Ở các chùa chiền thường có treo một tấm vải dài, viết chữ nho, gọi là ngọn phướn. Theo tích xưa, ngọn phướn ấy là hình ảnh của con rắn bị trừng phạt. Thuở ấy, có anh nông phu nọ bắt được con rắn nhỏ, đem về nuôi nấng kỹ lưỡng. Tuy bận công việc đồng áng, anh vẫn tìm bắt cá, nhái, ếch đem về cho rắn ăn, nhiều khi rắn quá đói, anh nọ sẵn sàng cho rắn ăn mấy con gà nuôi trong nhà. Rắn càng ngày càng lớn, ăn càng nhiều. Hôm ấy, nó than đói. Anh nông phu lắc đầu: – Hết phương thế rồi. Bữa nay ta chưa kiếm được thức ăn cho mầy. Thôi ráng chờ sáng mai đi. Rắn nổi giận, trở mặt, phùng mang trợn mắt: – Ông không nuôi tôi nổi thì tôi phải cắn ông chết. Anh nông phu vô cùng buồn bã, nói với rắn: – Lời tục thường nói: Cứu vật, vật trả ơn. Tại sao mi đem oán mà báo ơn! Bây giờ ta sẵn sàng chịu cho mi cắn, nếu hành động của mi được các loài vật khác công nhận. Rắn gật đầu: – Vậy thì ông đi với tôi. Hai bên bèn lên đường, chập sau gặp con hạc đậu trên ngọn cây. Rắn trình bày đầu đuôi sự việc, hạc nghe xong bèn nổi giận: – Rõ ràng mi là kẻ vong ân bội nghĩa. Nếu không có chủ nhà thì làm sao mi đủ thức ăn, sống đến ngày nay. Rắn chưa chịu thua, nói với chủ nhà: – Ta hãy đi tìm vài con vật nữa. Hai người đi mãi, bỗng gặp con rùa bò lê lết bên bờ ao. Rắn bèn thuật lại hoàn cảnh của mình. Rùa gật đầu: – Mi nên cắn chủ nhà cho hắn chết rồi đời. Hắn nuôi mi tại sao hắn lười biếng để mi chịu đói khát? Chủ nhà nói: – Nãy giờ ta chỉ mới gặp hai con vật, con đồng ý, con phản bội. Để giải quyết, ta cần gặp con thứ ba. Con quạ đậu ngất nghểu trên cành cây được mời xuống, nghe vừa dứt câu chuyện, quạ nổi giận: – Đồ vô ơn bạc nghĩa. Ta đố mi chạy thoát. Rồi quạ mổ liên tiếp vào đầu, vào bụng rắn. Rắn chết ngay tại trận, mình mẩy nát bấy. Nhưng con rắn vẫn chưa chịu thua. Hồn của nó bay vẩn vơ đến tìm đức Như Lai để nhờ phân xử. Phật nghe rõ câu chuyện, phán rằng: – Hạc là loài có nghĩa, từ nay ta cho nó đứng trên cao, rùa nói vô lý, ta cho nó bò dưới thấp. Còn rắn là vật vô ơn, bị quạ giết đáng lắm. Từ nay con quạ hãy tha xác rắn bêu lên ngọn cây, nêu gương cho muôn loài vạn vật soi vào đó mà răn lấy mình. Từ đó về sau, hạc được đứng chầu trên bàn hương án, rùa phải cố sức đội bia đá, quạ đậu trên chót vót cây phướn và hình dáng lòng thòng của lá phướn chính là hình con rắn phơi xác. Nguồn: Sưu tầm Tagged Truyện dân giantruyện dân gian hay