Bấm từng con số đã ghi sẵn trong đầu, một hồi chuông dài ngân lên. Tôi sợ hãi... cúp máy. Sao không nghĩ ra sớm rằng người nhấc máy có thể là anh, lúc đó hoặc là anh sẽ cúp máy, hoặc anh ngượng ngập xin lỗi bằng cái giọng rất nhỏ nhẹ, đại loại là anh biết anh sai, chẳng thể mong em tha thứ, bất cứ hình phạt nào của em anh đều chấp nhận, chỉ cầu xin em để cho anh và chị đến với nhau...
Xem ra, tôi phải một mình đối diện với nỗi cô đơn của mình, chẳng thể dựa dẫm mãi được. Khoác thêm lớp áo phòng khi trời đổ sương, tôi đi bộ hòa vào dòng người náo nhiệt. Đi mãi, chỉ thấy bước chân mệt mỏi và tâm tư thêm nặng trĩu. Giờ này, chắc anh đang hăng hái chỉnh sửa lại bình hoa, kiểm tra đồ đạc bừa bộn trong phòng lại một lần nữa, gỡ bỏ khung hình tôi cười rất tươi mà anh lén chụp hồi đầu niên học. Con gái vốn ưa suy diễn lung tung mà. Tất cả các động tác đó, anh vừa làm vừa huýt sáo bản nhạc “Ơi cuộc sống mến thương”[1]. Anh nói bài hát đó giúp anh tìm thấy lòng tin ở chính mình. Rồi anh leo lên xe trước khi ngắm lại bó hoa lần nữa, cố ôm nó vào lòng vì không muốn mất đi vẻ tươi tắn khi trao cho chị, có thể anh sẽ đi qua con đường này hay bất cứ con đường nào đó mà tôi và anh đã từng đi qua. Chị đứng đợi anh với tâm trạng hân hoan lẫn mong chờ. Anh hỏi chị câu mà anh thường hỏi tôi: “Em đợi có lâu lắm không?”.
Anh bồi bàn nhìn tôi đi một mình với ý dò hỏi. Tôi điềm nhiên lựa một chỗ khuất, kéo ghế ra sát mé bờ sông với động tác nhuần nhuyễn như đã được diễn ra nhiều lần. Thực lòng, tôi chưa nghĩ sẽ có ngày mình đến đây mà không có anh. Anh bồi bàn tiến lại, vẻ thông cảm:
- Đi uống cà phê một mình cũng có cái hay của nó phải không em?
Tôi đáp lại bằng nụ cười gượng gạo nhưng tối quá nên anh chẳng thấy. Người ta có vô vàn lý do để biện hộ ình, để trốn tránh chính mình.
Chiếc đồng hồ trên tháp chuông của ngôi nhà thờ cổ kính thong thả gõ mười một tiếng. Tôi cảm thấy hài lòng vì mình đã vượt qua được thời gian. Nỗi buồn rồi cũng sẽ trôi qua như thời gian mà thôi. Giờ này, chắc mẹ đang tựa cửa đứng chờ, xót xa vì dáng người xanh xao ngày một gầy rộc đi của tôi...
Phố xá thưa người hơn, tôi thấy bóng mình đổ dài trên con hẻm đơn độc. Chỉ ít phút nữa thôi, mùa xuân về rồi, sao vẫn thấy xa xăm vời vợi.
Bước chân tôi khựng lại. Anh đứng sừng sững trước mặt, dáng cao với khuôn mặt hiền từ nhưng cương nghị.
- Anh chờ em suốt ba tiếng, cả mẹ cũng chẳng biết em đi đâu. Em làm anh lo quá!
- Mà sao em tránh mặt anh thế! Cả điện thoại cũng không thèm nhận.
- Anh không tưởng tượng ra mùa xuân này sẽ dài như thế nào nếu không có em.
- Anh có lỗi vì muốn giới thiệu em với gia đình nhưng chưa xin phép em trước. Nếu em không đồng ý…
Tôi chạy đến gục đầu vào vai anh cho thỏa nỗi nhớ mong, tủi hờn. Lời nói lúc này chẳng còn cần thiết. Anh lau dòng nước mắt chảy dài trên má tôi, vỗ về:
- Thôi nào, mẹ đang chờ em đấy!
Bình minh trên cao nguyên
Tôi trở về trong một ngày cuối thu. Trời cao nguyên mưa đến não nùng. Con đường đất đỏ quen thuộc nhầy nhụa nước, lối vào trơn trợt. Tôi bám chặt đám cỏ dại ven đường mà men đi, cỏ khứa vào tay tôi rát buốt.
Nếu là ngày trước, tôi đã khóc. Chẳng phải đau đớn hay có nỗi thống khổ thầm kín nào, vẫn cứ đứng trước gương nhìn vào mà khóc, cốt chỉ để cặp mắt sưng húp lên. Khi đó, mẹ sẽ lo lắng, sẽ rối lên như thể sắp có tai họa lớn. Những ông anh không dám bước mạnh hay nói lớn, đồng loạt kiểm điểm lại mình, cố tìm ra chi tiết nào đã làm tổn thương đứa em gái bé bỏng. Chiều hôm ấy, bố phải bỏ việc ở công trường, gấp gáp chạy về sau cú điện thoại đầy nước mắt của mẹ. Bố nhìn tôi nằm thiêm thiếp trên giường, vẻ mặt đầy căng thẳng. Cho tới khi bố đến thật gần, tôi mở mắt choàng tay qua cổ bố. Biết tôi giả đò nhưng bố không giận, chỉ đe: “Từ giờ không được đùa kiểu ấy, đứa con gái rượu của bố mà có chuyện gì thì bố lo lắm, biết chưa?”.
Ngày ấy, tôi vừa tròn mười ba tuổi.
Mười sáu tuổi, tôi đã ra dáng một thiếu nữ. Lũ bạn gái nhìn tôi thầm ghen tị. Vài thằng con trai thập thò đến tán tỉnh. Những ông anh trai nhìn chúng như nhìn... kẻ cướp. Anh cấm không cho tôi qua lại với bất cứ tên con trai nào, như thể ngoài những ông anh đáng kính của tôi ra, lũ con trai trên thế gian này không tin được. Vì thế mà tôi rất ít bạn. Một buổi sáng đẹp trời, tôi hốt hoảng khi phát hiện một “ả” mụn nằm hiên ngang trên mặt. Tôi khóc rấm rứt, buổi chiều đưa cặp mắt sưng mọng đến lớp. Nam nhìn, lo lắng hỏi, giọng thiết tha hơn hẳn mọi ngày:
- Hương sao thế? Đau ở đâu à?
Từ đó, tôi càng “hăng say” khóc, chỉ để được nghe giọng nói ấm áp ấy kèm theo ánh nhìn rất lạ của Nam.