Your Life Is Around You!

Chương 24: Ngoại truyện cuộc sống là những khó khăn, vất vả! (3)



Gia đình tôi gồm người, trên tôi có một người anh, dưới có một đứa em. Đại khái như vậy cũng khá đông. Hơn nữa, anh tôi bị mắc chứng thần kinh, không phải người bình thường. Em tôi nhỏ tuổi, mọi việc dồn hết vào bố mẹ tôi. So với những gia đình khác, bố mẹ tôi vất vả hơn nhiều.

Năm tôi học lớp 3, nhà tôi sửa sang lại căn nhà mất nửa năm, và mất gần 1 tỷ đồng. Đó là do tôi nghe mẹ nói. Đương nhiên không phải tự nhiên mà có đủ số tiền để sửa nhà. Bố mẹ tôi phải vay mượn khắp nơi, rồi sau khi sửa xong sẽ vừa kiếm tiền vừa trả nợ. Lần sửa nhà đó, bố tôi bị đứt dây chằng ở đầu gối, phải mổ và nẹp chân mất một thời gian, từ đó vết sẹo dài trên đầu gối của bố luôn nhức nhối vào những ngày trở trời.

Sửa xong căn nhà, chưa ở được 3 tháng, bố mẹ tôi cho thuê. Nhà tôi sửa xong rất đẹp, rất cao, cao nhất cả con phố hồi đấy. Nói thực lúc đấy (và bây giờ), tôi vẫn luôn tự hào về căn nhà của mình. Hồi đấy cái gì cũng không quan tâm, đúng là tuổi nhỏ vô tư, chỉ biết bố mẹ nói chuyển nhà thì mình đi theo thôi. Sau này tôi mới biết, đó là do số tiền nợ quá lớn, nên bố mẹ không còn cách nào phải cho người ta thuê 5/6 tầng nhà, với giá gần 400 triệu/năm để rút ngắn thời gian trả nợ.

Từ đấy, hành trình vất vả gian nan để sinh tồn qua ngày của gia đình tôi bắt đầu. Đùa thôi, nói thì to tát, nhưng những gì trải qua trong 6 năm qua, tôi chưa bao giờ quên, chắc chẳng bao giờ quên được. Không phải bi kịch, nhưng cảm giác xa nhà, lạ lẫm với chính ngôi nhà bố xây nên mỗi khi về thăm khiến tôi căm ghét.

Nửa năm đầu tiên sau khi cho thuê nhà, gia đình tôi chuyển đến phố Hoàng Hoa Thám ở, thuê một căn nhà tạm thời. Tôi còn nhớ căn nhà đó không rộng, cũng chẳng đẹp, thực chật chội. Cả nhà có ba gian, một tầng, kéo dài theo hình chữ nhật đứng. Gian trong cùng là một phòng riêng, ẩm thấp, chiếc đèn led duy nhất không xua được cảm giác tối tăm. Đó là phòng học của tôi. Chính nơi ấy, lần đầu tiên tôi biết sử dụng máy vi tính. Bên ngoài cũng chẳng rộng rãi, tất cả chỉ đủ để gia đình tôi sống một cuộc sống hết sức bình thường. Dĩ nhiên khả năng thích nghi của nhà tôi không phải bàn cãi, bố mẹ tôi đều là người lao động tay chân, đã trải mọi sự đời và bao công việc khác nhau rồi, chút khó khăn này chẳng thể làm khó họ.

Chỗ ở đó gần công viên Bách Thảo. Sáng nào tôi cũng cùng mẹ đi tập thể dục đánh cầu lông ở đó. Sau đó về tắm rửa, ăn sáng rồi đi học. Xung quanh cũng có nhiều gia đình khác thuê nhà, nên tôi cũng có bạn bè hàng xóm chơi cùng. Lại nhớ mỗi tối, cả lũ trẻ con trong xóm xếp ghế nhựa ngồi trước cửa nhà tôi ngắm trăng sao (mặc dù không có), nói chuyện nhảm, đố nhau mẹo đủ kiểu. Lại nhớ bên cạnh nhà tôi có một cô mở spa tại nhà, tôi hay lẽo đẽo theo mẹ sang nhà cô ý làm đẹp. Mẹ tôi hay đi vào buổi trưa, nên tôi hay trốn ngủ trưa rồi ôm lấy cái túi đựng truyện của mình đi theo rồi chui vào một góc vừa đọc vừa chờ mẹ.

Nếu nói kỷ niệm tôi nhớ nhất khi ở Hoàng Hoa Thám, có lẽ đó chính là lần mưa to dữ dội gây dột căn nhà gia đình tôi ở. Cái phòng của tôi một nửa chất đồ nhìn như cái kho, bàn học của tôi cũng chỉ chiếm có một góc. Trên tường nhà toàn mạng nhện, lem nhem bẩn thỉu. Bây giờ nghĩ lại không hiểu sao tôi có thể học bài được ở một nơi như thế? Trần nhà có một cái lỗ to bằng hai bàn tay. Khi mưa xuống, đặc biệt là mưa to,nước ở mái nhà ào ào trút xuống, chảy qua cái lỗ, rồi rơi xuống sàn nhà, xuống chồng sách vở tôi để ở dưới. Nước chảy lênh láng từ phòng tôi, sau đó tràn luôn qua cả gian nhà bên ngoài, không khác gì ngập lụt. Tường ở gian bên ngoài cũng bị thấm ướt, chăn gối cất một góc cũng ướt. Đêm đó, gia đình tôi ngủ nhờ kê cao giường lên, lấy mọi tấm sắt thép tìm thấy để kê cao nơi ngủ. Hôm sau thì tôi và thằng em sang nhà bác lánh nạn, để bố mẹ ở nhà dọn dẹp. Căn nhà ngập trong nước, nước cao đến bắp chân. Khó tin, nhưng thật! Nhà dột thì có bao nhiêu nước cũng đều có thể rơi vào nhà bạn.

Nửa năm đầu trôi qua, gia đình tôi tiếp tục chuyển nhà. Lần này, chúng tôi chuyển sang bên ngoại thành ở. Bên đó là nhà ngoại của mẹ tôi. Gia đình tôi chuyển về ở cùng nhà chú dì - tức là bố mẹ của hai anh em Thanh – Châu lần trước. Đó là một khoảng thời gian dài, kéo dài 5 năm rưỡi.

Lúc đó, không, tóm lại là năm năm trước, tôi vẫn ở cái tuổi không suy nghĩ. Nhưng bây giờ nhớ lại, tôi không biết hồi gia đình tôi mới chuyển về, gia đình chú dì có cảm thấy không quen, phiền phức không? Gia đình bạn có thêm một người ở cùng đã cảm thấy không quen, huống chi là cả một nhà 5 thành viên như tôi? Cũng giống như vấn đề người dân tị nạn sang châu Âu không phải cũng được nước nào chấp nhận.

Gọi là ở chung, những thực ra mẹ tôi cũng thuê một mặt tiền tầng 1 của nhà dì thôi. Chỗ đó trở thành nhà ăn, bếp, có một nhà tắm để nhà tôi tắm rửa. Chỗ đó chính là nơi mẹ tôi mở cửa hàng bún để trang trải kiếm sống qua ngày. Tầng thượng nhà dì dùng để phơi quần áo. Còn chỗ ngủ nghỉ, học bài thì nhà tôi phải thuê thêm một căn nhà khác cách nhà dì đúng 20m, tức là cách một nhà hàng xóm(gần mà =.=) Tóm lại kinh phí sinh hoạt gần như bị gấp đôi lên, tiền điện tiền nước ở hai nhà cộng lại quả thực ra một con số không nhỏ.

Tôi chứng kiến thằng em họ Xuân Thanh của tôi từ một học sinh lớp 1 đến lúc nó sang cấp 2. Hóa ra thời gian trôi nhanh như vậy. Tôi trở thành “giáo viên” cho nó, dạy nó học, đánh vần, học toán, tiếng Anh, dạy nó chơi máy tính, lập nick zingme,…hai chị em rất thân thiết. Dĩ nhiên hồi đấy Minh Châu còn chưa ra đời, thằng em tôi mới có 2 tuổi. Lại nhớ cái hồi đấy, tôi mới biết đánh máy, chưa thạo máy tính, lần đầu sử dụng Internet còn lúng túng, không nghe nhạc, …Không ngờ bây giờ đã có thể thấy thằng em họ mình thành thạo những thứ đấy. Đó là do nó học tôi hết. Tất cả thói quen.

Chú tôi rất tốt, rất hiền, rất chiều cháu, nói với tôi:

-Mày cứ sang nhà chú, chú lắp Internet cho mày với thằng Thanh thi giải Toán, cứ yên tâm mà học.

Bố tôi lắc đầu, nói: “Chú cứ từ từ, nó chưa biết cái gì đâu”

Chú tôi đáp: “Anh này, kệ hai đứa nó. Ngại cái gì, để em giải quyết hết”

Thế đấy, thực sự rất đầm ấm. Năm năm xa nhà không phải không có cay đắng, có vất vả, nhưng cuộc sống thực sự rất hòa thuận. Mẹ tôi nói nhà ngoại, từ chú dì đến các bác, ai cũng hiền lành, không tính toán, thật trái ngược với bên nhà nội. Dĩ nhiên đây không phải tự nhiên mà nói, mà mẹ tôi về làm dâu đã thực sự chứng kiến.

Mẹ tôi và dì tôi thật đúng là “tỷ muội tình thân” không gì chia cắt. Bố tôi và chú tôi thì trở thành “bạn nhậu”. Bốn đứa nhỏ là hai chị em tôi và hai anh em Thanh – Châu thì sớm đã chẳng khác gì anh chị em ruột.

Long Biên, Hà Nội

Đi lại là một vấn đề thực sự khó khăn. Chuyển nhà, nhưng trường thì không thể chuyển. Nói tóm lại thì, ngôi trường tôi học và thằng em tôi học (khi nó vào cấp 1) thực sự xa nhà, cách nhà 12km. Cũng may là hai ngôi trường gần như đứng cạnh nhau, nên việc đưa đón cũng tiện đường. Nhưng tôi học cấp 2 có hôm chỉ học nửa ngày, nên bố lại phải mất công đưa đón. Một ngày trung bình lượt đi đi về về đã đạt trên dưới trăm km, tiền xăng xe cũng tốn. Nhà quá xa, muốn đi xe đạp cũng không được. Vậy là tôi đi xe buýt (vào những ngày học nửa buổi). Sáng ra khi người ta còn ngủ, mẹ tôi đã chuẩn bị hàng để bán, tôi và thằng em tôi phải dậy để đi học. Không thể có một phút chậm chễ, xa nhà chậm 1 phút của tôi cũng không được phép, nếu không sẽ muộn học.

Khi biết năm lớp 9 không có chế độ bán trú, tôi thực sự rơi vào bế tắc. Tôi học chính buổi sáng đến 12h, sau đó 2h chiều lại học phụ đạo. Khoảng thời gian tầm 2 tiếng đó không đủ cho tôi về nhà ăn uống, nghỉ ngơi. Nếu không có bán trú thì một đứa như tôi chẳng lẽ lại cứ để bố đưa đi đưa về như vậy sao? Quả thực vô cùng tốn thời gian và xăng xe. Từ đó, những buổi trưa tôi lang thang và ở một mình trong căng tin vắng vẻ của trường cứ tiếp diễn. Sau giờ học buổi sáng, đợi cho bạn bè ra về hết, tôi lại lang thang tìm đồ ăn, hôm thì pizza, hôm thì mỳ tôm cốc, hôm thì mỳ Ý, bánh mỳ (dĩ nhiên chỉ là đồ bán vỉa hè với giá học sinh, không phải loại có thương hiệu như Pizza Hut hay KFC, Burger King =.=), lại mua kèm một chai trà sữa Thái, sau đó đội nắng hòa mình với đám học sinh lớp 7 học chiều vào trường. Ngồi trong căng tin vắng vẻ, yên tĩnh, nghe thấy tiếng giáo viên từ các lớp giảng bài, tôi yên lặng ăn trưa một mình trong lẻ loi. Thực sự rất buồn! Không biết bao giờ tôi mới có thể về trưa như bọn họ? Nhà xa không cho phép tôi làm thế, thời gian không cho phép tôi làm thế, tôi không cho phép tôi làm thế nếu như bố mẹ lại vất vả thêm vì cái trách nhiệm “đưa đón tôi đi học”. Ngôi nhà cũ của tôi cách trường không xa, hoàn toàn có thể về, nhưng hiện tại nó chẳng phải của gia đình tôi.

Lại nói bên Long Biên, quả thực đất rộng mà vắng người ở. Đường phố thì rộng thênh thang do mới quy hoạch, chẳng hề đông đúc đến mức náo loạn như bên Hà Nội. Buổi tối ở khu phố tôi ở thực buồn, tôi chỉ chui vào phòng làm bạn với máy tính. Những buổi sinh nhật bạn bè, những cửa hàng ăn uống người trẻ hay tụ tập, những buổi xem phim,…tôi đều không thể tham gia. Mẹ tôi biết tôi buồn vì quá nhiều hạn chế ở cái tuổi ham chơi đang lớn của tôi, nhưng cũng chỉ biết thở dài an ủi: “Chịu khó vậy con, không thì biết làm thế nào!” Sau đó thì mẹ lại tưởng tượng ra cái ngày được trở về ngôi nhà kia, tưởng tượng ra cái tương lai sáng ngời.

Tôi lớn dần, bắt đầu biết suy nghĩ. Tôi cảm nhận được những chuyện quanh mình, cảm nhận được những xung đột ngầm giữa người lớn. Ví dụ như việc tiền nong. Bố mẹ tôi không phải một lần cãi nhau vì chuyện tiền thuê nhà. Nguyên lai là do bọn thuê nhà không chịu trả đủ tiền, không trả đúng hạn. Mẹ tôi nói bố tôi quá hiền, không quyết đoán để bọn kia “nhờn”, không chịu trả tiền. Nhưng khi mẹ tôi nói để mẹ giải quyết thì bố lại không cho. Vậy là cãi nhau. Có những lần tưởng như bố mẹ đã muốn ly hôn, nhưng thật may…là không sao! Tôi chỉ biết nghiến răng đem cái bọn thuê nhà ra chửi rủa, mà không thể gọi điện chửi. Dù sao là chuyện của người lớn, tôi không thể tham gia. Mẹ kiếp, bọn bay chỉ còn một năm hợp đồng mà còn không biết điều, năm nào cũng gây khó dễ ăn bớt tiền của nhà bà. Đúng đấy, nói thật là trong đầu tôi không biết dùng bao nhiêu từ thô thục để chửi cái “lũ mất dạy” đó. Cái lũ bại hoại, làm ăn không đứng đắn.

Mỗi lần về nhà để ăn cỗ ở nhà nội, tôi nhìn lũ người đứng trong nhà mình mà tức đến mức nghiến răng nghiến lợi, hận không thể xông vào đuổi hết ra. Có lần bố mẹ tôi ở trên tầng 6(tầng thờ), tôi đi thẳng vào quán mà không thèm nhìn mặt ba thằng ngồi ở đó.

Một trong ba thằng gọi giật tôi lại hỏi:

-Em tìm ai?

-Bố mẹ tôi ở trên tầng.

Sau đó anh ta “ờ” một tiếng, tôi đi thẳng. Lên đến tầng ba, tiếng nói chuyện từ tầng 1 vọng lên.

-Đúng là con nhà không có giáo dục

-Đi lại mà không mở miệng ra nói năng

-Thấy người lớn mà không chào. Trẻ con thời nay đúng là…

Tôi nghiến răng, định chửi lên một tiếng. Mẹ nó, sao tôi phải nói chuyện với mấy người? Đúng là chủ nào tớ nấy. Nhà tôi tôi có quyền vào, cớ gì mấy người đặt cái xác bẩn của mấy người trong nhà tôi. Mẹ kiếp, tôi nói cho mấy người biết, bố mẹ tôi không phải người để bọn bay muốn nói gì thì nói. Nhìn lại ông chủ của mấy người đi, một lũ bại hoại, cơ hội, một lũ ngu dốt, thủ đoạn, mấy người định lấy thân phận gì giáo dục tôi?

Lúc tôi cùng bố mẹ đi xuống, khi bố tôi còn nói chuyện hòa nhã với ba người đó, tôi chỉ lạnh lùng nhìn xoáy vào mắt ba thằng đấy. Nhìn cho rõ đi, loại như mấy người không đáng để tôi phải mở miệng, Mẹ kiếp, trả nhà cho nhà tao!

Vậy đấy, bố mẹ tôi có lẽ đã chịu không ít ấm ức rồi.

Cho đến khi chỉ còn 6 tháng hợp đồng, nhà tôi luôn trong tình trạng “cầu trời khấn phật” để lũ khốn nạn kia phá hợp đồng, trả nhà sớm hơn thời hạn.

Ông trời linh thiêng, cuối cùng cũng như ý!

Giấc mơ hằng đêm của mẹ đã thành hiện thực. Mẹ nói rất nhiều đêm mẹ mơ thấy gia đình đã về căn nhà mới xây ở, đến khi tỉnh lại thì hiện thực luôn tàn khốc.

Bọn khốn nạn đó đã trả nhà, chấm dứt hợp đồng 6 năm.

Ngày gia đình tôi từ biệt nhà chú dì, từ biệt cái nơi đã ở 5 năm, thực sự trong lòng tôi dâng lên một cảm giác buồn, vui lẫn lộn. Tôi biết đây là sẽ là một mốc thời gian trong quá khứ trưởng thành của bản thân, vĩnh viễn không bao giờ quên. Nỗi vất vả của bố mẹ, những cơn co giật của người anh bệnh tật, những lần mưa nắng đi học khốn khổ của hai chị em tôi,… Hóa ra thời gian rất dài mà lại như rất ngắn, mọi dấu ấn của cuộc sống này đều đã để lại nơi đây. Lại cần một thời gian để tôi làm quen với cuộc sống xô bồ, vội vã bên kia; rời xa nơi thanh bình, vắng vẻ chốn ngoại thành.