Tuyển Tập Truyện Dân Gian Việt Nam

Chương 90: Chàng Chôm



Câu Chuyện Quà tặng cuộc sống: Chàng Chôm

Chàng Chôm

Ngày xưa, mường Vong có khu rừng Bái Mân. Giữa rừng là làng người ở. Nương rẫy lúa ngô hơi tốt. Ngô lúa đang xanh tươi, thì có trận lũ to ập đến. Mưa suốt bảy ngày tám đêm, hạt mưa bằng quả cà quả khế. Nước ngập cây cỏ, rừng luồng, nước tràn lên ruộng lúa, rẫy ngô. Người Bái Mân đành kéo nhau lên núi thật cao để sinh sống.
Khi mưa tạnh, nước rút đi, ngô, lúa, sắn, khoai cũng thi nhau thối mục. Suối trước làng bị lũ lấp vùi không còn dấu vết. Người làng bỏ đi. Bái Mân vắng vẻ bóng người. Riêng hai mẹ con Mân ở lại làng Bái Mân, vẫn làm nương, làm ruộng, trồng sắn nuôi thân. Rẫy của Mân phát quang hôm nay, thì ngày mai cây cối lại um tùm như chưa hề có ai đụng dao, đụng rìu đến. Mẹ bảo Mân bỏ đám rẫy ấy đi để làm đám khác. Mân tiếc nơi này tốt đất nên cứ phát bừa, Mân chặt cây đến cùn dao, nhưng đâu cũng vào đấy, cây cối vừa đổ rạp xuống, cây cối lại đứng lên xanh um trở lại. Mẹ bảo Mân:
– Nhà ta thiếu tay đàn ông, nên rẫy khó phát nên.
Mân lắc đầu nói:
– Tay con cũng khỏe như tay đàn ông.
Nói rồi Mân lại nhìn lên cây đa, ở ngọn cây đa này có một con chôm[1] to như cột nhà. Lúc đầu hai mẹ con lo con chôm biết phá rẫy, cắn người, mãi sau thấy hôm nào chôm cũng nằm ì trên cành cây thì Mân và mẹ cũng yên lòng.
Một hôm hai mẹ con lên đến chân rẫy thì văng vẳng có tiếng người đuổi nai phá lúa. Đi hẳn vào nương và gọi xem là ai thì chẳng còn nghe tiếng đuổi nai đâu nữa, tìm mãi thì thấy có dấu chân người in trên đất rẫy. Con chôm thì vẫn nằm lặng trên cành cây đa. Khi về nhà Mân nhìn các ống luồng đựng nước ở nhà lều thì ống nào cũng đầy ắp nước, mặc dù trời không hề có một giọt mưa.
Đêm ấy, Mân nằm mơ thấy có người hò hét đào gốc, đẵn cây. Sáng ra, Mân lên rẫy nhìn thấy đám rẫy được dọn sạch quang, chỉ có nền đất màu mỡ chờ tra hạt. Mân về kể lại với mẹ. Hai mẹ con đều lấy làm lạ. Ai đấy hẳn là thương cảnh nghèo của mẹ con nàng mà đến giúp. Mẹ Mân bảo: “Người ấy nếu là con trai thì mẹ gả Mân cho đấy!”.
Tối đến, hai mẹ con trở về thì lại thêm điều mới lạ nữa. Túp lều sàn của họ không cánh mà bay, thay vào chỗ nền đó là một tòa nhà cao cửa rộng.
Cũng lúc ấy, ở trên nương, con chôm liền hóa ra một chàng trai khôi ngô, tuấn tú, áo quần trắng toát. Chàng dẫn một đoàn người ra nương phát cây, đào gốc. Chẳng bao lâu rẫy đã sạch, nương thêm rộng. Làm xong việc, chàng áo trắng đi lại gốc đa, chàng vẫy tay mấy cái thì đoàn người kia cũng biến đi, còn chàng chui ngay vào vỏ con chôm, leo lăn nằm ở cành cây đa. Hai mẹ con Mân trở lên nương, chỉ kịp nhìn thấy người con trai quần áo trắng toát chui vào vỏ con chôm, họ càng lo sợ. Hai mẹ con lại bảo nhau ngồi rình trong bụi. Quả nhiên, được một lúc thì con chôm cựa mình, vỏ chôm tách làm hai và chàng trai nọ lại bước ra, tụt xuống đất. Chàng cất vỏ chôm vào rễ đa rồi mới ra rẫy làm việc.
Chờ cho chàng Chôm ra đến giữa nương, Mân liền chạy ra gốc đa cất ngay vỏ chôm của chàng đi. Nghe tiếng động, chàng Chôm giật mình quay lại thì thấy hai mẹ con Mân đón đường. Không biến được vào vỏ nữa, chàng bèn phải nói rõ ý muốn lấy Mân làm vợ cho mẹ Mân biết. Mẹ Mân gật đầu ưng thuận.
Từ ngày có chàng Chôm làm rể, nhà Mân mỗi ngày một giàu.
Ngày ngày vợ chồng Chôm lên rẫy, mẹ Mân ở nhà chăm nom cửa nhà Mân hỏi chồng:
– Bây giờ nhà ta no đủ rồi, mà không có người làng thì vắng vẻ lắm.
Chàng chưa trả lời, Mân nói tiếp:
Từ năm lũ vùi mất con suốt, dân làng mới bỏ đi nơi khác chàng ạ.
Chàng Chôm hiểu ý, nói:
– Nàng đừng lo, anh sẽ đào giếng khơi phai để dắt nước về làng, lúc ấy chúng ta sẽ gọi dân làng trở về.
Ngay tối hôm ấy, vợ chồng Chôm lên chỗ suối bị vùi lấp. Chàng ngắt một lá sa nhân, cuộn tròn làm loa kèn, rồi thổi lên mấy tiếng “toe toe” thì có hàng trăm người to lớn hiện ra, tiến đến trước mặt vợ chồng Chôm.
Họ cùng vợ chồng Chôm khơi xong lòng suối. Nước từ ngọn núi Bái Mân ập về. Vợ chồng Chôm lại làm thêm phai dẫn nước vào ruộng để cày cấy. Lúa ngô cứ mùa mùa thi nhau về với vợ chồng Chôm.
Tin đồn nhà Mân giàu có loan khắp vùng. Dân làng Bái Mân kéo nhau về xem. Họ thấy lúa ngô xanh tốt, suối Bái Mân đã lại có dòng nước chảy. Mân nói với dân làng:
Đất ta tốt, nước ta ngọt, làm ăn dễ dàng giàu có, mời dân làng ta trở về Bái Mân thôi.
Nghe lời Mân, mấy ngày sau làng Bái Mân lại có nhiều người, nhiều trâu bò, gà lợn. Vợ chồng Mân giúp họ dựng nhà làm cửa, giúp giống ngô, giống lúa.
Dân làng ai cũng khen mẹ Mân kén được rể hiền lành, tài giỏi, khen Mân là cô gái khéo tay hay nết, đã giúp bản làng Bái Mân làm nên bát cơm bông lúa.
Chú thích:
[1] Con chôm: Thuộc họ dế mèn, sống thành bầy, xuất hiện nhiều về mùa hè, mùa thu. Tagged Truyện cổ tíchtruyện cổ tích chọn lọctruyện cổ tích hayTruyện cổ tích Việt Namtruyện cổ tích ý nghĩa