Vụng Dại Tuổi 17

Chương 11: Chương 11




Mải suy nghĩ, bước chân tôi lọt thỏm xuống cái hố to tướng trước mặt, nước bắn lên tận tóc. Mất thăng bằng, tôi chúi người về phía trước, khớp xương chân như rời ra đau nhói. Tôi ngồi hẳn xuống, dựa lưng vào gốc cây sần sùi ven đường, cố cắn răng để nén cơn đau. Sao bỗng dưng thèm được khóc. Từ ngày xa nhà, tôi bỏ hẳn thói quen ấy. Còn nhớ, hồi mới ra trường bị thất nghiệp, tất cả bỗng trở nên túng quẫn, và dường như chỉ cần tồn tại đã là thử thách lớn. Cả tôi với Vân lúc đầu còn “sáng tạo” ra lý do để an ủi nhau, sau này chẳng còn lời nào để an ủi, Vân đề nghị: “Hay là mình cùng khóc cho nhẹ nhõm”. Tôi nghe mà bật cười. Bây giờ, thỉnh thoảng, nó viết thư lên vẫn nhắc: “Mày là đứa bạn keo kiệt nhất mà tao gặp. Tiết kiệm cả nước mắt!”.
Có lẽ do tôi đã khóc quá nhiều chăng? Tuổi trẻ, người ta thường không nhận ra những việc làm của mình là vô bổ. Tôi nhớ, chỉ có lần cuối cùng tôi khóc là có lý do chính đáng nhất. Lần đó, nỗi mất mát quá lớn, quá đột ngột ụp xuống nhà tôi. Cơn lũ khốc nghiệt cướp đi bố cùng hai người anh tôi thương yêu. Mẹ khóc vật vã đến lả đi, tôi chỉ còn biết gục đầu vào vai anh cả cho nước mắt chảy dài...
Hôm ấy, trời vẫn còn bão, mây đen kéo về vần vũ như một con quái vật hung tợn. Gió gào thét như muốn xé toạc cả bầu trời. Giữa lúc ấy, tôi nghe có tiếng cười thật lớn, cười sang sảng, nghe đến rợn người. Mọi người có mặt trong đám tang đều đổ dồn ánh mắt về nơi phát ra tiếng cười. Tôi tròn mắt kinh ngạc: Mẹ!
Kể từ đó, không bao giờ mẹ khóc được nữa.
Mẹ chỉ cười, cười một cách vô thức. Ngày ngày, tôi nhìn mẹ áo quần lem luốc, tóc tai rối bù. Mẹ tôi đó sao? Người chăm bẵm cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ; người đã vắt cạn kiệt tuổi thanh xuân của mình lo cho anh em tôi nên người bây giờ chỉ còn là cái bóng quẩn quanh bên dòng đời khắc nghiệt.

Anh cả lấy vợ trong một ngày đầu xuân, khi hoa ban đã nở trắng khắp triền đồi, nắng vàng óng ả trải đều trên thôn bản. Nghe theo lời chú, anh em tôi gạt nước mắt đưa mẹ về ở tạm trong căn nhà cuối chân đồi, chờ cho xong hôn lễ mới rước mẹ về.
Chị dâu là người cùng làng, chỉ cách một ngọn núi phía đông. Tôi gặp chị một lần hôm tham dự lễ tuyên dương giáo viên giỏi. Chị có cặp mắt sáng và khuôn mặt bầu tròn, phúc hậu. Mẹ không tỏ ra lạ lẫm chị như những người khách lạ. Chị nói gì mẹ cũng nghe răm rắp. Những bữa ăn điều độ, đúng giờ ngày càng giúp mẹ tỉnh táo hơn.
Mùa hè đến cùng với cái nắng gắt gao của vùng cao nguyên vốn đã khắc nghiệt. Ông bác sĩ già vượt qua dãy đồi bằng tình người hơn bằng sức lực ở cái tuổi ngoài bảy mươi ấy. Đường xa như thế, đồi cao như thế! Cớ gì ông chỉ mang đến cái lắc đầu rất nhẹ, nhẹ lắm, nhưng đủ làm tắt ngấm niềm hy vọng mỏng manh trong anh em tôi. Vĩnh viễn tôi không còn nghe được bất cứ lời dạy bảo ôn tồn nào của mẹ. Quá tuyệt vọng, đến nỗi tôi có cảm giác điều đó còn khó chấp nhận hơn cả cái chết. Hôm ấy, bầu trời cao nguyên giăng kín mây, nghĩa trang bị khuấy động bởi một đám tang lớn. Cách đó không xa, tôi thấy những con người vật vã bên quan tài, chợt nhận ra cuộc sống này đáng quý biết bao. Phải chăng, điều ý nghĩa chính là nhờ mối quan hệ nhân sinh ấy.
Đêm đó, tôi không ngủ, nghe văng vẳng từ bên kia đồi giọng hát của một ca sĩ như gào lên trong cơn tuyệt vọng: “Ô hay, tại sao ta sống chốn này, quay cuồng mãi hoài có gì vui...”. Nửa đêm tỉnh giấc, chợt nhận ra mình cần phải có cái gì đó khác đi, dẫu sao thì cuộc đời cũng ngắn ngủi lắm...
Chị tiễn tôi ra đến thị xã, vừa đi vừa căn dặn: “Em cố gắng chú tâm vào học, đừng quá đau lòng về mẹ. Chị tin em sẽ đạt được ước nguyện của mình, nhưng không phải ở thị xã heo hắt này. Cố lên em nhé!”.
Rời xa cao nguyên, tôi mang theo ánh nhìn đầy tin yêu của chị, cả lòng quyết tâm cho khát vọng vừa mới hình thành: được làm cô giáo giống như chị.
Những suy nghĩ miên man đã dẫn bước chân tôi đến nhà lúc nào không hay. Mẹ tôi ngồi trên chiếc ghế bành đặt trước cửa. Đã năm năm trôi qua, tôi chưa đêm nào chợp mắt mà không nghĩ về mẹ, thèm có giây phút nào đó được sà vào lòng mẹ. Con Milu chạy bổ ra sủa inh ỏi. Mẹ dõi mắt về phía tôi. Bà nhìn tôi thật lâu rồi gọi lớn:
- Con dâu ơi, nhà có khách!
Tim tôi nhói lên như có ai đó vừa xiết mạnh. Chị tôi đang loay hoay bên mấy con lợn, vội vã chạy lên. Thấy tôi, chị khựng lại. Chị hốc hác và đen đi nhiều. Tôi chạy đến bên chị, gục đầu trên đôi bờ vai gầy xương và chị ôm lấy tôi. Mẹ nhìn ngạc nhiên lắm, bà đi lại gần hỏi:

- Ai thế?
Chị gạt vội nước mắt, quay sang mẹ nói lớn:
- Là cô Út nhà mình đấy, mẹ không nhận ra à?
Tôi nhìn vào ánh mắt mẹ chờ đợi. Chị quay sang tôi, giọng nghẹn lại:
- Mẹ bị lãng tai em ạ!
Quay sang mẹ, chị nói lớn:

- Là cô Út của cu Bi. Cô ấy đã trở thành cô giáo, hôm nay về thăm mẹ đấy!
Mẹ dõi về tôi ánh nhìn xa lạ. Chị vẫn kiên nhẫn:
- Là cô Út, cô…
Tôi ngắt lời chị: