"Chị biết thế nào em cũng sa vào tất cả chuyện đó mà," chị gái tôi nói mấy ngày sau, khi tôi gọi cho chị kể về cuộc di cư đến Atlanta - có vẻ như - có tiềm năng sẽ xảy ra. Giọng điệu của chị không tỏ ra quá phê phán, nhưng là kiểu giọng rõ ràng có sự kiểm chế. "Chị biết ngay mà."
Còn em thì biết ngay chị sẽ phản ứng thế này mà, tôi nghĩ, nhưng vẫn nói, "Em không gọi nó là ‘sa vào’. Thứ nhất, bọn em vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng…"
Suzanne cắt ngang, "Chỉ cần hứa em sẽ không bắt đầu nói bằng giọng miền Nam nặng trịch."
"Người Atlanta đâu có nói quá nặng," tôi nói. "Chỉ thỉnh thoảng thôi… Andy còn gần như chẳng khi nào nói nặng."
"Và đừng có mà bắt đầu dùng cái từ bọn tui," chị nói với giọng ảm đạm, như thể đang yêu cầu một lời cam kết rằng tôi sẽ không gia nhập vào một giáo phái đáng sợ và uống thứ nước thánh của họ. "Em là dân Yankee, đừng có quên điều dó."
"Okay. Nếu bọn em chuyển - và đó vẫn là nếu thôi đấy - em sẽ giữ mình chống lại ngữ âm nặng trịch, và em sẽ trung thành bênh vực cho chúng tôi thay vì bọn tui. Em cũng thề không bao giờ lái một chiếc xe hàng mui trần, phất phơ lá cờ Hợp bang, hoặc chưng cất whiskey ở sân sau nhà, nghỉ ngơi sau công việc phân loại đồ bẩn cần giặt thành hai chồng sáng màu và tối màu.
Bất chấp cảm giác trước sau như một tôi nhận thấy từ Suzanne rằng chị hoàn toàn không ưa gì Andy và Margot cũng như thế giới của họ, tôi vẫn mỉm cười. Tôi yêu thương chị sâu nặng, và thật tuyệt vời khi cuối cùng cũng được nghe giọng chị sau nhiều tuần chỉ kết nối được với máy trả lời tự động. Từ thời đại học, chỉ thỉnh thoảng chúng tôi mới liên lạc với nhau, tùy thuộc vào thời gian biểu của cả hai, và quan trọng hơn, tùy thuộc vào tâm trạng của Suzanne. Đôi khi chị cứ thế biến mất, và không một sự quấy quả nào đưa chị tái xuất được nếu chị chưa cảm thấy ổn thỏa và sẵn sàng.
Kết quả là, tôi đã học được cách kê ra một danh sách các chủ đề được thuờng xuyên cập nhất, để rồi lúc này đây, tôi lôi danh sách đó ra từ cuốn sổ công tác của mình. Tôi biết mình sẽ không quên những vụ quan trọng - như Atlanta hay Drake - nhưng tôi không bao giờ muốn những câu chuyện vụn vặt bị bỏ qua vì sợ rằng cuộc trò chuyện của chúng tôi sẽ mất đi cảm giác thoải mái thường ngày của nó. Tôi không thể tưởng tượng được chuyện đó xảy ra, nhưng tôi cũng biết rõ nó là chuyện bình thường giữa chị em gái, đặc biệt khi họ không sống gần nhau hay không có nhiều điểm chung - hoặc quan trọng hơn, không có một người mẹ giữ cho họ bên nhau. Không hiểu vì sao tôi cảm thấy nếu tôi kể với chị những câu chuyện đời thường trong cuộc sống của mình - dù đó là về loại kem bôi quầng mắt tôi đang sử dụng, hay bức email tôi bất ngờ nhận được từ một anh chàng quen biết qua loa từ thời trung học, hoặc kỷ niệm vui vẻ nào đó về lần bố mẹ đưa chúng tôi đi mua giày để tựu trường vào một Ngày lao động - chúng tôi sẽ không bao giờ sa vào kiểu trao đổi chỉ những chủ đề giữa chị em trong nhà. Chúng tôi sẽ luôn gần gũi hơn là hai người phụ nữ trưởng thành gọi điện hỏi han nhau chỉ thuần túy vì trách nhiệm gia đình.
Thế nên tôi điểm một lượt các vấn đề trong danh sách của mình rồi cập nhật tình hình của chị - những chuyện thật ra không hẳn mang tính cập nhật, đúng hơn là thực tại không có gì thay đổi. Cụ thể là, Suzanne vẫn ghét công việc tiếp viên cho hãng hàng không US Airways, và chị vẫn chưa đính hôn với anh bạn trai Vince. Chị đã duy trì được cả công việc lẫn Vince đến gần sáu năm, cả hai đều phù hợp với lối sống tự do của chị khi được chị tiếp nhận vào cuộc đời mình. Nhưng giờ đây, ở tuổi ba mươi sáu, chị thấy mệt mỏi khi phải phục vụ đồ uống trên máy bay cho những kẻ thô lỗ, và chị còn thấy mệt mỏi hơn khi phục vụ đồ uống cho Vince và đám bạn ranh của anh ta trong khi họ cổ vũ cho các đội hockey Steelers, Pirates và Penguins. Chị muốn đời mình thay đổi - hoặc ít nhất chị muốn Vince thay đổi - nhưng không thực sự biết phải làm sao để điều đó xảy ra.
Chị cũng rất cứng đầu cứng cổ, không bao giờ hỏi lời khuyên từ cô em gái. Nói như thế không có nghĩa là tôi sẽ biết nói với chị điều gì. Vince, tay chủ thầu Suzanne đã gặp gỡ và trao đổi số điện thoại trong một lần tắc đường, là người không mấy đáng tin, khó có thể phó thác, và từng sống với một vũ nữ thoát y tên là Honey. Nhưng mặt khác anh ta là con người ấm áp, hóm hỉnh, lúc nào cũng vui như tết. Và, điều quan trọng nhất, Suzanne thực lòng yêu anh ta. Thế nên tôi đã học được cách chỉ chìa ra cái tai thông cảm - hoặc cười phá lên lúc có chuyện vui thú, chính là điều tôi đang làm lúc này đây khi chị kể tỉ mỉ chuyện Vince đã đưa cho chị một hộp nhẫn không gói bọc vào ngày Valebtine ngay sau khi họ làm tình. Hiểu rõ Vince, tôi khá chắc câu chuyện này sẽ đi đến đâu.
"Ôi, không," tôi kêu lên, lại quay về với công việc kiểm tra đồ cần giặt.
"Ồ, có đấy," Suzanne nói. "Và chị nghĩ, ‘Đừng có điên khùng như thế. Nói với tôi rằng tôi đợi tới gần sáu năm không phải để rồi nhận lấy một cuộc cầu hôn tồi tệ vào ngày Valentine. Trên giường, ngạc nhiên chưa. Và, Chúa ơi, chuyện gì sẽ xảy ra nếu là một chiếc nhẫn hình trái tim?’… Nhưng cùng lúc đó, chị lại nghĩ, ‘Hãy nhận lấy cái ngươi được nhận, cô nàng ơi. Kẻ ăn xin không có quyền lựa chọn’."
"Vậy nó là cái gì?" tôi hỏi đầy chờ đợi.
"Một chiếc nhẫn mặt ngọc hồng lựu. Viên đá sinh nhật khốn khiếp."
Tôi cười phá lên - chuyện quả là tệ thật. Nhưng mà, cũng có chút chút ngọt ngào. "Ái chà," tôi kêu lên. "Anh ta đã cố gắng đấy chứ."
Suzanne phớt lờ câu bình luận của tôi và nói, "Trên đời này có kẻ khốn nào quá mười tuổi rồi mà vẫn còn quan tâm đến đá sinh nhật chứ?... Em có còn nhớ nổi đá sinh nhật của em là gì không?"
"Một loại tuamalin," tôi nói.
"Tốt, chắc chắn chị sẽ bảo Andy làm y như thế cho em. Hãy nhận lấy chiếc hộp ngọt ngào đó ở Atlanta với một viên tuamalin nhé," Suzanne bật lên tiếng cười khanh khách đến đứt ca hơi không lẫn vào đâu được của chị, khi đó tôi nghĩ rằng chính sự hài hước đã giúp chị không vướng vào nỗi tuyệt vọng dễ thấy. Cả cảm giác đó lẫn cái sự thật rằng, bất chấp cách hành xử đao to búa lớn cay nghiệt của chị, chị có trái tim hết sức dịu dàng. Đáng lý ra, chị có thể cảm thấy cay đắng theo đúng kiểu cay đắng của rất nhiều phụ nữ đang mong chờ đến tuyệt vọng một chiếc nhẫn, nhưng chị không như vậy. Và mặc dù tôi nghĩ chị có đôi khi ghen tị với số phận may mắn hơn, hoạn lộ thênh thang hơn của tôi, chị vẫn luôn là người chị lớn thực lòng mong mỏi những điều tốt đẹp nhất cho tôi.
Thế nên tôi biết chị sẽ chỉ cảm thấy hạnh phúc khi nghe về buổi chụp hình Drake của tôi - điều tôi đang say sưa kể với chị lúc này đây. Cũng giống Andy, Suzanne hâm mộ Drake, nhưng bởi các hoạt động cộng đồng tích cực của ông thì hơn là vì âm nhạc. Mặc dù không có vẻ bề ngoài hippy - chị đã bỏ thuốc lá và thôi đi dép lê ngay sau giai đoạn là fan cuồng của ban nhạc Grateful Dead thời đại học - chị vẫn hết sức say mê những vấn đề liên quan đến các mối quan tâm lớn lao của chị, đặc biệt là về môi trường và sự đói nghèo của thế giới thứ ba. Và với từ say mê, tôi không định nói rằng chị đơn giản chỉ có nói và nói - Suzanne thực sự xắn tay lăn vào cuộc và làm những điều dẫn đến thay đổi - những hành động đối lập lạ thường với sự trì trệ vốn luôn tồn tại như bệnh dịch trong cuộc sống cá nhân chị. Chẳng hạn như, thời chúng tôi còn học trung học, chị hiếm khi có thể tới lớp và duy trì điểm C trung bình, bất chấp chỉ số IQ thiên tài của chị - cao hơn tôi mười bốn điểm, điều này chúng tôi biết được nhờ xem trộm hồ sơ của bố mẹ. Nhưng chị lại có thời gian và năng lương để thành lập nhóm hiến chương Ân xá Quốc tế và tuyên truyền những kiến nghị hối thúc chính quyền đầu tư thùng rác tái chế trong các quán ăn tự phục vụ - một thứ mà vào thời điểm đó chưa hề có tiền lệ, ít nhất là trong thị trấn chúng tôi.
Và tới tận bây giờ, chị dường như vẫn luôn can dự đến một số nhiệm vụ công ích hoặc gì đó khác - kiểu như tình nguyện trồng cây ở các công viên và nghĩa trang công cộng, hoặc gửi thư hùng biện tới các nhà lập pháp, hoặc thậm chí hành quân tới New Orleans sau trận bão Katrina để chung tay sửa chữa nhà cửa cùng tổ chức Hỗ trợ Chỗ ở cho Nhân loại. Khi Suzanne nói về hàng loạt kế hoạch của chị, tôi nhận thấy mình ước gì bản thân đã tích cực làm nhiều điều tốt đẹp hơn, giới hạn hành động tích cực của tôi là đi bầu cử vào tháng Mười một hàng năm (nhân tiện, điều này còn khá hơn một chút so với những gì tôi có thể nói về Andy, người chỉ đi bầu vào các dịp bầu cử tổng thống).
Quà nhiên, khi tôi kể xong chuyện Drake - giấu nhẹm những phần về Leo đi - Suzanne thốt lên, "Ôi. Em may mắn đấy."
"Em biết," tôi nói, cảm thấy khao khát được kể cho chị nghe toàn bộ câu chuyện, rằng may mắn thực ra không hề góp chút công nào trong vụ này cả. Trên đời này nếu tôi có thể giãi bày tâm sự cùng ai đó, người ấy hẳn sẽ là Suzanne. Không chỉ vì sự trung thành của tình máu mủ giữa chúng tôi - và một sự thật đơn giản là chị không có liên hệ với Andy - mà còn vì chị thực sự là người duy nhất trong đời tôi dường như không ghét Leo. Hai người mới gặp nhau có một lần, và chẳng chuyện gẫu gì nhiều, nhưng tôi có thể nói rằng họ đã trò chuyện chốc lát và có sự quý trọng thầm lặng dành cho nhau. Tôi nhớ mình đã nghĩ rằng họ thực sự sở hữu một số nét tương đồng - bao gồm quan điểm chính trị xã hội; thói quen giễu cợt đầy chua chát nhiều thứ trong sinh hoạt chính trị chính mạch; sự hóm hỉnh sâu cay; và kiểu cách bề ngoài chứa đựng sự tương phản, song song tồn tại cả niềm thiết tha lẫn vẻ lạnh lùng hết sức. Ngay cả khi Leo phá nát tim tôi, và tôi biết chắc Suzanne thù ghét Leo sâu sắc, chị vẫn tỏ ra thản nhiên hơn là che chở. Chị nói mỗi người đều cần gục ngã một lần - đó là một phần của cuộc sống - và rằng rõ ràng mọi thứ chẳng có gì đáng ta thán. "Bây giờ còn tốt hơn khi đã tay xách nách mang ba đứa con," chị nói thế - tuy nhiên tôi nhớ mình đã nghĩ tôi thà chọn vế sau còn hơn. Tôi thà có gì đó trường tồn với Leo, bất kể nỗi đau nhân lên đến chừng nào.
Dù sao đi nữa, tôi đã cưỡng lại được mong muốn nói với chị về anh ta lúc này, thầm nghĩ Leo thực sự là một vấn đề dễ gây tranh cãi. Vả chăng, tôi không muốn chuyện này nhuốm màu sắc bất công lên những quan điểm của chị về quan hệ giữa tôi với Andy, và tôi không thể để cho nó xếp hàng vào cái nhìn ảm đạm của chị về chuyện hầu hết mọi cuộc hôn nhân đều có tì vết này hay khác. Hoặc một người hoặc cả hai trở nên nguội lạnh, hoặc người này không thỏa mãn, hoặc người kia ngoại tình hay chí ít là suy tính đến điều ấy. tôi đã nghe chuyện ấy suốt suột, rất nhiều lần, và cái sự thật bố mẹ tôi dường như đã vô cùng hạnh phúc bên nhau không bao giờ làm lung lạc được chị vì chị khăng khăng cự tuyệt lập luận đó bằng một lập luận khác, "Dù sao thì làm thế nào chúng ta thực sự biết được chứ? Khi đó chúng ta còn con nít," hoặc thậm chí buồn cười hơn, "Cho là thế, thì sao nào? Mẹ mất rồi. Nhớ chứ? Rõ là một câu chuyện thần tiên nhảm nhí."
Margot vô cùng kinh hãi trước những tràng đả kích đầy hoài nghi của chị tôi, cô cho rằng đó chắc chắn là cách Suzanne hợp lý hóa tình trạng chưa kết hôn, chưa đâu vào đâu của chị. Tôi có thể thấy được đôi phần sự thật trong suy nghĩ đó, nhưng tôi nghĩ cũng có chút gì đấy kiểu gà có trước hay trứng có trước ở đây. Nói cách khác, nếu Suzanne có thêm một tí truyền thống và lãng mạn hoặc thực sự tung ra một tối hậu thư giống như hầu hết các cô gái trên hai mươi lăm tuổi ở thị trấn chúng tôi, tôi thật lòng nghĩ rằng Vince sẽ thay đổi thái độ khá dễ dàng. Anh ta quá yêu chị nên không thể để chị bỏ đi. Nhưng nhờ tất cả luận điệu phê phán hôn nhân của Suzanne, Vince có lý do xác đáng để trì hoãn đám cưới mà vẫn cảm thấy vô tội. Thực sự thì, tôi nghĩ anh ta phải chịu áp lực từ bạn bè chung của hai người và gia đình anh ta nhiều hơn là từ Suzanne - và thường thì chị sẽ hùa vào kiểu như, "Không phải cháu có ý vô lễ đâu dì Betty, nhưng xin hãy lo chuyện của dì đi… Và cứ tin cháu, Vince không hề là kẻ trục lợi."
Nhưng rốt cuộc, chẳng có cơ hội nào để bàn đến chuyện Leo bởi vì Suzanne đã thốt lên, "Chị sẽ lên chỗ em," bằng cái giọng bà chị quyền uy của mình.
"Chị nghiêm túc chứ?" tôi hỏi.
"Phải."
"Nhưng chị đâu phải kẻ mê sao," tôi nói, nghĩ rằng chí ít chị cũng giả vờ không phải thế, mặc dù tôi từng khám phá ra chị đã sưu tầm báo suốt nhiều năm, trong đó có cả một tờ National Enquirer ấn bản đặc biệt.
"Chị biết. Nhưng Drake Watters cũng đâu phải ngôi sao điển hình của em. Anh ta chỉ là… Drake. Chị sẽ đến."
"Thật hả?"
"Thật chứ. Sao không?" chị nói. "Chị cũng đã định lên thăm em mấy tháng nay rồi - và chẳng có gì khó khăn với chị khi bay một chuyến tới L.A."
"Tất nhiên rồi," tôi nói, thầm nghĩ đó chính là phần tuyệt vời nhất trong công việc của chị - và xem chừng cũng là lý do khiến chị dính tít lấy nó. Suzanne có thể cứ thế đi tới bất kỳ nơi đâu, bấy kỳ khi nào chị muốn.
"Chị sẽ là trợ lý của em… Khỉ thật, chị sẽ làm việc không công."
"Platform có cử một trợ lý hành nghề tự do," tôi nói, không sẵn lòng đồng ý, mắc dù tôi không chắc tại sao.
"Thế chị sẽ là trợ lý của trợ lý. Chị sẽ cầm cái đĩa bạc to bự gì đó cho em như chị từng làm hồi em chụp ảnh sông Monongahela cái ngày mùa đông lạnh cóng mông đó. Nhớ chứ? Nhớ chuyện chị đã đánh rơi găng tay và suýt chút thì đóng băng chứ?"
"Em nhớ," tôi nói, thầm nghĩ Suzanne sẽ không bao giờ để người ta quên đi những điều hiển nhiên như thế. "Vậy chị cũng nhớ ngày hôm sau em mua cho chị một đôi găng tay mới chứ?"
"Có, có chứ. Chị vẫn nhớ đôi găng rẻ bèo đó," chị nói.
Tôi bật cười nói, "Chúng đâu có rẻ bèo."
"Rẻ bèo," chị nói. "Thế đền bù cho chị đi, cho chị tới L.A nhé."
"Thôi được." tôi nói. "Nhưng không bút tích đâu đấy."
"Thôi nào," chị nói. "Chị đâu phải kẻ không hiểu chuyện như thế chứ."
"Và không được phàn nàn về đôi găng nữa."
"Đồng ý," chị nói một cách trịnh trọng. "Không bao giờ nữa."
Mấy ngày trôi qua, trong khi Andy đi kiểm chứng hồ sơ pháp lý ở Toronto, tôi tập trung cho buổi chụp hình, giải quyết các công việc hậu cần, thảo luận vài lần với biên tập viên ảnh của Platform và đạo diễn nghệ thuật, được người này cho biết rằng trọng tâm bức ảnh sẽ là hoạt động nhân đạo của Drake. Vì thế, họ muốn hai đến ba "bức chân dung u buồn, phong phú về thị giác, mang màu sắc môi trường."
"Cô đã dự định tình huống ảnh nào chưa?" tôi hỏi biên tập viên ảnh, lần đầu tiên cảm thấy gợn sóng căng thẳng.
"Đó là điều chúng tôi cần ở cô," cô ấy nói. "Chúng tôi đã xem tác phẩm của cô trên website. Rất ngưỡng mộ. Đẹp sững sờ đến vậy. Cứ làm theo ý cô thôi."
Tôi cảm thấy sự tự tin tăng lên và thoáng chút hồi hộp như tôi vẫn luôn cảm thấy mỗi khi ai đó đánh giá cao công việc của tôi. Tôi hỏi liệu tôi có thể bắt đầu ở một quán ăn tôi đã tra cứu được từ Internet chỉ cách Beverly Wilshire có vài cây số không. "Đó là một quán ăn hoài cổ cổ điển với tông màu trắng đen, sàn gạch hình lục lăng và ghế ngồi màu đỏ," tôi nói, thầm nghĩ nó không khác gì cái quán nơi lần cuối cùng tôi gặp Leo. "Cô biết đấy, màu đỏ sẽ là một kiểu biểu trưng cho hoạt động phòng chống AIDS của ông… Tôi nghĩ như thế có thể thực sự trông rất tuyệt."
"Xuất sắc," cô ấy nói. "Tôi sẽ gọi cho đại diện báo chí của Drake để xin đồng ý."
"Tuyệt," tôi nói, như thể tôi đã nghe những lời như thế ngàn lần trước đây.
Mấy phút sau, cô ấy gọi lại nói, "Gửi địa chỉ chính xác của quán ăn nhé, Drake và người của ông ấy sẽ có mặt ở đó lúc ba giờ đúng. Chỉ báo trước thế này, lịch làm việc của ông ấy thực sự rất căng. Cô phải tác nghiệp thật nhanh. Cô sẽ chỉ có khoảng hai mươi đến ba mươi phút thôi. Ổn chứ?"
"Không vấn đề. Tôi sẽ có những bức hình ấy, ‘ tôi nói, giọng nghe chuyên nghiệp hết sức, tự tin hơn nhiều so với những gì tôi thực sự cảm thấy.
Tôi gác máy rồi gọi cho Suzanne, hỏi chị xem liệu hai mươi phút có còn đáng giá một chuyến bay xuyên lục địa không. Chị không hề lung lay ý định.
"Hai mươi phút với người cao quý vẫn là hai mươi phút với người cao quý. Và đương nhiên là cao quý hơn những người chị vẫn thường gặp bao lâu nay," chị nói.
"Hay lắm," tôi nói. "Chỉ cần đừng để anh chàng Vince cực kỳ nghe thấy chị nói thế."
Suzanne cười nói, "Ôi, Vince biết anh ấy tầm thường bậc nhất rồi."
"Chí ít anh ấy biết vị trí của mình," tôi nói.
"Phải," chị nói. "Vì chẳng có mấy thứ tệ hơn một gã đàn ông không biết vị trí của mình."
Tôi bật cười, ghi nhớ câu nói truyệt vời này của Suzanne, nhưng không đánh giá được đầy đủ độ chính xác của nó cho đến khi tôi bay tới L.A ba ngày sau.