Khi đến một quán nước ở gần địa phận hạt Gia Lâm, Ba Giai vào quán uống nước để tiếp tục lên đường. Lúc ấy, mặt trời đã xế trưa. Bà chủ quán bảo: – Ông khách hãy nghỉ lại, chốc nữa lên đường. Ba Giai hỏi lý do, bà chủ quán cho biết ở cách đây mấy không xa, có một cái cầu cây bắc qua một con kênh nhỏ, cứ giờ này là các cô gái trong làng rủ nhau ra tắm truồng cả lũ. Ba Giai biết vậy, cũng cứ từ giã. Khi ra khỏi quán, Ba Giai lấy khăn bịt mắt lại, giả làm người mù, và lấy một cây gậy. Ðến chỗ gần cầu, Ba Giai vừa đi vừa chống, bước bên này xiên bên kia. Mấy cô đang tắm truồng, nô giỡn dưới kênh, một cô bảo: – Tội nghiệp ông già mù kia, không khéo qua cầu, ông ấy té xuống đây mất. Nói rồi, cô ta để cái thân hình phốp pháp trắng nõn, trần như nhộng, đi lên nắm tay Ba Giai. – Ông già đưa tay tôi dắt qua cầu, không té xuống kênh theo hà bá bây giờ. – Cám ơn cô thương kẻ mù lòa tàn tật. Nói đoạn, Ba Giai nắm lấy cổ tay cô để qua cầu. Khi tới đầu cầu bên kia, Ba Giai hỏi: – Ðã tới chỗ rẽ chưa? – Chưa, hãy còn ở trên cầu, chứ rẽ đâu mà rẽ. Một lúc đến chỗ rẽ, cô gái nọ lên tiếng: – Già ơi là già, chỗ rẽ đây nè! Tức thì Ba Giai mở choàng mắt ra, tay cầm cây gậy chỉ ngay vào chỗ kín của cô nọ: – Chỗ rẽ đây phải không? Nào! Cô kia xấu hổ quá, giằng tay ra chạy, nhảy xuống kênh, la bai bải: -Chúng bay ơi, cái ông già phải gió giả mù! Ðã thế, Ba Giai còn đứng trên bờ kênh gọi xuống: -Xin cám ơn các cô đã dắt lão qua cầu! – Thôi đi đi, đồ phải gió, chơi lỡm người ta còn ơn với nghĩa cái gì? Ba Giai đi rồi, câu chuyện ấy được đồn đại khắp nơi, từ đó trên dòng kênh nọ bóng dáng các cô tắm truồng cũng thưa dần.