All In Love

Chương 16: Lời của “tôi”



Trước kia, tình cảm giữa tôi và Từ Vi Vũ chẳng mấy nồng nàn. Chỉ thỉnh thoảng gặp gỡ, đi về cùng đường, mà thực ra đoạn đường ấy cũng không dài, ra cổng trường đi chừng 100m đến ngã ba là đường ai nấy đi, cũng chẳng nói chuyện nhiều.

Về sau, có khi cùng lớp, có khi cùng trường khác lớp.

Lúc ấy nào có thấy đặc biệt gì đâu, cùng lắm là... thân thiết hơn bạn bình thường một tí tẹo.

Lên cấp 3, Vi Vũ nói rằng anh sắp đi nước ngoài, tôi hơi bùi ngùi thật (mà nghĩ lại, tôi có thể nói gì, làm gì được đây). Đằng nào chẳng vậy, đi nước ngoài thì đi nước ngoài.

Khi ấy tôi nghĩ mình cũng không buồn bã lắm, ngược lại, anh có vẻ khá khó chịu.

Vẫn nhớ, ngày anh đi, tôi không ra tiễn, thậm chí cả hè năm ấy còn chẳng thấy bóng dáng anh.

Sau khi anh đi.

Có lần, tôi kéo em trai đi hát, không hiểu sao đang hát thì nước mắt tuôn rơi. Tới khi đó tôi mới nhận ra rằng, ừ, anh đã đi thật rồi. Giống như một người bạn luôn ở bên từ nhỏ đến lớn, cứ thế mà biến mất khỏi tầm mắt của tôi.

Hồi bé, Vi Vũ học đàn violin, tôi học vẽ - nhưng không đẹp cho lắm, và Vi Vũ đàn cũng chẳng mấy hay.

Nhưng so với thảm hoạ thể dục thì ít ra Từ Vi Vũ còn có tí tế bào âm nhạc, chắc cũng có thể tạm gọi là một cậu bé tài hoa.

Sau khi đi nước ngoài, mỗi khi gọi điện thoại cho tôi anh đều “bắn tiền” trước.

Câu đầu tiên luôn là, “Tớ nạp tiền cho cậu rồi, cứ nói chậm chậm thôi nhé.”

Anh ở đó rất cô đơn, tôi cảm thấy thế. Cảnh vật nơi đây quá đỗi thân quen, đường sá thuộc nằm lòng, xung quanh còn có bạn bè, người thân. Còn anh, anh ở một nơi hoàn toàn xa lạ.

Anh nói nhớ tôi, tôi thấy cảm động, cũng thấy đau lòng.

Khi ấy nghĩ rằng, ôi, đúng là đồ ngốc. Làm tôi đau lòng.

Có lần đến nhà Lan Lan.

Gần nhà nó có một thị trấn nhỏ chuyên làm đàn violin, là quê hương của loại đàn này.

Khi đi qua chỗ ấy, nhìn nơi nơi bán đàn violin, tôi chợt thấy rất nhớ, rất nhớ một cậu bé.

Nhớ ngày nào anh còn đeo đàn đến lớp âm nhạc, đi qua cửa sổ lớp vẽ không bao giờ quên giơ đàn khoe khoang, chào: Tiểu Khê, tớ đi... học đàn violin nhé.

Và rồi tôi kéo Lan Lan vào, nói muốn mua một cây đàn violin.

Lan Lan nói không biết chơi đàn, kéo violin thì chẳng khác gì quỷ khóc sói gào, kinh lắm, hàng xóm mắng chết.

Nhưng tôi vẫn mua một chiếc, bày trong nhà làm đồ trang trí.

Có đôi khi, tôi nghĩ lại, về mình (mạch suy nghĩ hơi loạn).

Họ nói, tôi rất lạnh lùng với Vi Vũ.

Nhưng thực ra, tôi cũng nhớ anh lắm chứ.

Không biết có phải trùng hợp hay không mà... người nhà, em trai rồi Từ Vi Vũ đều đi nước ngoài.

Chỉ còn mình tôi ở lại... Một, hai, ba, bảy năm. Tôi từng rất cô đơn. Không hiểu sao còn có tư tưởng ngớ ngẩn rằng nước ngoài có gì hay mà những người tôi yêu đều ở đó.

Về sau, bốn năm đại học đã đánh thức tôi.

Để tôi quen những cô gái rất rất tốt, những người bạn của cả một đời.

Có lần đi biển với Lan Lan.

Sau khi ăn tối trong một quán nhỏ, chúng tôi dạo trên bờ. Gần đấy có vài người đang đốt lửa trại, cả nhóm nam nữ vây quanh, trong đó có một cậu bé, à không, phải là một chàng trai, đang kéo đàn violin tặng một cô gái. Mọi người ồn ào: đồng ý đi, đồng ý đi. Bỗng tôi thấy nhớ vô cùng cậu bé violin của mình.

Rồi anh trở về, hai năm sau, Vi Vũ cầu hôn, tôi đồng ý. Tựa như đã chạy hết một đoạn đường rất rất dài, rất rất mệt. Cuối cùng cũng chạm tới đích.

Và giờ, tôi đang nhặt cánh hoa tàn[1] .

( [1] Nghĩa là 'ghi chép, nhặt nhạnh những câu chuyện xưa', thành ngữ có nguồn gốc từ tác phẩm cùng tên của Lỗ Tấn.)