Sáu giờ sáng ngày hôm sau hai cha con nàng ăn sáng. Abel bận làm thùng ong cho bầy ong mùa hè tới. Lão luôn tận dụng những mẩu gỗ thừa khi làm quan tài. Một chiếc quan tài lớn chẳng để lại nhiều gỗ thừa lắm; nhưng thỉnh thoảng có những chiếc quan tài nhỏ, và lão tận dụng những đoạn gỗ thừa để làm thành những thùng ong đẹp đẽ. Cái cộng đồng thị dân da trắng ở phía Nam giậu tử đinh hương tăng dân số một cách chậm chạp và đều đặn chẳng kém gì cộng đồng những người đã khuất trong cái nghĩa địa phía xa xa kia. Vào mùa hè khắp khu vườn rộn rã tiếng ong bay, còn ngôi nhà của cha con nàng cũng nhong nhóc những ong vào giờ tụ họp. Để rồi sau đó ít lâu đâu đâu cũng có mật ong; mật ong nhỏ giọt từ trên bàn, những mảnh sáp ong vỡ nằm rải rác trên sàn nhà và Cáo Nhỏ chỉ việc đánh chén ngon lành.
Mỗi khi có người đặt làm quan tài, Hazel lại đi kể cho đám ong biết ai đã chết. Cha nàng nghĩ việc đó là không cần thiết. Việc báo tin chỉ dành cho thân nhân của người chết thôi, lão nói vậy. Ấy thế nhưng khi vợ lão chết, chính lão lại đi báo tin cho lũ ong. Trong buổi sáng tháng Sáu náo động ấy lão đã tìm đến những tổ ong của mình, đứng nhìn bầy ong kéo nhau đi uống nước, nhìn những cái bóng bay lên lượn xuống trên những tấm ván trắng sạch tinh tươm. Rồi lão cúi xuống, nói bằng giọng dửng dưng, tin cẩn lạ lùng, “Maray chết rồi.” Lão ghé tai xuống sát đàn ong, lắng nghe những tiếng vo vo uy nghiêm từ sâu bên trong; nhưng đó là tiếng rì rầm của tương lai, không phải của quá khứ, mối ưu tư về sự sống, không phải về cái chết, tràn ngập khắp những hốc bên trong. Mười tám tổ ong hôm nay nằm dưới tấm chắn gió, và những sinh vật vui nhộn ấy đang ngủ im. Chỉ có một hai con ong thỉnh thoảng bay lang thang vơ vẩn để rồi lại bị không khí đầy sương giá đẩy về tổ chờ đợi mùa lấy mật. Những ngày hạnh phúc nhất trong cuộc đời của Abel là những ngày lão ngồi như một nghệ nhân biểu diễn nhạc cổ trước những tổ ong náo động và chơi đàn hạc cùng một mớ âm thanh vo ve nghèn nghẹt vọng ra từ trong tổ.
Mọi phương tiện kiếm sống của Abel đều là niềm vui đối với lão. Lão có được nghệ thuật của hạnh phúc bất diệt, nghệ thuật mà trong đó lão kiếm được đủ số tiền cần thiết bằng công việc lão yêu thích. Lão chơi đàn hạc tại các hội chợ hoa và buổi khiêu vũ trong vùng, các lễ hội tôn giáo và đám cưới. Lão bán mật ong, và thỉnh thoảng bán cả ong. Lão thích làm vòng hoa, làm vườn, làm quan tài, và nền tảng cuộc sống của lão luôn là âm nhạc – một giai điệu mới để chơi thử trên cây đàn hạc mạ vàng, một hợp âm mới hoặc một tiết mục mới để luyện đến độ thành thạo. Khu vườn của lão gần như đủ rộng và đủ đẹp, đối với một ngôi nhà như thế. Mùa hè tới, ly trắng nở khắp vườn, nổi bật trong bóng chiểu nhập nhoạng với vẻ quyến rũ đầy e lệ và, như Hazel nói, trông như những bóng ma. Hoa cúc hoàng anh nở tràn xung quanh, bao bọc lấy ngôi nhà nhỏ, còn oải hương thì dệt nên một tấm thảm màu tía bên lối đi lát đá đỏ. Khi đó Hazel thường ngồi như một nữ hoàng trong bộ y phục bằng hoa tươi, nhấm nháp bữa tối với bánh mì và mật ong, và phủ phấn hoa đầy mặt.
Vào thời điểm này trong vườn không có hoa; duy nhất có cây thủy tùng ở gần cổng đang phô ra những bông hoa mịn như sáp dọc các cành cây thấp. Hazel ghét cái cảnh khu vườn đóng băng; nàng có một niềm khát khao mãnh liệt tới mức lạ lùng dành cho những gì sống động và căng tràn sức sống. Bản thân nàng là tất cả những thứ đó, khi nàng vỗ về Cáo Nhỏ trước lúc lên đường. Nàng quấn tóc quanh đầu thành một bím to và chiếc mũ cũ kỹ màu đen của nàng càng khiến màu tóc nàng trở nên nổi bật.
“Cả đi cả về chắc mày phải cuốc bộ ba mươi dặm đấy, trừ phi mày được người ta cho đi nhờ,” Abel nói.
“Đi nhờ ư? Con không bao giờ muốn đi nhờ!” Hazel nói với vẻ khinh bỉ.
“Mày đâu phải là người cuốc bộ giỏi như John ở Giáo xứ Không Người,” Abel bốp chát, “mà người ta nói ông ta đi bộ miết đấy.”
Vào buổi sáng tinh khôi lạnh lẽo ấy, khi Hazel lên đường, khắp Callow ánh lên sắc nâu bạc lấp lánh, và không hề có điềm báo nào về trận tuyết sẽ giội từ trên những dãy núi phủ mây xuống đó suốt cả đêm.
Khi Hazel đã chọn được váy cho mình – một chiếc váy màu xanh lông công được may bằng vải xéc – và đã thử đi thử lại chiếc váy ở gian sau của cửa tiệm, nàng đi tới nhà bác gái.
Anh họ Albert chào nàng với vẻ kinh ngạc đến sửng sốt. Cậu làm ở cửa hàng thực phẩm, công việc hằng ngày của cậu là giải thích đi giải thích lại với khách hàng rằng bơ thực vật cũng tốt như bơ động vật. Nhưng, khi nhìn Hazel cậu cảm thấy rằng đây mới đúng là bơ động vật – một thứ không cần lời biện giải nào, và bản thân nó tự tạo ra nhu cầu. Chiếc váy màu xanh da trời tươi tắn khiến nàng rạng rỡ đến nỗi bác gái nàng phải lắc đầu.
“Nếu đẹp thì mày nên lấy làm vui khi mày giống cả bố lẫn mẹ,” bà ta nói.
“Cháu không muốn giống ai ngoài bản thân cháu.” Hazel đỏ mặt vì tức giận.
“Ồ! Kiêu ngạo thật!” bác nàng kêu lên. “Albert, đừng có cho ’Azel hết chỗ gan và thịt muối đấy. Tao cho là mẹ mày ăn khỏe như mấy đứa con gái tuổi mới lớn nhỉ?”
Albert nhìn Hazel với vẻ háo hức và đồng tình một cách lộ liễu với tất cả những gì nàng nói đến nỗi bác gái nàng điên tiết.
“Không có gì ngạc nhiên khi em chỉ muốn giống bản thân em,” cậu nói. “Mứt! Anh nói thật đấy, Hazel, em là mứt!”
“Albert!” mẹ cậu kêu lên the thé. “Chẳng phải tao luôn dạy mày phải ăn nói cẩn thận sao?” Không phải bà ta phản đối lối nói thiếu nhã nhặn mà là phản đối Hazel.
Khi Albert quay trở lại cửa hàng, Hazel giúp bác gái mình lau dọn, giặt giũ. Nàng làm luôn tay, với sự cẩn thận khác thường, và cọ rửa dao – một việc mà nàng rất ghét – trong lúc phấp phỏng chờ một lời mời ở lại qua đêm. Nàng đợi lời mời ấy như những bậc chính nhân quân tử chờ đợi sự chỉ trích từ những kẻ thù địch. Nàng chưa bao giờ đi chơi đâu ngoài nơi này, và nàng cảm thấy rất phấn khởi khi được tới đây. Bếp gas, những món đồ sứ đẹp đẽ, giấy dán tường in hình hoa hồng, tất cả những thứ đó đều lạ lùng và tuyệt diệu như trong truyện cổ tích. Nhà nàng không có giấy dán tường, cũng chẳng có vách thạch cao khung gỗ, chỉ có những viên gạch trơ trụi, và trần nhà thì toàn vải buồm lồng phồng dưới những thanh xà.
Giờ đây ngoài những thứ đẹp đẽ kể trên còn có niềm vui nảy nở từ cái nhìn đầy ngưỡng mộ của Albert – một cái nhìn sống động, sôi nôi, một điều gì đó hoàn toàn mới mẻ ở Albert. Có lẽ nếu nàng ở lại, tối nay Albert sẽ đưa nàng đi chơi. Nàng sẽ được ngắm phố phường trong ánh sáng kỳ diệu của những ngọn đèn. Nàng sẽ dạo phố trong bộ váy mới cùng một chàng trai trẻ - một chàng trai sở hữu sợi dây đeo đồng hồ mạ vàng. Khi buổi chiều lộng gió dần trôi, cảm giác thấp thỏm của nàng trở nên gần như không chịu đựng nổi. Bác nàng vẫn chưa nói gì. Phòng khách nhà họ trông thật ấm cúng khi bữa trà được dọn; ánh lửa bập bùng in trên những chiếc cốc; bác nàng kéo rèm cửa xuống. Bên trong rèm của là sự ấm cúng và vui vẻ - tất cả những gì nàng có thể ao ước; bên ngoài rèm là một cuộc đi bộ khổ ải trong đêm tối đang đợi nàng. Nàng cứ nấn ná cho đến khi trời tối đến nỗi tim nàng run rẩy khi nghĩ đến những dặm đường dài đằng đẵng mà nàng phải vượt qua trong đơn độc nếu bác nàng không mời ở lại.
Bác nàng biết trong đầu Hazel đang suy tính điều gì, và tàn nhẫn mỉm cười trước sự ngoan ngoãn bất thường của nàng. Bà ta tận dụng cơ hội ấy để tung ra những lời như đấm vào tai.
“Hút được ánh mắt của đàn ông thật thú vị, phải không bác?”
“Thú vị! Hazel, tao muốn bạt tai mày! Đồ con gái ngang bướng! Rồi mày sẽ sớm hư hỏng thôi.”
“Cháu sẽ làm sao hả bác?”
“Một ngày nào đó mày sẽ bị người ta bắt chuyện!” Bà ta nói những lời cuối cùng bằng giọng thì thầm trống rỗng. “Và sau đó, khi mày không nói và làm những gì một đứa con gái ngoan thường nói và làm, thì mày sẽ bị cưa.”
“Cháu đố ai cưa cháu đấy!” Hazel nói đầy phẫn nộ. “Cháu sẽ đá kẻ đó!”
“Ôi! Chẳng có chút nữ tính nào! Ý tao không phải là cưa như cưa gỗ đâu! Tao muốn nói theo cách ẩn dụ kia – giống như trong Kinh Thánh ấy.”
“Ôi! Chỉ giống như trong Kinh Thánh thôi à,” Hazel nói vẻ thất vọng. “Cháu lại tưởng bác muốn nói đến chuyện gì đó thật hơn kia.”
“Ôi! Mày làm tóc tao bạc trắng mất thôi,” bà Prowde rên rỉ.
Một nữ diễn viên đã đủ tồi tệ rồi, nhưng một kẻ vô đạo thì!
“Cháu sẽ sống để được thấy điều đó – trong dinh thự của riêng cháu, với những chiếc bánh ngâm sô đa của cháu trên đĩa bánh – và với đứa con trai của cháu,” nàng đột ngột nói thêm đầy mạnh mẽ khi Albert bước vào, “để chứng kiến trái tim sợ Chúa của thằng bé tan vỡ!”
Những gì nàng nói khiến Albert bối rối, bởi vì đó là sự thực, mặc dầu nguyên nhân quy cho nó thì không hẳn là thế.
“Hazel đã làm gì thế?” cậu hỏi.
Vẻ trìu mến chất chứa đằng sau lời nói đùa của cậu càng khiến quyết tâm không để Hazel ở lại qua đêm của mẹ cậu trở nên mạnh mẽ.
“Tối nay có buổi nói chuyện sử dụng máy chiếu ảo đăng đấy, Hazel ạ,” cậu nói. “Em có muốn đi không?”
“Ôi! Em muốn chứ.”
“Đi chơi khuya như thế thì mày đi bộ về nhà làm sao được,” bà Prowde nói. “Mày nên về ngay bây giờ đi.”
“Nhưng Hazel sẽ ở lại đây đêm nay mà mẹ, không phải sao?”
“Hazel phải về với cha nó.”
“Nhưng, mẹ, nhà mình có phòng trống mà.”
“Căn phòng trống đó chưa được dọn dẹp xong.”
Albert ỉu xìu; cậu quá thất vọng, quên cả việc phải cư xử đúng mực.
“Con có thể ngủ trên ghế sofa,” cậu nói. “Hazel có thể ngủ ở phòng con.”
“Hazel không thể ngủ ở phòng mày được. Thật chẳng hợp tình chút nào.”
“Vậy thì để cô ấy ở chung phòng với mẹ.”
Bà Prowde đưa ra con át chủ bài. “Tao không ngờ,” bà ta nói, “bố mày mất chưa được ba năm mà mày đã quên đi sự an tịnh của mẹ mày (và những ký ức về bố mày) khi đưa ra một đề nghị như thế. Chừng nào tao còn sống thì phòng đó là của riêng tao. Khi nào tao khuất đi,” bà ta kết luận, hạ đo ván đối thủ của mình bằng sức mạnh vượt trội tích tụ trong nhiều năm, “khi nào tao khuất đi (rõ ràng là tao càng chết sớm thì càng tốt cho mày), mày có thể cho nó vào ở phòng của tao hay phòng của mày tùy thích.”
Khi nói ra những lời ấy bà ta thấy ghê sợ chính bản thân mình. Thật chẳng đúng mực chút nào! Ngay cả cơn tức giận và lòng ghen tỵ cũng không thể biện hộ cho thái độ hằn học đó, mặc dầu chúng có thể biện hộ cho sự tàn nhẫn.
Nhưng trước những lời bất nhã đó đến lượt Hazel gào lên:
“Anh ấy sẽ không bao giờ làm như vậy!” Cái tôi mãnh liệt bùng cháy trong nàng. “Tôi sẽ tự lo cho mình,” nàng kết thúc.
“Mẹ ạ, nếu những chuyện như thế xảy ra,” Albert nói, mắt cậu bỗng long lanh khiến Hazel vỗ tay bảo, “Những ngọn đèn của anh được thắp lên rồi! Đèn của anh được thắp lên rồi!” và bật cười khanh khách. “Nếu những chuyện như vậy xảy ra,” Albert nhắc lại, “thì chúng sẽ xảy ra một cách đàng hoàng, đúng thế, sẽ không ai có thể bàn ra tán vào được gì đâu.”
Cậu đã nói lên tín ngưỡng của cậu và của mẹ cậu.
Cuộc tranh luận chấm dứt ở đó, bởi vì sau bữa trà Albert phải trở lại làm nốt một số công việc. Khi cậu dán vô số những con thiên nga lên tấm vải mềm, cậu tin rằng mẹ mình đã chịu nhượng bộ. Cậu đã quên mất rằng cuộc sống được tạo hình bởi một chiếc rìu với những mảnh gỗ vụn bay tung tóc.
Ngay khi cậu vừa đi khỏi, bà Prowde liền sốt sắng đóng sập cửa lại trước mặt Hazel vì sợ rằng thời tiết có thể sẽ khiến bà mủi lòng. Bà có những viễn cảnh khác dành cho Albert. Sau này, những hậu quả từ hành động của bà đã trở thành chuyện dĩ vãng, bà luôn nói rằng bà đã đối tốt với Hazel ra sao. Bà chưa bao giờ hình dung nổi rằng, tối hôm đó, bà, với sự ích kỷ của mình, đã khiến Hazel phải đặt chân lên con đường tối tăm gió táp, con đường mà nàng đã phải lê chân đi một cách khó nhọc về phía điểm cuối mịt mùng đang ẩn mình nơi xa xăm. Bà Prowde, qua nhiều năm mãn nguyện, đã quay ra hết trách cứ Hazel, Abel, Albert, lại trách cứ ma quỷ, và Chúa Trời (chỉ trách ngầm trách ngầm thôi). Nếu có ngọn lửa nơi luyện ngục cho sự ăn năn vì bản tính khắt khe và ích kỷ đã đóng đinh câu rút tình yêu, thì nó hẳn là phải cháy ở một nơi nào đó khác kia. Nó không chạm đến họ trong thế giới này. Họ đi như ba đứa trẻ đã đi, với áo choàng, tất dài, mũ kín,và thậm chí mùi của lửa cũng không bay tới chỗ họ.
Hazel cảm thấy thiên đường đã đóng – bị khóa kỹ và bị chặn lối. Nàng có thể nhìn thấy ánh đèn lọt ra qua cánh cổng. Nàng có thể nghe thấy những bài hoan ca – sự vui vẻ chưa được chạm tới, và vì thế nó trở thành vĩnh hằng; nàng có thể nhìn thấy những dáng hình rạng rỡ trong giấc mơ của nàng đi tới đi lui. Nhưng thiên đường đã đóng.
Gió chạy xuôi chạy ngược trên những con phố hẹp như một con chó bị lạc, không ngừng rên rỉ. Hazel hối hả bước đi, bởi vì trời đã sâm sẩm tối, và mặc dầu không sợ Callow và những cánh đồng trong đêm tối, nàng lại sợ những con đường trên núi. Bởi vì Callow là nhà, còn những con đường là thế giới mênh mông. Đi đến ven thị trấn nàng nhìn thấy những ngọn đèn bên trong ô cửa sổ phòng ngủ của các gia đình giàu có.
“Ôi! Họ đi ngủ sớm thế,” nàng nghĩ, vì nàng chưa từng nghe nói đến chuyện người ta sửa soạn ăn mặc cho bữa tối. Nàng cảm thấy cô đơn khi nghĩ mọi người sắp đi ngủ. Từ các ngôi nhà khác vọng ra tiếng nhạc dặt dìu, hay tỏa mùi bữa tối thơm phưng phức. Khi đi qua cột đèn cuối cùng nàng bắt đầu khóc, cảm thấy mình như một con thú nhỏ yếu ớt bị lạc. Nàng không còn nghĩ gì đến chiếc váy mới nữa; chiếc khung để làm vòng hoa quá cồng kềnh dưới cánh tay nàng, ít nhiều khiến nàng cảm thấy khó chịu, và Callow dường như xa tít mù tắp ở tận đầu kia của đất nước. Nàng nghe thấy tiếng một con thỏ bị sập bẫy đang kêu ở đâu đó, một tiếng kêu mỏng manh đau đớn khiến nàng không thể cầm lòng. Nàng dừng bước hồi lâu, và trong khi gỡ con thỏ khỏi bẫy nàng làm chiếc váy mới của mình vấy máu. Nàng kêu lên trước vệt máu loang. Cảm giác phồng rộp đau buốt vốn bị phớt lờ trong hành trình buổi sáng giờ trở nên nhức nhối; nàng cố bước đi trên đôi chân trần, nhưng mặt đất quá lạnh và cứng.
Những cơn gió buốt nhảy khắp đồng cỏ như một kỵ sĩ mang cây kiếm dài, và tuyết lén gửi những lời thì thào buồn bã vào trong gió.
Hazel đi được nửa đường về Wolfbatch thì chuyện xảy ra. Lúc ấy nàng vừa ngồi xuống bậc một bục trèo và đang thở phào nhẹ nhõm trước cảm giác dễ chịu mà nó đem lại cho đôi chân của nàng. Bỗng đâu nàng nghe thấy tiếng gì đó rất khẽ vọng lại từ phía xa, âm thanh sắc ngọt và đứt quãng, chắc hẳn là tiếng vó ngựa. Nàng nín thở để nghe xem âm thanh đó có lịm dần theo hướng đường nhánh hay không, nhưng nó lại theo hướng về phía nàng. Nó vọng đến, mỗi lúc một to hơn và có ý nghĩa hơn, gần như trở nên đáng lo ngại trong sự im lặng giá buốt. Hazel bật dậy, đứng trong ánh trăng chập chờn. Nàng cảm thấy tiếng vó ngựa đang đến là cơ hội dành cho nàng. Đó là âm thanh duy nhất trong một thế giới chết choc, và nàng suýt phát khóc khi nghĩ nó đang lịm dần ở phía xa. Âm thanh đó không được phép tắt lịm; nó sẽ không tắt lịm.
“Có lẽ là một người nông dân đi cùng với vợ, họ vừa vớ được một món hời, và người vợ đề nghị ăn thứ gì đó nong nóng cho bữa khuya. Có lẽ họ sẽ cho mình đi nhờ! Có lẽ họ sẽ nói, ‘Mời cô ở lại chỗ chúng tôi qua đêm nhé?’”
Nàng biết đó chỉ là một ao ước ngớ ngẩn; tuy nhiên, nàng vẫn đứng đó trong ánh trăng mờ, với dáng người mảnh khảnh hiên ngang, với màu váy nhợt nhạt trong thế giới ảm đạm.
Một chiếc xe ngựa đang rẽ ở góc đường. Hazel thốt lên những lời cầu khẩn, và người đánh xe vội vã ghìm dây cương.
“Chắc mình say mà nhìn gà hóa cuốc mất rồi,” gã lẩm bẩm một mình, “mình nhìn thấy ma!”
“Ôi, làm ơn đi ông!” Hazel không thể nói gì hơn được nữa, bởi nước mắt nàng đang trào ra.
Gã đàn ông nhìn nàng trân trân.
“Cô đang làm cái quái gì ở đây thế?” gã hỏi.
“Tôi đang đi bộ về nhà. Bà ấy không cho tôi ở lại qua đêm. Chân tôi phồng lên như quả bóng rồi, còn váy tôi thì dính máu.” Nàng nghẹn ngào.
“Tên cô là gì?”
“Hazel.”
“Chỉ thế thôi à?”
Với bản năng tự vệ nàng từ chối cho người lạ biết họ của nàng.
“Ừm, tôi là Reddin,” gã đàn ông nói vẻ cáu kỉnh; “và tôi không hiểu tại sao cô lại giữ bí mật họ tên của mình như thế, nhưng dẫu vậy, cô cũng lên xe đi.”
Khuôn mặt của Hazel vụt bừng sáng. Gã giúp nàng lên xe bởi nàng gần như đã cóng đơ vì lạnh.
“Tay ông,” nàng nói bằng giọng thì thầm bẽn lẽn, khi người đàn ông choàng một tấm chăn quanh người nàng, “tay ông kéo tôi lên xe giống y như câu chuyện về Chúa Jesus và thánh Peter.”
Reddin liếc nhìn nàng để xem nàng có đang nói nghiêm túc hay không. Khi thấy nàng nghiêm túc, gã thay đổi chủ đề.
“Nhà cô còn xa không?” gã hỏi.
“Xa lắm.”
“Vậy cô có muốn nghỉ lại chỗ tôi qua đêm không?”
Cuối cùng thì, dù là muộn, nhưng không hề gì, cuối cùng thì lời mời cũng đã đến, không phải từ bác gái của nàng, mà từ một người xa lạ. Điều đó càng khiến nàng cảm thấy phấn khích hơn.
“Rất cảm ơn ông,” nàng nói. “Nhà ông ở đâu cơ?”
“Cô có biết ấp Undern không?”
“Tôi đã nghe người ta nói đến chỗ đó.”
“Chỗ đó cách đây hai dặm. Cô có muốn đến đó không?”
“Ôi! Mẹ ông sẽ nổi giận mất?”
“Tôi không có mẹ.”
“Thế còn bố ông?”
“Không có.”
“Vậy thì có ai ở đó?”
“Chỉ có Vessons và tôi thôi.”
“Vessons là ai?”
“Là gia nhân của tôi.”
“Vậy ông là quý tộc?”
Reddin thoáng ngập ngừng. Nàng thốt ra câu đó với vẻ sùng kính khiến cái danh quý tộc trở nên vĩ đại.
“Đúng vậy,” cuối cùng gã nói. “Đúng vậy, tôi là một nhà quý tộc.” Gã làm ra vẻ hiên ngang.
“Ở đó có bữa tối chứ, bữa tối nóng sốt chứ?”
“Có, nếu Vessons đang ở trong tâm trạng vui vẻ.”
“Ông đi đâu đêm hôm thế này?” nàng hỏi tiếp.
“Đi hội chợ.”
“Đi đây đi đó tốt cho ông đấy,” nàng nhận xét như thể nghĩ sao nói vậy.
Người gã sặc mùi rượu whisky.
“Cô thật bạo gạn đấy!” gã nói. “Nhìn cô kìa!”
Gã nhìn đăm đăm vào đôi mắt mệt mỏi nhưng sống động của nàng hồi lâu khiến chiếc xe chạy loạng choạng.
“Bà ấy nói vậy,” Hazel lẩm bẩm. “Bà ấy còn nói tôi sẽ trở nên hư hỏng, và bà ấy nói tôi sẽ bị cưa. Tôi vui vì điều đó. Bà ấy đúng là phù thủy.”
“Bà ấy nói cô sẽ bị cưa ư?”
“Đúng.”
Reddin choàng tay quanh người nàng.
“Cô thật xinh đẹp! Đó chính là lý do đấy.”
“Đừng đối xử thô bạo với tôi!”
“Cô phải lịch sự một chút chứ. Tôi đang làm ơn cho cô kia mà.”
Tay gã ôm quanh người nàng và họ tiếp tục nói chuyện theo cách đó, người này băn khoăn tự hỏi không biết thái độ của người kia như thế nào.
Khi họ tới gần Undern, những cánh cổng lớn mở ra, và gã thích thú trước dáng điệu uyển chuyển nhảy lên nhảy xuống của nàng.
Trên cánh đồng của gã, nơi con đường mòn đã bị tuyết phủ trắng xóa, hai con lừa con buồn bã đứng bên mẹ, nhìn thế giới lạnh lẽo bằng ánh mắt thê lương khó tả.
“Này! Nhìn con màu hung đỏ kia mà xem! Hung đỏ giống tôi!” Hazel kêu lên.
Reddin bỗng ghì chặt mớ tóc dài đang để thõng trên vai nàng, quàng thành một vòng quanh cổ mình, rồi tới tấp hôn nàng. Nàng bị vướng víu và không thể tránh những nụ hôn của gã.
Con ngựa tận dụng cơ hội – một cơ hội được chờ đợi từ lâu – để lồng lên, và Reddin quất nó veo véo suốt đoạn đường còn lại. Vậy là trên chiếc xe chạy lóc cóc, cuối cùng họ cũng về đến nhà gã, và được Andrew Vessons đón ở cửa – với đôi mắt ranh mãnh như mắt chim két, rơm trong miệng, và nọc độc của rắn mào gà ở trên lưỡi.