái sinh"!

 

Nỗi đau khổ của tôi không chỉ có thế. Nếu được thừa kế những món đồ phế phẩm của ba tôi, dù sao tôi cũng còn dễ chịụ Đằng này phải mặc những chiếc quần sửa lại từ những chiếc quần ống rộng thùng thình của mẹ tôi thì quả thật mất mặt nam nhi.

 

Đã vậy, quần đàn bà con gái đáy dài thườn thượt, không cách gì rút ngắn lại được. Lưng mẹ tôi lại nhỏ hơn lưng tôi, muốn mặc vừa tôi phải nới lưng quần rạ Khổ nỗi, màu vải bên trong và màu vải bên ngoài đậm lợt khác nhau, do đó khi nới ra, sau mông tôi xuất hiện một cái hình tam giác to tổ bố, hệt như mũi tên chỉ dẫn: "nơi đây là đầu ra"! Chỉ nghĩ đến mỗi chuyện đó thôi, tôi đã muốn chui ngay xuống đất.

 

Khi soi gương để mặc quần áo, thiên hạ đều đứng đàng hoàng tử tế. Chỉ có tôi là đứng quay lưng lại tấm kiến gắn trên cửa tủ và ngoảnh đến sái cả cổ để nhìn ngắm và nguyền rủa không ngớt lời cái "mũi tên" khốn khiếp kia.

 

Suốt mấy ngày liền, tôi đã đem cái "hình tam giác" không mời mà đến đó ra sau vườn phơi nắng phơi gió, thậm chí tôi vùi nó vào trong đất trong cát hàng buổi nhưng nó vẫn nhất quyết không chịu điệp màu với phần còn lại của cái quần "gia truyền" khủng khiếp.

 

Cuối cùng, không nén được, tôi đánh liều lên tiếng trong bữa cơm:

 

- Con không mặc quần của mẹ đâu!

 

Ba tôi trừng mắc:

 

- Vải tốt vậy mà mày chê hả? Hay là mày không thích mặc đồ cũ sửa lại?

 

- Không phải vậỵ Nhưng con thích mặc quần của ba hơn. Quần của mẹ nó chật chội sao ấy!

 

- Tao chỉ có hai cái quần để thay ra thay vô, sửa lại cho mày, tao lấy gì tao mặc?

 

Tôi cười cầu tài: - Thì ba may quần mới cho le lói với người ta!

 

- Tiền đâu mà may hở con? - Ba tôi chép miệng - Lúc trước có bao nhiêu tiền dành dụm, tao đã dốc ra mua chiếc xe cho mày rồi. Mới đây, mừng mày thi đậu, tao lại vét sạch tiền của mẹ mày để tiệc tùng chiêu đãi bà con, bằng hữu xa gần. Bây giờ nghe lời mẹ mày mua sắm quần áo thì nhà mình chỉ có nước nhịn ăn thôi, con ạ!

 

Mỗi lần ba tôi quát tháo hay giở "quyền cước" ra với tôi, tôi vừa sợ nhưng lại vừa tức. Những lúc đó, nếu có thêm một chút xíu dũng khí, tôi sẵn sàng ngoác mồm cãi lại. Nhưng khi ông hạ giọng tâm sự - thường là hiếm hoi - tôi lại hết ham nói tới nói lui. Như lúc này chẳng hạn, nghe ông than thở về "gia cảnh" một hồi, ý chí đấu tranh vì quyền lợi ăn mặc của tôi bỗng nhiên tắt ngấm.

 

Tôi biết gia đình tôi dạo này đang gặp khó khăn. Công việc làm ăn của ba tôi dường như đang trì trệ. Ngày nào mặt ông cũng đỏ bừng nhưng không phải do ngồi hàng giờ bên lò nấu như trước đây mà vì lúc này rảnh rỗi, ông ưa chén thù chén tạc. Quán nước của mẹ tôi cũng chẳng khấm khá gì. Quán gần như nằm trong hẻm nên khách khứa chẳng bao nhiêu, chỉ quanh đi quẩn lại mấy mgười quen trong xóm.

 

Càng nghĩ ngợi, tôi càng buồn phiền. Ăn cơm xong, tôi bỏ ra vườn hoa ngồi một mình gặm nhấm nỗi buồn của con nhà nghèo khó. Tôi quên bẵng "nỗi đau hình tam giác". Tôi biết tôi chẳng thể đòi hỏi ba mẹ tôi hơn nữa. Để thoát khỏi cảnh ngộ này, tôi phải cố học cho thật giỏi. Học giỏi mới đỗ đạt thành tài, mới làm ra tiền mua sắm quần áo, còn dư thì giúp cha mẹ. Dư nữa thì cho nhỏ Châu một ít. Vẽ vời trong đầu thì huy hoàng như vậy, nhưng khi nghĩ đến chuyện phải học giỏi, tự nhiên tôi đâm mất khí thế, chỉ muốn thối lui.

 

Nhưng trong khi chờ đến ngày đó, nếu quả thật có cái ngày đẹp đẽ đó, tôi vẫn phải đi học với chiếc quần khủng khiếp của mẹ tôi.

 

Buổi sáng tựu trường, sau khi dậy sớm và đứng nhăn nhó hàng giờ trước gương, tôi phóc lên xe đạp ra khỏi nhà với một tâm trạng buồn vui lẫn lộn. Vui vì năm nay tôi được vào lớp mười trường Trần Cao Vân, lại được tung tăng khoe mẽ trên chiếc Huy Chương Vàng sáng chóe, buồn vì sau lưng tôi vẫn đeo đẳng cái hình tam giác chết tiệt kia.

 

May làm sao khi tôi vào trường, tụi bạn mải xúm xít lại ngắm nghía vuốt ve chiếc Huy Chương Vàng nên chẳng đứa nào kịp để ý đến cách phục sức không giống ai của tôi. Mãi đến khi xếp hàng chào cờ, thằng Minh sún, một đứa năm ngoái học cùng lớp với tôi, mới phát hiện ra hai ống quần lòa xòa của tôi. Nó la bài hãi giữa sân trường:

 

- Trời đất! Bộ mày tính lăng-xê mốt mới hả Chuẩn?

 

Nghe cái miệng nó oang oang, tôi hoảng hốt nhảy ngay vào hàng, lần tuốt xuống đứng dưới đuôi, không để nó kịp phát hiện thêm bất cứ điều gì nữa.

 

Nhưng tránh được Minh sún, tôi vẫn chưa hết lo. Lớp tôi học năm nay là lớp 10A1, mỗi lần xếp hàng chào cờ phải đứng trên cùng. Nối đuôi phía sau là tụi 10A2, 10A3, 10A4. Tôi thuộc loại lớn con nhất lớp, phải đứng tít đằng sau đuôi. Và trong cái vị trí bất lợi đó, ngay từ buổi chào cờ đầu tiên của năm học, tôi đã phải loay hoay khổ sở cố nghĩ ra cách nào để khỏi phải "triển lãm" cái "tam giác vàng" của mình trước mặt bọn con gái lớp 10A2 đứng sát đằng sau.

 

Tính tới tính lui một hồi, tôi làm bộ lơ đãng chắp tay ra sau lưng, ngầm che cái chỗ chết tiệt đó lại.

 

Quả như tôi dự đoán, tụi con gái phía sau chẳng hay biết gì hết. Tôi dỏng tai nghe ngóng, thấp thỏm chờ một tiếng khúc khích nhưng chẳng thấy động tĩnh gì.

 

Tưởng mọi sự trót lọt, nào ngờ khi bài quốc ca vừa dứt, bọn học trò đang rục rịch chuẩn bị vào lớp, thầy giám thị đột nhiên bước lại chỗ lớp tôi.

 

- Em kia! Ra đây!

 

Thầy thình lình chỉ ngay tôi khiến tôi tái ngắt mặt, trái tim suýt chút nữa văng ra khỏi lòng ngực.

 

Biến cố đột ngột này khiến những tiếng ồn ào vừa dấy lên chung quanh liền tắt ngấm. Sân trường gần một ngàn học sinh bỗng nhiên im lặng như tờ. Tất cả mọi cặp mắt đều đổ dồn vào chỗ tôi đứng khiến hai chân tôi tự nhiên cứng đơ, không nhúc nhích nổi.

 

- Em bước ra đây! - Thầy giám thị lại nhắc, lần này giọng thầy đã tỏ ra bực bội.

 

Người xanh lè xanh lét, tôi rụt rè bước ra khỏi hàng, lòng hoang mang không hiểu mình phạm tội gì. Đám bạn cùng lớp nín thở nhìn theo. Không khí nặng nề hệt như trước mặt tôi không phải là thầy giám thị mà là một cái giá treo cổ vậy.

 

Đợi tôi đến gần, thầy giám thị hắng giọng hỏi:

 

- Năm ngoái em học trường nào?

 

Tôi lí nhí:

 

- Dạ, trường Trần Quốc Toản ạ! - Em đã chào cờ bao giờ chưa?

 

- Dạ rồi ạ! - Tôi đáp, giọng âu lo.

 

- Vậy khi chào cờ ta phải đứng ở tư thế nào?

 

Đến đây tôi bắt đầu hiểu ra nguồn gốc của tai họạ Tôi lấm lét nhìn thầy, miệng ấp úng:

 

- Dạ, đứng thế nghiêm ạ.

 

Giọng thầy vụt trở nên nghiêm khắc:

 

- Thế sao lúc nãy em lại đứng chắp tay sau lưng?

 

Từ khi cha sinh mẹ đẻ đến nay, thú thật chưa bao giờ tôi gặp phải một tình huống oái oăm như thế này. Trước câu hỏi hóc búa đó, nếu chỉ đối diện với một mình thầy, họa may tôi còn can đảm mở miệng phân bua. Đằng này, bị vây bọc giữa hàng trăm cặp mắt thô lố, có cho vàng tôi cũng chẳng dám thố lộ tâm sự cay đắng của mình. Đầu cúi gằm, hai tay nóng như hơ lửa, tôi cứ đứng trơ như phỗng giữa sân trường.

 

- Sao, em trả lời đi chứ! - Thầy giám thị lại giục.

 

Lòng rối như tơ vò, tôi chưa biết làm sao để thoát khỏi tình huống trớ trêu này thì Minh sún đứng trong hàng đã vọt miệng trả lời thay:

 

- Thưa thầy, bạn ấy chắp tay sau lưng là để che cái tam giác đấy ạ!

 

Nghe cái giọng ồ ề của thằng Minh súng bộp chộp kia cất lên, tôi đã thầm kêu khổ trong lòng. Tôi không biết nó muốn cứu tôi hay cố tình hại tôi. Chỉ biết lời tố cáo của nó lập tức lôi kéo sự chú ý của tụi bạn vào cái vị trí tệ hại nhất trên người tôi. Lúc này hai tay tôi đã buông thõng, chẳng che chắn gì được. Mọi sự cứ thế hiện ra lồ lộ trước mắt bàn dân thiên hạ kéo theo những tràng cười rúc rích như chuột.

 

- Cái tam giác gì thế? - Thầy giám thị ngạc nhiên.

 

Minh sún lại đư ợc dịp bô bô:

 

- Dạ, tam giác Béc-mu-đa ở sau lưng bạn Chuẩn đấy ạ!

 

Tam giác Bermuda là tên một vùng biển thuộc Đại Tây Dương, nơi tàu bè và phi cơ qua lại thường mất tích một cách bí mật, vì vậy người ta gọi là tam giác quỷ. Chuyện này báo chí đăng tới đăng lui hoài nên tụi tôi đứa nào cũng biết. Tự nhiên bữa nay Minh sún bỗng "hê" cái tên đó lên, khối đứa không nhịn được ôm bụng cười lăn bò càng. Khung cảnh bỗng chốc trở nên náo nhiệt, mất hẳn vẻ trang nghiêm giả tạo nãy giờ.

 

Thầy giám thị xoay người tôi lại và khi nhìn thấy cái "tam giác Bermuda" nằm chễm chệ ngay trên mông tôi, thầy cũng phải phì cười:

 

- Thì ra là vậy!

 

Rồi thầy vỗ vai tôi, ân cần nói:

 

- Chẳng việc gì phải xấu hổ em ạ! Hồi còn nhỏ, thầy cũng từng đến lớp với những cái quần như vậy!

 

Nói xong, thầy bảo tôi vào hàng, không một lời quở trách.

 

Mặc dù được "tha bổng", lòng tôi vẫn chẳng nhẹ nhõm tí ti nào. Chân nặng như đeo đá, tôi thất thểu lê bước vào chỗ như lê một cái xác không hồn. Thế là hết. Bí mật của tôi chẳng thể giấu giếm được ai nữa. Cả trường đã biết. Và ngày mai, cả thị trấn sẽ đồn ầm lên. Tôi sẽ chẳng dám ló mặt đi đâu, suốt ngày chỉ ru rú ở nhà đuổi gà giúp mẹ. Thầy giám thị bảo tôi đừng xấu hổ nhưng làm sao tôi có thể thản nhiên được khi bọn con gái đứng sau lưng tôi cứ chốc chốc lại "hí hí há há" như đang xem tấu hài trong rạp hát. Thầy bảo hồi nhỏ thầy từng mặc những cái quần giống như cái quần "bảo bối" của tôi bây giờ nhưng thầy quên rằng hồi thầy còn nhỏ, tụi học sinh trường Trần Cao Vân đâu đã sinh ra, vì vậy tụi nó đâu có thấy lối ăn mặc trái khoái của thầy. Rốt cuộc chỉ có tôi là lãnh đủ.

 

Trong khi tôi đang nghĩ xem có cách nào chui xuống đất như Thổ Hành Tôn trong truyện Phong Thần hay không thì bỗng có một cánh tay vắt qua vai tôi.

 

Tôi ngoảnh lại, hóa ra Phú ghẻ. Phú ghẻ nãy giờ đứng phía trên, chắc thấy tôi buồn tình sắp sửa tự tử, nó mò xuống khuyên can. Quả nhiên thấy mặt nó, tim tôi liền ấm lại. Những lúc hoạn nạn như thế này, có vài đứa bạn thân bên cạnh, dù sao cũng đỡ trơ trọi. Chỉ tiếc năm nay thằng Cường học bên Huỳnh Thúc Kháng, nếu không cái miệng ba hoa của nó sẽ giúp tôi "giảm đau" một cách đáng kể.

 

Phú ghẻ lắc vai tôi:

 

- Thôi, quên chuyện đó đi Chuẩn!

 

Mới nguôi nguôi được một chút, nghe nó nói, tôi lại phát khùng:

 

- Quên cái đầu mày!

 

Thằng Phú ghẻ ngứa này đâu có biết cái "tam giác Bermuda" chết tiệt kia là ngôi sao chiếu mạng của tôi trong năm nay. Mẹ tôi sửa cho tôi hai cái quần, cái nào cũng chình ình một miếng tam giác khủng khiếp như thế đằng sau lưng. Ngày mai dù có thay quần khác, tôi vẫn phải mang cái hình thù quái gở đó đến trường, vẫn phải phơi nó ra trước mặt bọn con gái nhiều chuyện và bấm bụng nghe tụi nó cười cợt, chỉ trỏ. Vậy mà Phú ghẻ bảo tôi "quên chuyện đó đi". Nó làm như tôi là thánh không bằng!

 

Mãi đến khi vào lớp, ngồi một hồi không nghe tụi bạn nhắc nhở gì đến chuyện vừa xảy ra ngoài sân cờ, tôi mới dần dần bình tĩnh trở lại. Nhưng tôi vẫn chưa thật sự yên tâm. Biết đâu tụi nó đang cười thầm tôi trong bụng, chỉ vì sợ thầy cô mà tụi nó không ngoác mồm ra chọc ghẹo đó thôi! Nghĩ vậy nên mỗi khi có đứa nào nhìn tôi, tôi đều chột dạ quay đi chỗ khác.

 

Lúc ra về, khi tôi đang lui cui lấy xe thì Minh sún bước lại gần tôi, cười toe toét:

 

- Hú vía hén mày?

 

Với thằng sún răng này, tôi không biết nên xem nó là thù hay bạn. Năm ngoái, nó học cùng lớp với tôi nhưng hai đứa không thân nhau lắm. Hồi sáng, lúc tôi đang phân vân không biết nên nói thật với thầy giám thị hay là nín thinh chịu phạt thì nó đột ngột hô toáng lên bí mật của tôi khiến mọi sự vỡ lở tùm lum. Nhưng vì không biết nó hành động như vậy với ý tốt hay với ý xấu nên khi nó bắt chuyện, tôi cứ ậm à ậm ừ không đáp. Thấy vậy, nó cũng chẳng thèm hỏi nữa mà lẳng lặng dắt xe ra cổng, dông thẳng một mạch.

 

Trưa đó, tôi về với Phú ghẻ. Phú ghẻ biết tôi buồn nên không nhắc gì đến chuyện tóc tai quần áo. Nó chỉ nói độc mỗi chuyện học tập, về thời khóa biểu và về các thầy cô sắp dạy chúng tôi. Nhưng đang rầu nẫu ruột, mặc cho Phú ghẻ nói linh tinh lang tang, tôi cứ một mực ngậm tăm. Nói một hồi mỏi miệng, vả lại thấy tôi xuất sắc trong vai lầm lì, nó chán nản không thèm nói thêm tiếng nào nữa. Hai đứa lủi thủi đạp xe bên nhau như hai kẻ chán đời. Ngày khai giảng năm học đầu tiên ở cấp ba lẽ ra là một ngày hội đối với tôi bỗng dưng lại hoá thành một ngày chẳng ra ôn gì!

 

Buổi trưa, khi cả nhà ngồi vào bàn ăn, mẹ tôi hỏi:

 

- Hồi sáng khai giảng vui không con?

 

Tôi cay đắng:

 

- Dạ vui lắm ạ!

 

Rồi như không kềm được nỗi uất ức và tủi hổ dồn nén từ sáng đến bây giờ, vừa thốt xong, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra, chảy vòng quanh má.

 

Mẹ tôi nhạc nhiên:

 

- Có chuyện gì vậy con? Vui sao lại khóc?

 

Lòng đầy giận hờn, tôi mím môi không đáp, cũng không buồn đưa tay chùi nước mắt.

 

Thấy vậy, mẹ tôi lo lắng:

 

- Có chuyện gì vậy, kể cho mẹ nghe đi!

 

Tôi lắc đầu và lặng lẽ bưng chén cơm lên. Nước mắt tôi nhỏ từng giọt xuống chén.

 

Thái độ ù lì của tôi khiến ba tôi nổi cáu. Ông đập tay xuống bàn đánh "rầm" một cái khiến những chiếc đũa bắn tung lên và tô canh sóng nước ra đầy bàn:

 

- Mày có nói không thì bảo!

 

Tiếng quát của ba tôi khiến tôi đành phải đặt chén cơm xuống. Tôi nhìn ông ngập ngừng:

 

- Cái quần.

 

- Cái quần sao?

 

Tôi khụt khịt mũi, nức nở thuật lại câu chuyện hồi sáng.

 

- Tại mày mà ra cả, còn khóc nỗi gì! - Nghe xong, ba tôi hừ mũi - Quần của mẹ mày sửa lại cho mày mặc có gì là xấu! Có phải đồ ăn cắp ăn trộm đâu mà lấy tay che!

 

Mẹ tôi liếc ba tôi:

 

- Thôi, ông ơi! Đầu năm học không may cho con được cái quần mới, còn trách nó làm gì tội nghiệp!

 

Trước nay, mẹ tôi không bao giờ dám cãi lại ba tôi. Bữa nay có lẽ do xúc động trước hoàn cảnh đáng thương của tôi, mẹ đánh liều lên tiếng. Ba tôi cũng phá lệ mặc cho mẹ bênh tôi, ông chỉ ngồi im uể oải nhai cơm.

 

Giữa bữa cơm, tôi buông đũa chạy ra vườn, ngồi thừ trên bậc đá. Một lát sau, tôi nghe có tiếng chân bước khẽ đến sau lưng. Rồi tiếng nhỏ Châu êm ái vang lên:

 

- Anh đừng buồn! Tết này bán hoa thế nào anh cũng có tiền may quần mới! Lúc đó sẽ không có ai trêu anh nữa đâu!

 

Rừng hoa vàng đong đưa trước mặt lẫn giọng nói dịu dàng của nhỏ em thủ thỉ bên tai khiến nỗi buồn của tôi bỗng chốc bay xa, thật xa.