Đêm hôm đó, Vân lại mơ thấy Sơn. Cô gặp anh trước cửa trung tâm thương mại rực rỡ ánh nắng. Anh cười. Gương mặt đẹp trai của anh mang nét tinh nghịch hiếm có. Vân muốn chạy đến để ngã mình trong vòng tay thô ráp ấm cúng của anh, nhưng không hiểu sao chân cô như hóa đá. Vân gọi lớn:
- Anh Sơn!
- Thiên Vân! – Giọng anh vang lên xa xôi.
- Em không đi được! Em không tới được bên anh.
- Em có nhớ lần đầu tiên chúng ta gặp nhau ở đâu không?
- Em nhớ chứ! Chúng ta đã cùng nhau leo lên dãy Hoàng Liên Sơn.
- Đúng rồi! Đỉnh Fanxipan cao nhất Đông Nam Á, nóc nhà Đông Dương. Lúc đó em cũng bị đau chân. Chân em bị chuột rút co quắp không thể đi được.
- Anh đã không bỏ em lại giữa chừng. Anh đã dừng lại để đợi em.
- Nhưng lần này anh không thể đợi em được. Anh đang vội lắm.
- Anh Sơn, đừng đi, đừng đi… Hãy nghe em nói đã! Đừng bỏ em!
- Anh không bỏ em. Nhưng đến lúc em phải bước tiếp thôi.
Nụ cười của Sơn nhạt dần. Bóng anh chìm trong màn sương mờ mịt.
- Kh…ô…ô..ng! – Vân hét lên. Hai tay cô vùng vẫy hết sức để lao về phía trước. Nhưng đôi chân vô lực vẫn không nhúc nhích.
Không! Vân choàng tỉnh. Ánh nắng mặt trời bên ngoài đã lên dầy. Ô cửa sổ màu vàng nhạt với hai cánh cửa mở rộng đón ngọn gió mát lành buổi sớm. Giấc mơ vẫn lơ lửng đâu đó trong tâm trí của cô, giống như một trái bong bóng không màu sắc. Nó bay lơ lửng trên trần nhà, nhưng không tài nào với tới được. Vân thẫn thờ nhìn chiếc gối của cô ướt đẫm nước. Đã lâu rồi, cô không khóc nhiều như thế, cả ở đời thực lẫn cả trong giấc mơ.
Cái bụng rỗng kêu ọc ạch. Tối qua về nhà cô xơ xác như con mèo nhỏ đi lạc. Cô không kịp ăn tối, chỉ biết nằm vật ra giường vì hoàn toàn tê liệt. Rồi cô ngủ. Và mơ về Sơn.
Vân lục trong tủ lạnh, lấy ra một gói mì và mấy nhánh mùi. Một lát sau, trong bếp bốc lên mùi thơm lừng của mì vị thịt bằm. Vân theo thói quen lấy ra chiếc kéo, cắt rau mùi vào trong nồi mì, dùng chính chiếc kéo đó khoắng khoắng cho rau tan ra. Ban đầu khi thấy cô dùng kéo nấu ăn, Sơn nhìn cô vẻ ghê sợ. Nhưng sau đó, mỗi lần nấu mì, anh lại là người nhận phần đi lấy kéo cắt rau mùi. Những kỷ niệm từ lâu từ lâu, ngủ ở một xó xỉnh nào đó rất yên của ký ức lại cứ tự nhiên ập đến không báo trước.
Cô ngồi yên lặng trên ghế so-pha ăn mì, đầu tiên là húp hết nước, sau đó mới ăn đến sợi mì. Sơn thì lại khác, anh chỉ ăn cái, bỏ nguyên lại tô nước. Cô thành thật khuyên anh: “Bao nhiêu chất ra, nó ngon ở cái nước. Anh ăn thế uổng công em nấu mì!” Anh còn đang làm mặt giận chuyện cô lười đi chợ, nghe cô nói thế liền ngây thơ hỏi: “Thật à?” Cô đắc ý nói: “Thật chứ! Mì ngon là ở nước lèo mà”. Tưởng nói chơi vậy thôi, ai ngờ anh cũng tin thật. Khi ăn mì xong, anh húp nước rồn rột. Sau này hỏi ra mới biết, anh không phải là tin lời giải thích của cô, mà chỉ là để khỏi phải uổng công cô nấu mì.
Dỗ yên cái bụng đói bằng tô mì đắng chát vô vị, cô đem tô để vào bồn rửa. Tối qua trong giấc mơ, Sơn có nhắc tới chuyến leo núi Fanxipan. Chuyến du lịch tình cờ mà trở thành định mệnh đưa anh và cô đến gần nhau.
Cách đây năm năm, vào một ngày buồn chán nhất của tuổi hai mươi ba, cô quyết định sẽ xách ba lô đi du lịch. Hồi còn ngồi ở mái trường đại học, nhiệt huyết sục sôi, cô đã cùng nhóm bạn hùng hổ tuyên thệ rằng họ, những sinh viên ưu tú nhất của khoa Ngoại ngữ, sẽ phải đi đến những nơi sau đây, dẫu là một lần trong đời. Họ thuộc nằm lòng danh sách 5 điểm – phải – đến trên dải đất chữ S thân yêu trước khi chết:
1. Một là Lũng Cú, cột mốc số 0: tới để lấy được một viên sỏi tại điểm đầu của Tổ quốc.
2. Hai là Đất Mũi Cà Mau: tới phải lấy được một chai nước tại điểm cuối của Tổ quốc.
3. Ba là Đỉnh Fanxipan: Để thể hiện khát vọng khám phá và chinh phục.
4. Bốn là Nhà tù Côn Đảo: để được tận mắt chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh.
5. Và cuối cùng là Huế: để … ăn một tô cơm hến.
Mấy cô gái vào quán chè ăn thề đứa nào cho tới tám mươi tuổi mà chưa thực hiện được hết danh sách này thì “chết không được mặc đồ Triump”.
Vân chưa đi được điểm nào trong danh sách năm địa điểm trên. Cô không đắn đo chọn ngay phần leo núi, vì mục đích của nó chính là thứ cô đang thiếu: Thể hiện khát vọng khám phá và chinh phục. Lúc đó cô đang bế tắc. Hoang mang với khả năng của bản thân và bất mãn với những chỗ làm không phù hợp với chuyên môn. Vân tới văn phòng du lịch gần chỗ thuê nhà để đăng ký. Một nhân viên nam đón tiếp cô rất nhiệt tình. Theo sự hướng dẫn của anh ta, Vân đóng tiền đăng ký tour leo núi 2 ngày một đêm.
- Em muốn đi khi nào? – Anh ta hỏi.
- Ngay lập tức!
- Em gái máu quá! Nhưng tour này không dễ với phái nữ đâu. Lên đến lưng chừng núi mà “tạch” thì chả ma nào cõng xuống cho được. – Anh ta dọa, tất nhiên là sau khi đã thu tiền tour của cô. – Em có thể dục thể thao gì chưa?
- Không, à chưa. Nhưng em không ốm đau bệnh tật gì. Sức khỏe hoàn toàn bình thường.
- Ấy, chớ nói thế! Chả ma nào biết ngày mai mình phát bệnh đâu. Thôi chân tình khuyên em gái dành một tuần tập chạy bộ buổi sáng, mỗi ngày hai vòng quanh công viên gần đây này. – Vừa nói anh ta vừa đưa tay quành về phía bên phải. – Vậy anh gút cho em đi vào thứ năm tuần cuối tháng nhé!
Vân đắn đo, đoạn gật đầu. Thể dục thì thể dục.
- Cám ơn em. À đây, văn phòng bọn anh tặng em cái mũ lưỡi trai này, đội vào mà tập cho nó máu.
Cái mũ của văn phòng du lịch may hàng loạt bằng một thứ vải tồi giản đơn. Vân nhớ là cô còn giữ chưa vứt đi, nhưng chịu, không biết nó lạc ở ngóc ngách nào. Chiếc mũ chỉ được đội đúng một dịp leo núi ấy thôi, còn mới nguyên. Nhưng vì là mũ có in logo của công ty du lịch, chỉ dùng khi đi tour của họ, nên chẳng ai thèm đội nó lúc bình thường. Vân không tiếc chiếc mũ, mà bỏ đi thì thấy tồi tội nên mặc dù biết chắc chắn chả khi nào cô đội nó nữa, cũng không nỡ vứt. Sau nhiều lần chuyển nhà, nhét nó dưới dáy hòm góc tủ, chiếc mũ dường như biến mất. Dù thực tế nó vẫn tồn tại đâu đó trong mớ đồ đạc của cô.