Khi Edward trở về nhà, mẹ chàng đang gà gật trên ghế tựa. Cả người bà nâng lên rồi hạ xuống như biển nhiệt đới. Đôi mắt đang nhắm tịt lại của bà giống đôi mắt của một bức tượng, đôi mắt mà người ta ngờ rằng đằng sau mí mắt không có con ngươi. Lông mày của bà hơi nhướn lên, như thể đang phản đối việc bà bắt buộc phải thở. Hình hài của bà cho thấy phẩm cách của tuổi già, một phẩm cách có thể do hoặc cũng có thể không do bệnh thấp khớp tạo nên.
Nhìn mẹ mình Edward có cảm giác của một cậu bé đang đọc một mẩu truyện cổ tích thì bị gọi ra ăn cơm. Tất cả những điều chàng muốn nói, những điều mà lúc trước có vẻ rất hùng hồn, giờ trở thành ngớ ngẩn. Chàng vội đánh thức mẹ bởi chàng sợ lòng can đảm trong chàng có thể sẽ tiêu tan trước rào cản khó vượt qua nhất - bầu không khí bất cảm thông.
“Mẹ ơi, con có điều muốn nói với mẹ.”
“Không phải chuyện không vui đấy chứ, con?”
“Không, chuyện vui mẹ ạ. Nó khiến con rất hạnh phúc.”
“Điều tốt đẹp luôn khiến chúng ta hạnh phúc,” bà Marston quả quyết.
Bản thân sự mỉa mai dường như cũng phải dịu đi trước lời bình luận có phần thờ ơ này.
“Con đã đính ước, mẹ ạ.”
“Con nói gì cơ?”
“Con sẽ cưới vợ mẹ ạ.”
Mẹ chàng vốn nặng tai và chưa tỉnh ngủ hẳn.
“Con nợ nần gì ai, hả con?” bà hỏi.
“Con sẽ cưới Hazel Woodus làm vợ.”
“Con yêu, con không thể làm thế được,” bà nói bằng giọng điềm tĩnh không chút bối rối, như thể Edward vẫn còn là đứa trẻ ba tuổi.
“Con có thể mẹ ạ, và con sẽ cưới cô ấy.”
“Ừ, sẽ còn lâu, lâu lắm,” bà lẩm bẩm đọc ý nghĩ của mình theo thói quen, rồi thêm vào đó chút nhẫn tâm - vốn không nảy sinh từ sự cứng rắn mà từ sự hao mòn cảm xúc đôi khi đến cùng với tuổi già - “và, dĩ nhiên, đến lúc ấy có khi con bé ngoẻo rồi ấy chứ.”
“Chết ư!” âm sắc giọng Edward khiến chính chàng cũng phải ngạc nhiên, và nó khiến mẹ chàng giật mình.
“Người trẻ cũng chết mà,” bà tiếp tục; “tất cả chúng ta đều phải chết. Ông bố tội nghiệp của con ngủ rồi. Mẹ cũng sẽ ngủ.”
Và bà lại bắt đầu ngủ. Nhưng những lời tiếp theo của chàng khiến bà một lần nữa choàng tỉnh.
“Con sẽ cưới vào tháng Năm, tháng tới đấy mẹ ạ.”
Toàn bộ sức nặng của sự phản kháng thụ động được bà dựng lên để chống lại mục đích của chàng.
“Hấp tấp quá!” bà lẩm bẩm. “Cưới vội vàng như thế - thật quá hấp tấp!”
Nhưng, động cơ của Edward vẫn không lay chuyển, chàng có thể chống đỡ được.
“Giáo đoàn sẽ nghĩ gì?”
“Con không quan tâm!”
“Đây là lần thứ hai con nói thế rồi đấy, Edward ạ. Mẹ sợ rằng con càng ngày càng tệ hơn đấy.”
“Không. Con chỉ cưới vợ thôi mà mẹ, con có làm gì sai trái đâu.”
“Nhưng ít nhất một năm sau khi đính ước người ta mới làm đám cưới, ít nhất đó cũng là thời hạn mẹ có thể chấp nhận được,” bà van vỉ, “và vèo một cái là hết một năm thôi. Con người ta cứ ăn rồi ngủ, ăn rồi ngủ, và Ngày của Chúa lại bắt đầu một tuần mới, và thời gian sẽ trôi qua nhanh thôi.”
“Ôi, mẹ không hiểu được sao, mẹ?” Chàng cố gắng minh họa. “Thử tưởng tượng mẹ nhìn thấy một chiếc khăn đẹp phơi trên hàng rào dưới trời mưa, mẹ có muốn cất chiếc khăn đó vào nhà không?”
“Chắc chắn là không. Đó là việc ngu xuẩn nhất. Vả lại mẹ đã có những bảy cái khăn rồi.”
“Ôi, nhưng dù sao, con cũng không thể hoãn được. Thậm chí ngay cả lúc này đây điều gì đó có thể đã xảy đến với cô ấy rồi.”
Chàng nói trong ý thức rõ ràng về sự thù địch của cuộc sống mà tất cả những người đang yêu đều cảm thấy.
“Nhưng sẽ phải sắm sửa vô số thứ,” bà bất lực nói, “và sẽ có vô số việc phải tiến hành.”
“Còn mấy tuần nữa cơ mà mẹ, có thừa thời gian mà. Vả lại,” chàng gợi ý một cách khôn khéo, “mẹ không quan tâm đến việc sắm sửa váy áo cho Hazel sao? Cô ấy nghèo đến nỗi chẳng mua nổi váy áo cho mình. Mẹ sẽ không tiêu một khoản tiền nào vì con sao, mẹ?”
“Mẹ nghĩ là có,” bà nói, bắt đầu khôi phục lòng nhân từ - “mẹ nghĩ mẹ có thể chi ra một khoản tiền.”
Bà Marston đã “không chợp mắt tí tẹo nào” - nói vậy chứ thực ra sau khi lên giường bà chỉ thức được độ nửa tiếng. Quan niệm về cưới xin, mặc dầu có hơi phiền phức vì mỗi ngày mỗi khác, vẫn khá thú vị. Đám cưới sẽ là cơ hội để sử dụng vô số thứ được cất giữ trong các tủ đựng đĩa bát cốc chén, những thứ chưa bao giờ được đem ra dùng bởi vì chúng quá đẹp để dùng cho ngày thường. Bà Marston là một trong những người có nhiều vật sở hữu chẳng mấy khi được dùng tới. Thật lạ là hết thế hệ này đến thế hệ khác dành những năm tháng phù du của mình cho cái nơi thờ phụng tôn kính này mà chẳng bao giờ dám làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn bằng cách sử dụng những món đồ đẹp đẽ hằng ngày nhưng lại cứ phải bận rộn với chúng suốt.
Đồ sứ của bà Marston sáng bóng, không một vết bụi, nguyên vẹn đến nỗi cứ như thể cuộc đời của tất cả những phụ nữ xinh đẹp trong gia đình Marston đã phải hy sinh vì chúng.
Những người phụ nữ ấy đã khuất từ lâu và vẻ đẹp của họ đã bị phá hủy, bị xóa nhòa; nhưng những món đồ sứ cổ đẹp đẽ thì vẫn còn nguyên vẹn. Vẫn còn đó hai tá cốc và đĩa lót, bình đựng kem, âu đựng đường và những chiếc đĩa to của bộ chén đĩa trang trí họa tiết hình lông chim, tất cả còn mới tinh hệt như khi chúng được mua về. Lớp mạ vàng phủ kín mặt ngoài hầu như chưa hề bị bong tróc, cả những họa tiết lông chim sáng lóng lánh cùng những bông hoa màu hồng cũng vậy. Sẽ thật thú vị khi lại được đem chúng ra dùng, bà Marston bâng khuâng nghĩ. Còn cả mấy bình trái cây ngâm, rồi mấy lọ mứt, lọ thạch nữa chứ; đám cưới cũng sẽ là dịp thích hợp và thú vị để bà làm một trong những loại bánh nổi tiếng của mình, và cũng là dịp để bà mặc chiếc váy lụa màu mận chín. Hòa cùng những ý tưởng ấy là nhận thức rõ ràng rằng Edward muốn đám cưới ấy, rằng chàng sẽ “phật ý” nếu nó bị hoãn lại. “Mình chưa từng thấy nó hấp tấp như vậy bao giờ,” bà thầm nghĩ. “Tuy nhiên, cưới vợ rồi nó sẽ lại ổn thôi. Còn con bé kia cũng sẽ chín chắn hơn, khi nó có con. Bọn chúng mà có con thì thật tuyệt. Một người bà sẽ có đủ mọi niềm vui của một người mẹ mà chẳng phải chịu đựng đau đớn gì. Vả lại, con bé kia sẽ chẳng muốn giữ vai trò điều khiển đâu. Edward nói vậy. Mình đương nhiên không ưa một đứa con dâu thích nhúng mũi vào chuyện này chuyện nọ. Kể ra thì Edward lựa chọn cũng khôn ngoan đấy chứ. Bởi vì dù con bé đó có ồn ào thật đấy, nhưng mỗi lần sinh con xong nó sẽ trầm tính hơn, mà bọn chúng thì sẽ sinh nhiều con lắm, mình nghĩ vậy và hy vọng như vậy.”
Đặc điểm tầng lớp và tín ngưỡng của bà Marston (cộng với thực tế rằng bà là mẹ Edward) khiến bà không xem Hazel là vấn đề. Đối với bà, quan điểm của Hazel, tính cách, niềm hy vọng, nỗi sợ hãi của nàng không tồn tại. Hazel sẽ hòa nhập vào gia đình Marston giống như một món đồ nội thất mới. Nàng sẽ được chu cấp mà không được hỏi ý kiến; nàng sẽ thực hiện bổn phận của nàng mà không được bày tỏ quan điểm. Như bao người đàn bà trong gia đình này và những gia đình khác trên thế giới, nàng sẽ trở thành đầy tớ của các món đồ sứ, những chiếc đĩa mạ vàng và những món đồ nội thất, và nàng sẽ là phương tiện để những đứa con của Edward chào đời. Khi không còn sinh đẻ được nữa thì nàng sẽ đan khăn. Lúc nào nàng cũng sẽ nói, “Vâng, chồng thân yêu,” hoặc “Như chàng muốn, Edward ạ.” Với tất cả những bổn phận trước mắt đó thì thử hỏi nàng cần cá tính và quan điểm để làm gì? Hiển nhiên là không cần. Nếu nàng sinh cho bà những đứa cháu nội khỏe mạnh với đầy đủ chân tay mắt mũi, thì nàng sẽ trở thành một món tài sản ưng ý. Tuy nhiên, trong các phép tính toán này, bà Marston đã quên tìm hiểu xem Hazel quan tâm đến Edward hơn hay quan tâm đến tự do của nàng hơn.
Bà Marston xuống ăn sáng với vẻ nhượng bộ.
“Mẹ đã quyết định chấp nhận hoàn cảnh, Edward yêu quý ạ,” bà nói; “tất nhiên, mẽ đã hy vọng rằng sẽ chẳng bao giờ có bất cứ ai ngoài hai mẹ con ta. Nhưng điều đó không thành vấn đề. Mẹ sẽ chi tiền cho đám cưới và sẽ trở thành một người bà tốt nhất có thể. Còn bây giờ, con ạ” (bà nói với vẻ dửng dưng, chuyển trách nhiệm sang vai Edward) - “còn bây giờ, con sẽ đưa mẹ tới thị trấn chứ?”
Rắc rối rồi đây. Cái nhà ga nhỏ của hạt cách đó vài dặm, xa vượt ngoài khả năng đi bộ của bà, và không người nông dân nào ở quanh đó có một con ngựa biết giữ im lặng đủ để làm vừa lòng bà.
“Con ạ, vào thời của mẹ, mẹ nhớ là lũ ngựa không gây ồn ào, chúng được nuôi nấng tử tế, được huấn luyện tốt, và trên hết là béo tốt đến nỗi chẳng có vụ tai nạn nào xảy ra ngoài những vụ xảy ra theo ý Chúa. Ngày đó ông ngoại của con còn đi mua trà xanh của hãng Jeremy (và đó là loại trà rất ngon, có hương vị rất tuyệt, có in ảnh một người đàn ông da đen trên vỏ hộp). Mẹ kể đến đâu rồi nhỉ? Ồ phải; hồi đó ông luôn đi một ngày mười dặm. Rất thú vị, nhưng ngựa nghẽo hồi đó không...”
Edward ngắt lời mẹ bằng một gợi ý.
“Sao mẹ không đi xe kéo của mỏ đá nhỉ? Lần ấy mẹ đã rất thích đi xe kéo mà?”
Xe kéo chạy bằng động cơ, là phương tiện thuộc về một mỏ đá, và là chiếc xe đi qua nhà họ hai hoặc ba lần một tuần, và không bao giờ - hạt này nằm trên đồi cao - đầy khách đến nỗi không thể chở thêm một người.
Hai mẹ con chàng thống nhất rằng Edward sẽ đi gặp lái xe, và sau đó sẽ gặp Hazel, để sắp xếp cho nàng cùng đi vào thị trấn. Chàng ở nhà, không đi cùng họ. Bà Marston không bao giờ rời khỏi nhà, như bà nói, “mà không chắc chắn rằng ngôi nhà của bà có hơi thở”, mặc dầu bà không thể đưa ra lý do cho quan điểm này, và lấy làm tự hào vì mình không phải là một kẻ mê tín. Bà không tin tưởng Martha; vậy nên Edward tuân lệnh mẹ đảm nhận việc giữ “hơi thở” cho căn nhà, giống như một sinh vật rống lên để xua đuổi mọi điều xui xẻo.
Họ thống nhất rằng bà và Hazel sẽ đi vào ngày trước khi lễ hội hoa bắt đầu, và Hazel sẽ ở lại qua đêm ở nhà họ. Đó sẽ là đêm cuối cùng trước ngày cưới của hai người.
Từ giờ đến khi đó, việc bóc vỏ cây vẫn tiếp tục, và số phận vẫn đang dẫn con ngựa của Jack Reddin đi về mọi hướng, trừ hướng có nàng. Edward ngày nào cũng tới Rừng Của Thợ Săn. Chàng bắt đầu khám phá ra một thế giới mới giữa những cây lan dạ hương đơm nụ trên mặt đất xốp đầy lá mục đang nứt ra khắp nơi với sự thúc đẩy của những mầm sống đầy háo hức, và những mùi hương lẩn khuất đầy kích thích mà chỉ mùa xuân mới biết.
Khi cái ngày họ đi thị trấn Silverton cuối cùng cũng đến, và Hazel xuất hiện, tươi tắn và vui vẻ sau cuộc dạo bộ buổi sớm, chàng cảm thấy muốn cưỡng lại lời mẹ. Tuy nhiên, lệnh đã ban ra rằng nhất định phải có người ở lại tạo hơi thở cho ngôi nhà, và chỉ mẹ chàng mới biết chọn váy áo cho nàng nên chàng đành cam chịu.
Bà Marston phải mất vài tiếng đồng hồ mới chuẩn bị xong để đi vào thị trấn; trong khoảng thời gian đó Edward và Martha phải tất bật chạy lên chạy xuống. Không phải là để tìm hay để sửa y phục của bà Marston - hoàn toàn không phải vậy. Mà là có quá nhiều tủ cần được khóa, mà chìa khóa của chúng lại được giấu trong các ngăn kéo, chìa khóa của các ngăn kéo lại được giấu trong nhiều chiếc tủ. Khi cái mớ rối rắm mà không tên trộm nào có thể gỡ nổi đã được xâu chuỗi, bà Marston luôn muốn điều gì đó từ cái tủ đầu tiên, và thế là toàn bộ quy trình lại lặp lại từ đầu. Nhưng cuối cùng bà cũng xong việc. Edward và Martha đứng lùi lại ngắm nhìn bà với vẻ hãnh diện, và nhìn Hazel để tìm kiếm sự thán phục của nàng dành cho nỗ lực của họ; nhưng Hazel còn quá trẻ và quá hạnh phúc để có thể thấy được nỗi bi ai hay tính hài hước của các bà già.
Nàng nhảy chân sáo trên con đường dốc, tay ôm một ôm áo khoác ngoài và khăn choàng, những thứ mà chỉ nghĩ tới việc mặc vào người là nàng đã nhăn mặt.
Con đường mòn ngoằn ngoèo dẫn xuống một bên vách mỏ đá, nơi Abel đã kể với Hazel về con bò cái bị rơi xuống vực, nơi mà nàng đã linh cảm về chuyện chẳng lành. Một lần nữa khi nàng tiến về phía đó với những bước chân mỗi lúc một thêm chậm chạp, nỗi sợ hãi kia lại xâm chiếm nàng.
“Cháu sợ!” nàng kêu lên. “Chúng ta không thể đi nhanh được sao?”
Nhưng bà Marston không đi nhanh hơn được. Bà cứ bám lấy cánh tay Edward một cách thận trọng, tựa như một con mèo đang đi trên băng.
Martha, với cánh tay trần đỏ au khỏe khoắn, chiếc váy màu xanh dương may bằng vải kẻ bông và chiếc tạp dề màu trắng bay bay trong gió, được lệnh đi sau để cầm đuôi áo choàng cho bà Marston - như một người ghìm cương ngựa khi đi xuống dốc - để bà khỏi bị vướng chân. Edward xách theo một chiếc ghế con để trên đường đi mẹ chàng có thể ngồi nghỉ.
Hazel cảm thấy không ai trong số họ có lòng tốt; không ai biết sợ hãi là gì. Vậy nên nàng co chân chạy, nhanh chóng rời khỏi cái nơi nóng rực, bí ẩn, đầy điềm gở với màu trắng ghê rợn và những cái bóng xảo quyệt này.
Nàng chạy đến một cánh đồng hẹp nằm trải dài tới tận bìa rừng, và ở đó, giữa những cây mao lương hoa vàng rực rỡ, bầy ong kêu vo ve như những đợt thủy triều vỗ vào bờ biển của cõi thiên nhai. Hazel đã quên cảm giác sợ hãi - một cảm giác sợ hãi không thể lý giải nổi khiến nàng phát ốm trước cái mỏ đá đó. Nàng đuổi theo một con ong nghệ béo mẫm giữa thảm hoa vàng - một con ong háo hức có cái đầu óng ánh phủ đầy lông tơ đang bay theo một con ong khác. Hai con ong đó, trong cảnh rực rỡ huy hoàng tràn ngập vùng đồi thoai thoải này, với bình nguyên rạng ngời màu ngọc bích bao quanh - hai con ong đó có lẽ là hai công dân trẻ nhất của thiên đường, bay đến từ mùa đông ảm đạm khan hiếm mật ngọt, từ nơi lạnh lẽo khô khan.
Đoàn tùy tùng kia di chuyển chậm chạp xuôi theo đường mòn, và khi con đường càng lúc càng dốc hơn, Martha vâng lệnh bà chủ ném mình lại phía sau giống như một người đang chơi kéo co, bởi vì bà Marston bắt đầu lao xuống dốc với tốc độ nhanh hơn, và bật ra những tiếng kêu khe khẽ đầy tuyệt vọng.
“Ta đang lao xuống đây này, Martha! Ta không dừng lại được! Đừng có động vào mấy hạt đính trên áo, Martha! Đừng túm vào viền áo.”
Họ xuống tới đường cái rồi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng chiếc xe của mỏ đá đâu, vậy nên họ ngồi bên vệ đường chờ đợi. Bà Marston ngồi chễm chệ trên ghế như bà hoàng; Hazel cầm một bông mao lương vàng đưa lên tận cằm Edward để xem chàng có thích loài hoa đó không.
“Thời tiết thật ấm áp và dễ chịu,” bà Marston lẩm bẩm, rồi tranh thủ đánh một giấc ngắn.
Edward lắng nghe những con chim hoét; chúng đang ném tiếng hót của mình - như đám người làm xiếc tung những quả bóng vàng - vào vách đá. Những nốt cao vui tươi dồn dập, đập vào bức tường đá ảm đạm, bật trở lại để rồi lại bị quăng đi.
Đối với Edward, khi chàng ngắm nhìn Hazel, bầy chim hoét đó giống như những sinh linh đang tạ ơn phước lành của Chúa, và được Chúa lắng nghe rồi lại ban cho thêm phước lành. Đối với Hazel, chúng dường như là nhiều Hazel khác đang hát bởi ngày hôm đó là một ngày vui. Đối với bà Marston, chúng là “những con chim ồn ào phiền phức.” Martha đang mải móc đồ len. Cô đang móc những dải diềm, hàng năm trước, cho trang phục của đám cưới. Đây là một việc hết sức đáng khen, vì đó là hành động xuất phát từ đức tin, bởi cho đến nay chưa có người đàn ông trẻ nào để mắt tới Martha.
Cuối cùng chiếc xe đó cũng xuất hiện và bà Marston được đỡ lên xe - một chiếc xe to sơn màu đỏ tươi, và khoảng một nửa xe chất toàn đá. Đá đã được xúc gọn ra phía sau để lấy chỗ cho bà Marston và Hazel. Người ta hạ tấm ghép thành xe màu đỏ xuống, với sự giúp đỡ của một người phụ xe, Edward và Martha đã đưa được bà Marston lên xe an toàn. Bà thực sự là một bà già rất đẹp lão. Mũ của bà, chiếc mũ có hình dạng giống như cái thìa, được trang trí một cách hoang phí bằng những chùm nho tủy tinh màu đen cứ khẽ va lanh canh vào nhau mỗi khi bà cử động. Trên đó còn gắn cả một tấm mạng loáng thoáng điểm những đốm chỉ thêu trắng. Chiếc mũ được buộc dưới cằm bà bằng dải ruy băng màu đen, khuôn mặt đẹp lão rất hồng hào và đầy quyến rũ của bà hướng ra thế giới với vẻ thích thú. Bà mặc chiếc áo choàng không tay đẹp nhất của mình, gắn hằng hà sa số những hạt huyền óng ánh, còn chiếc váy may bằng vải len giả lông của bà thì được gài móc một cách chắc chắn bằng chiếc móc vay đã lỗi mốt hình con bướm. Bà móc ô lên cánh tay và cầm chặt chiếc xắc bằng cả hai tay cho chắc chắn. Vậy là, với tất cả các món phụ trang đó, bà ngồi một cách thoải mái với ý thức rõ ràng rằng mình có thừa sự đĩnh đạc và máu phiêu lưu.
Họ khởi hành trong vòng xoáy của những lời chào tạm biệt cuống quýt, tiếng cười ré lên vì thích thú của Hazel, và lời khuyên hãy liên tục đạp phanh của bà Marston dành cho người lái xe. Hazel ngồi vắt vẻo trên thành xe. Họ rẽ ở một khúc cua với vẻ đường hoàng, và chiếc xe, với bà Marston ngồi đó chẳng khác gì bức tượng gắn ở mũi tàu biển - toát lên vẻ kiêu hãnh, sợ hãi, và thỏa hiệp - lắc la lắc lư suốt dọc đường một cách oai vệ.
“Bà Marston, cháu có thể mua một chiếc váy lụa màu xanh in hình hoa hồng vàng được không?”
“Chắc chắn là không, cô gái ạ. Một chiếc váy như thế không thích hợp chút nào. Nó không được trầm tĩnh cho lắm.”
“Trầm tĩnh là gì cơ?”
“Trầm tĩnh là bí quyết của người có thái độ tốt. Cô càng trầm tĩnh thì cô càng được người ta coi là một người cao quý. Tất cả những con người cao quý đều có sự trầm tĩnh trong thái độ, cách ăn mặc, cách nói năng, cũng như những con ngựa tốt nhất luôn được quảng cáo là không gây ồn ào, nhưng bây giờ thực sự không có nhiều con ngựa như thế.”
“Bà cứ phải trầm tĩnh dể trở thành một quý bà sao?”
“Đúng thế.”
“Tại sao bà lại làm thế?”
“Cô gái ạ, bởi vì đó là quy tắc chuẩn. Ông chồng tội nghiệp của tôi trầm tĩnh lắm, trầm tĩnh đến nỗi cô không bao giờ biết được ông ấy có mặt ở chỗ này chỗ nọ hay không. Còn Edward cũng trầm tĩnh... trầm tĩnh như...”
“Ôi! Không! Không!” Hazel rên rỉ.
“Cô bị kim đâm phải hay sao, cô gái?”
“Không. Đừng có nói Edward trầm tĩnh!”
Bà Marston nhìn một cách thân tình qua cặp kính.
“Cô gái, tại sao lại không?” bà hỏi.
“Cháu không thích thế.”
“Cô có thể giải thích một chút được không, cô gái?”
“Cháu không thích những người đàn ông trầm tĩnh - không thích những con ngựa trầm tĩnh. Mẹ cháu chỉ trầm tĩnh khi đã chết. Mọi người đều trầm tĩnh khi họ đã chết.”
“Rất, rất trầm tĩnh,” bà Marston ngâm nga. “Phải, tất cả chúng ta rồi thì cũng ngủ cả thôi.”
“Cháu thích,” Hazel tiếp tục nói bằng giọng không màu mè, không tra chuốt với sức trẻ như giọng của một con chim két non - “Cháu thích những con vật chạy nhanh, thích những người đàn ông nói to, nhìn chằm chằm và cưỡi ngựa điên cuồng như quỷ!”
Nàng ngừng lời, bối rối trước vẻ mặt của bà Marston và ngượng ngùng bời nàng bỗng nhận ra mình vừa vô tình miêu tả Reddin.
“Cô gái ạ, cô thích gì,” bà Marston nói (một cách gay gắt), “không quan trọng. Nhưng tôi cho rằng” - bà dịu giọng - “cô thực sự thích Edward, bởi vì nó đã chọn cô và cô đã đồng ý, đúng không nhỉ?”
Hazel lắc lắc vai như thể muốn rũ bỏ một cái gông. Họ rơi vào im lặng, và khi bà Marston gà gật, Hazel có cơ hội được thỏa mãn cái mong muốn chợt nảy sinh trong lúc ngắm chiếc mũ của bà - được bóp một trong những quả nho rất tròn và dễ vỡ đính trên mũ của bà.
Bàn tay nhỏ nhắn lanh lẹ của nàng, đôi bàn tay trắng ngần dưới ánh mặt trời, trong thoáng chốc lướt trên chiếc mũ đen tựa như một con chuồn chuồn đang bay nhanh như tên bắn, và trò tinh nghịch đã được thực hiện - sự đứng đắn nhạt nhẽo bị bóp vỡ vụn và bị cười nhạo.